Hỏi:
Những năm công tác trên Hòa Bình, tôi để ý thấy dân địa phương hay dùng cành lá của một loại cây, gọi là "cây thuốc mọi" đun nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ tắm, và còn dùng để chữa nhiều bệnh. Gần đây, tôi phát hiện thấy thứ cây đó cũng mọc hoang gần nơi tôi ở, nhưng ở quê tôi thường gọi là "cơm cháy". Rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết về tác dụng chữa bệnh của cây thuốc này.
Đào Văn Tuyên, Lang Giang, Bắc Giang
Đáp:
Cơm cháy là loài cây mọc hoang dại và được trồng khắp nơi. Thường thấy ở ven suối, bờ khe, còn được trồng để làm cảnh hoặc dùng làm thuốc. Cây còn có tên là "cây thuốc mọi", "sóc dịch", "tiếp cốt thảo" (cỏ nối liền xương), "xú thảo", "anh hùng thảo", "tẩu mã tiễn", "tẩu mã phong", "bát lý ma", "tiểu tiếp cốt đan", ... tên khoa học Sambucus javanica Reinw., thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae).
Cơm cháy là cây nhỏ cao từ 1,5-7m. Cành nhẵn, màu lục nhạt. Lá mọc đối, thường có lá kèm, phiến lá dạng lông chim với 1-4 đôi lá chét không cuống hay cuống nhỏ, hình mác, mép có răng cưa nhỏ, dài 4-7cm, rộng 2,5cm, nhẵn. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim kép nom giống cái tán đường kính 10-30cm, với 2-6 gọng chính, những gọng này lại chia đôi nhiều lần, mang hoa không cuống. Hoa tràng hình bánh xe, bao phấn hướng ra phía ngoài. Quả mọng hình cầu đường kính 2-3mm chứa 2-3 hạt dẹt.
Bộ phận sử dụng làm thuốc: Lá, vỏ cây, hoa và quả. Có thể thu hái quanh năm lá và vỏ, nhưng hoa và quả phải thu hái vào mùa Hè và Thu. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, không phải chế biến gì khác.
Theo Đông y: Cây cơm cháy có vị chua, tính ấm. Có tác dụng khử phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Dùng chữa phong thấp đau nhức, phù do viêm thận, cước khí phù thũng, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, đơn độc, mụn nhọt lở loét sưng đau, gãy xương, đòn ngã chấn thương.
Tại một số địa phương, người ta dùng cành và lá cây cơm cháy tắm cho phụ nữ mới sinh nở. Quả làm thuốc lọc máu, thông tiểu và nhuận tràng; ngâm rượu uống làm thuốc nhuận, tẩy độc cơ thể, chữa lỵ và thấp khớp. Hoa được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm ra mồ hôi, dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc xông. Vỏ cũng dùng làm thuốc nhuận và thông tiểu.
Liều dùng: Ngày dùng với liều 10-12g hoa, quả hoặc vỏ dưới dạng thuốc sắc.
Lưu ý: Cơm cháy là vị thuốc mãnh liệt, không dùng quá liều trên. Nếu dùng với liều 3g/1kg thể trọng có thể dẫn tới đái nhiều quá, ỉa lỏng và nôn mửa.
Một số đơn thuốc có dùng cây cơm cháy:
(1) Chữa bán thân bất toại, người lạnh đau: Mùa lạnh dùng rễ (giã nát), mùa nóng dùng cành lá cây cơm cháy, sao lên cho nóng, xoa và đắp lên rốn bệnh nhân; đồng thời dùng lá cây cơm cháy, hun nóng, rải lên chiếu cho bệnh nhân nằm.
(2) Chữa toàn thân không nằm được: Dùng rễ cây cơm cháy, bóc bỏ vỏ, giã nát vắt lấy 1 chén nước cốt, hòa thêm 1 chén rượu, hâm nóng lên, cho bệnh nhân uống dần vào lúc đói bụng, thấy hơi buồn nôn thì ngừng.
(3) Chữa cước khí mới phát, từ chân đến đầu gối sưng đau: Dùng rễ cây cơm cháy 3 phần, giã nát, bã rượu 1 phần, trộn đều, sao nóng, đắp lên những chỗ sưng rồi dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 2 lần.
(4) Chữa phù thũng do viêm thận: Dùng cành lá cây cơm cháy 20-30g, sắc nước uống trong ngày.
(5) Chữa hoàng đản (vàng da): Dùng rễ cây cơm cháy nấu với thịt ba chỉ cho bệnh nhân ăn.
(6) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt: Dùng rễ cây cơm cháy 90-120g, hầm với thịt lợn hoặc dạ dày lợn, chia ra ăn nhiều lần trong ngày.
(7) Chữa sưng vú: Dùng lá cơm cháy trộn với nước vo gạo để chua, hoặc giấm, hoặc sao nóng đắp vào chỗ sưng đau. Hoặc dùng lá cơm cháy giã nát, chưng với giấm, hoặc xào nóng đắp vào chỗ sưng đau.
(8) Chữa ghẻ lở, vết thương: Dùng lá cơm cháy, sắc lấy nước đặc, rửa những chỗ bị bệnh.
(9) Chữa đòn ngã chấn thương, đau nhức: Dùng rễ cây cơm cháy 20g, sắc với nửa phần rượu nửa phần nước, lọc bỏ bã, thêm 30g đường trắng trộn đều uống.
(10) Chữa gãy xương: Dùng vỏ rễ và lá cây cơm cháy giã nát đắp vào chỗ xương gãy rồi băng lại cho cố định.
(11) Chữa ngứa toàn thân: Dùng cành lá cây cơm cháy, sắc lấy nước đặc rửa, tắm.
(12) Chữa trẻ nhỏ bị đơn độc khắp người sưng đỏ tấy: Dùng cành lá cây cơm cháy, sắc lấy nước đặc tắm rửa cho trẻ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.