Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cây hy thiêm chữa bán thân bất toại

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/11/2011 04:34 SA

Hỏi:

Ông ngoại tôi bị bán thân bất toại đã 2 năm nay. Có người mách đi kiếm cây hy thiêm sắc lấy nước uống hàng ngày, có tác dụng rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết người ta nói như vậy có đúng hay không? Cây hy thiêm thường hay mọc ở đâu? Cách chế biến và sử dụng như thế nào?

Nguyễn Văn Ninh, Hòa Bình

Đáp:

IMG

Hy thiêm là cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Một số nơi còn gọi là "cỏ đĩ", "cứt lợn", "chó đẻ", "nụ áo rìa", tên khoa học là Siegesbechia Orientalis L.

Chữ "cứt lợn" là dịch nghĩa "hy thiêm" trong tiếng Hán: "hy" là hôi như lợn, "thiêm" là thứ cỏ đắng, cay, hơi độc. Cần lưu ý là "cứt lợn" còn chỉ một cây khác cũng thuộc họ Cúc, bà con ta thường nấu với bồ kết để gội đầu. Còn tên "chó đẻ" lại thường dùng chỉ cây "chó đẻ răng cưa" thuộc họ Thầu dầu. Người ta gọi "hy thiêm" là "cỏ đĩ" vì hoa có chất dính, người đi qua thường bị bám vào làm bẩn quần áo.

Hy thiêm là cây sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao khoảng 50cm, cành có lông. Lá mọc đối, hình quả trám, cuống ngắn, mép có răng cưa, dưới có lông. Hoa hình đầu, màu vàng, lá bắc có lông, cuống có lông. Quả hình trứng, màu đen, 4-5 cạnh, dài khoảng 3mm, rộng 1mm. Mùa hoa tháng 4-5; mùa quả tháng 9-10.

Vào khoảng tháng 4-5 khi cây sắp ra hoa, cắt toàn bộ cây hy thiêm, đem phơi ngoài nắng tới gần khô rồi mang vào nơi thoáng gió phơi đến khi khô hẳn. Ngoài ra, Đông y còn dùng rễ và quả hy thiêm.

Theo sách Bản thảo cương mục: Dùng hy thiêm phải nấu và phơi khô 9 lần (cửu chưng cửu sái) mới tốt, dùng tươi có thể gây nôn.

Kinh nghiệm của một số lương y Việt Nam: Hy thiêm đem rửa sạch, phơi khô, tưới rượu và mật vào, đồ lên rồi phơi khô (nếu làm được 9 lần như vậy thì càng tốt).

Theo Đông y: Hy thiêm có vị đắng, tính hàn, hơi có độc. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, sát trùng, giải độc, hạ huyết áp. Dùng để chữa chân tay tê bại, gối đau, lưng mỏi, viêm gan vàng da. Còn dùng đắp tại chỗ, chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn. Liều dùng: 9-12g. Kiêng kỵ: Người âm huyết không đủ không nên dùng độc vị hy thiêm.

Cách dùng hy thiêm chữa bán thân bất toại:

    - Hái lá và cành non cây hy thiêm trước khi ra hoa (không kể nhiều ít), sao vàng, tán thành bột mịn. Thêm mật ong vào trộn đều thành thứ bột mềm, vê thành viên to bằng hạt ngô.

    - Hàng ngày uống từ 3-6g viên vào sau bữa ăn. Nếu uống được rượu thì nên dùng rượu để chiêu thuốc. Đây là một đơn thuốc kinh điển có tên là "Hy thiêm hoàn" chuyên dùng chữa bán thân bất toại, miệng mắt méo do cảm gió, mất tiếng, ...

Như vậy, để chữa bán thân bất toại cho ông bạn, sử dụng cây hy thiêm dưới dạng thuốc viên, chế biến theo cách trên là tốt nhất. Còn như nếu muốn dùng hy thiêm sắc nước uống hàng ngày để tránh tác dụng phụ, nên chế biến trước - theo một trong các phương pháp đã nói ở trên.

Xin giới thiệu thêm một số đơn thuốc khác có dùng hy thiêm:

(1) Chữa cảm mạo, đau đầu: Hái cành, lá non hy thiêm 12g, tía tô 12g, hành 8g sắc nước uống.

(2) Chữa tăng huyết áp: Dùng hy thiêm 20g, hoa hòe 20 sắc nước uống trong ngày. Có tác dụng hạ huyết áp, an thần, chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ.

(3) Chữa ung nhọt độc, vết thương ngoài da: Lấy hy thiêm tươi, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ bị thương.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]