Hỏi đáp

"Cảm lạnh nhiều mồ hôi" chữa không đơn giản

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/08/2015 09:58 SA

Hỏi:

Bình thường da tôi rất dễ ra mồ hôi (chỉ hơi vận động mạnh là mồ hôi vã ra ướt áo) và mùa Đông rất dễ bị cảm lạnh. Khi cảm lạnh, uống thuốc giải cảm Tân dược hay Đông dược (khung chỉ, cảm xuyên hương, ...), thì đều thấy mồ hôi ra rất nhiều, mà người vẫn thấy sốt, toàn thân đau mỏi, mệt lả, ... Xin hỏi "Thuốc vườn nhà", với trường hợp thể tạng như tôi, khi cảm lạnh phải uống thuốc gì?

Trần Vinh Hiển, Yên Phong, Bắc Ninh

Đáp:

quế chi

Với những người bình thường khỏe mạnh, khi cảm lạnh, nói chung chỉ cần dùng phép "phát hãn" (làm ra mồ hôi) như uống nước sắc gừng, tía tô, kinh giới, ... rồi đắp chăn cho ra mô hôi và nằm nghỉ một lúc, là bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên cách chữa trị như vậy lại không thể áp dụng được với những người dễ vã mồ hôi.

Mồ hôi tự tiết ra quá nhiều là tình trạng suy nhược, mà Đông y gọi là "vệ biểu bất cố" - nghĩa là phần biểu, phần bao bọc bên ngoài, có chức năng bảo vệ cơ thể, không được vững chắc.

Người bình thường khi bị cảm lạnh, sẽ xuất hiện chứng bệnh "biểu thực", với những chứng trạng chủ yếu, như phát sốt, sợ gió và không có mồ hôi; do các lỗ chân lông trên da co chặt lại, da sần lên, nổi gai như da gà. Đối với chứng cảm lạnh "biểu thực", chỉ cần sử dụng những vị thuốc cay ấm để "phát hãn" (làm cho ra mồ hôi) là khỏi.

Nhưng người có thể tạng "vệ biểu bất cố", khi bị cảm lạnh, lại xuất hiện hội chứng "biểu hư" như phát sốt, sợ gió và vẫn ra mồ hôi. Đặc điểm của cảm lạnh "biểu hư" là sốt không cao, chỉ hơn 38-39 độ C. Điều này liên quan đến tình trạng mồ hôi tiết xuất, khiến nhiệt độ trong cơ thể có điều kiện phát tán ra ngoài. Mồ hôi tự chảy ra là (tự hãn) đặc trưng chủ yếu của chứng bệnh này. Mồ hôi chảy ra càng nhiều, thì càng sợ gió. Hễ gió thổi là cảm thấy lạnh. Ngoài ra, còn thường kèm theo các chứng trạng như cổ gáy cứng đau, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, nôn khan, mạch phù hoãn.

Để chữa trị chứng "biểu hư" do cảm lạnh (gọi đầy đủ là "biểu hư hàn"), từ xưa Đông y đã tìm ra bài thuốc hiêu nghiệm, là "Quế chi thang".

Thành phần bài thuốc "Quế chi thang": Quế chi 9g, bạch thược 9g, sinh khương (gừng tươi) 9g, chích cam thảo (cam thảo nướng) 6g, đại táo 7 trái; tất cả các vị thuốc sắc với 1500ml nước, nấu nhỏ lửa cho cạn còn khoảng 600ml; chờ cho thuốc bớt nóng, rót ra một bát (khoảng 200ml) uống hết, rồi nằm nghỉ.

Nếu có điều kiện ăn thêm bát cháo loãng càng tốt. Sau khi nằm nghỉ, nếu thất đỡ sốt thì thôi, nếu chưa đỡ, thì hâm lại và uống thêm 1 bát thuốc nữa.

"Quế chi thang" là bài thuốc kinh điển, có tác dụng trị liệu rất cao và cấu trúc hết sức chặt chẽ: Sử dụng quế chi làm "chủ dược", có tính năng ôn thông kinh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, để phát tán hàn tà; dùng thược dược làm "phụ dược", vị chua đắng, tính hơi lạnh, có tính năng liễm âm hòa doanh. Quế chi phối hợp với bạch thược, quế chi phát tán bạch thược thu liễm, một khai một hợp, có khả năng phát hãn mà không thương âm, liễm âm mà không lưu tà, cấu thành một phối ngũ có công năng điều hòa doanh vệ rất hoàn hảo. Dùng thêm sinh khương (gừng tươi) vị cay tính ấm, vừa có thể trợ giúp quế chi phát tán phong hàn tà ở biểu, lại có thể làm ấm dạ dày và chống nôn. Lại dùng thêm cam thảo, là vị thuốc có nhiều tính năng, một mặt có tác dụng an trung ích khí, điều hòa chư dược; mặt khác lại có thể trợ giúp tác dụng ôn dương của quế chi, trợ giúp tác dụng hòa âm, hoãn cấp chỉ thống cho thược dược. Còn vị đại táo (táo tàu) có tính năng ích tỳ vị, hòa doanh huyết, phối hợp với thược dược có tác dụng tăng cường chức năng liễm âm hoãn cấp.

Các vị thuốc hợp lại, thành một phương thuốc có tác dụng điều hòa khí huyết doanh vệ của cơ thể. Một khí doanh vệ đã điều hòa, thì ngoại tà sẽ tự rút lui.

Ngoài tác dụng chữa chứng "biểu hư" trong ngoại cảm phong hàn, "quế chi thang" còn có thể sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác.

Thí dụ như, còn dùng chữa chứng mồ hôi tự tiết ra (tự hãn) ở những người sau khi ốm nặng sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn; còn có thể dùng chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ (sản hậu), do cơ thể còn suy yếu, khí huyết chưa phục hồi, doanh vệ chưa điều hòa, mà dẫn tới chứng trạng người lúc nóng lúc lạnh, tinh thần uể oải, ăn uống giảm sút, ...

Tuy nhiên, cũng như tất cả các bài thuốc khác, "quế chi thang" cũng có chống chỉ định và nghi kỵ trong khi sử dụng: Nếu cảm lạnh phát sốt mà không có mồ hôi, hoặc cảm phong nhiệt (cảm nóng), hay những người vốn nhiệt thịnh, miệng khát mạch sác, thì không được dùng. Người nhiệt thịnh uống "quế chi thang" có thể dẫn tới chảy máu mũi.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]