Hỏi:
Nơi tôi ở, những người đi rừng bị ngã chấn thương, thường sắc tô mộc lấy nước uống, để giảm đau và giúp cho vết thương chóng lành. Xin hỏi "Thuốc vườn nhà", nên sử dụng tô mộc để uống với liều lượng bao nhiêu? Tô mộc có độc không và sử dụng cần kiêng kỵ gì?
Lê Thành, Bắc Kạn
Đáp:
Tô mộc
Tô mộc còn có tên là "cây gỗ vang", "cây vang nhuộm", "lõi vang", "cây tô phượng", "tô phương mộc", "co vang" (Thái); tên khoa học là Caesalpinia sappan L., thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae).
Cây tô mộc cao 7-10m, thân có gai. Lá kép lông chim, gồm 12 đôi, hay hơn 12 đôi lá chét, hơi hẹp ở phía dưới tròn ở đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa 5 cánh màu vàng mọc thành chùm, nhị hơi lòi ra, nửa dưới chỉ nhị hơi có lông, bầu hoa phủ lông xám. Quả là một giáp dẹt hình trứng ngược dày, dai, cứng, dài từ 7-10cm, rộng từ 3,5-4cm, trong có 3-4 hạt màu nâu.
Cây mọc hoang ở khắp các nương rẫy, rừng thưa. Còn được trồng ở nhiều nơi, để làm thuốc và làm thuốc nhuộm.
Vị thuốc "tô mộc" là lõi gỗ, bỏ vỏ ngoài của thân hoặc cành cây tô mộc. Lõi gỗ thường được cưa thành từng đoạn khoảng 3cm, sau đó chẻ thành những thanh mỏng, phơi khô.
Trong Đông y, tô mộc được xếp trong nhóm thuốc "Hoạt huyết liệu thương" (có tác dụng hoạt huyết, dùng chữa thương tổn).
Theo Đông y: Tô mộc có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc; vào các kinh Tâm và Can. Có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, chỉ thống, thông kinh. Chủ trị chứng kinh bế, đau bụng sau sinh, đau do té ngã chấn thương.
Liều dùng: Dùng trong, sắc nước uống từ 4-12g, hoặc tán bột, nấu thành cao; dùng ngoài, tán mịn rắc lên vết thương.
Kiêng kỵ: Người không có huyết ứ, phụ nữ có thai kỵ dùng.
Độc tính: Y thư cổ nói, tô mộc không độc. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, độc tính của tô mộc rất thấp. Liều độc LD50 đối với chuột nhắt là 18,9g/kg.
Do liều độc của tô mộc tương đối thấp, bạn có thể sử dụng thử để chữa đau nhức trong các trường hợp bị đòn, ngã, tổn thương.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Nước ngâm và nước sắc tô mộc có tác dụng ức chế rõ ràng đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, như trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn cúm, trực khuẩn phó thương hàn, trực khuẩn lỵ Flexner, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn tan huyết, phế cầu khuẩn. Đối với trực khuẩn ho gà, phó thương hàn A, B và trực khuẩn viêm phổi, cũng có tác dụng.
Do đó, khi bị thương, ngoài dùng tô mộc sắc nước uống, còn có thể lấy nước ngâm hoặc nước sắc tô mộc để rửa vết thương. Cũng như có thể dùng tô mộc tán thành bột, rắc lên vết thương để cầm máu và giúp cho vết thương chóng lành.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.