Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách chữa cảm mạo khi thời tiết thay đổi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/06/2015 02:29 SA

Hỏi:

Cứ mỗi khi thời tiết biến đổi đột ngột, người già và trẻ nhỏ trong gia đình tôi rất hay bị cảm mạo. Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết về cách sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh cảm trong điều kiện gia đình. Xin chân thành cám ơn.

Đình Văn, Vĩnh Phúc

Đáp:

tía tô

Tía tô

Người già cơ thể đã suy yếu, khả năng thích ứng với những biến động của môi trường đã giảm, nên khi thời tiết thay đổi đột ngột thường dễ bị cảm mạo. Trẻ nhỏ cơ thể chưa phát triển đầy đủ, trung tâm điều tiết thân nhiệt và hệ tuần hoàn chưa kiện toàn, nên trong những ngày thời tiết biến động nhiều, cũng dễ bị cảm mạo và các bệnh hô hấp, như như ho, viêm họng, viêm khí quản, ...

Những dấu hiệu điển hình khi bị cảm mạo là:

    - Mũi chảy nước: Niêm mạc trong khoang mũi phản ứng lại với sự nhiễm khuẩn bằng "biện pháp" sưng tấy lên, tăng xuất tiết chất nhờn, dẫn đến tình trạng chảy nước mũi.

    - Mũi bị ngạt: Là do niêm mạc xoang mũi bị sung huyết, máu tụ lại, niêm mạc nở to ra dẫn đến ngạt mũi.

    - Khản tiếng, giọng nói lạ: Do xoang mũi, xoang miệng bị viêm nhiễm, biến dạng gây nên.

    - Nhức đầu: Xoang mũi bình thường liên thông với xoang miệng, khi niêm mạc bị viêm nhiễm, sẽ bị nghẽn tắc. Tình trạng này dẫn đến tăng áp lực ở trong xoang mũi, gây nên nhức đầu.

    - Đau vùng tai: Phần trên của họng bị viêm nhiễm, làm nghẽn vòi nhĩ (vòi Eustach), gây đau ở vùng tai.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, đối với các bệnh hô hấp do thời khí, có thể sử dụng các bài thuốc chữa trị ngoại cảm của Đông y để chữa.

Người bệnh có thể căn cứ vào những triệu chứng biểu hiện cụ thể, để xác định xem bị cảm phong nhiệt (cảm nóng) hay phong hàn (cảm lạnh), sau đó tùy theo điều kiện cụ thể mà chọn dùng một trong số bài thuốc Nam sau:

    (1) Giải cảm phong nhiệt 1:

    - Thành phần: Rau má 12g, lá mơ 8g, cỏ nhọ nồi 8g, cỏ mần trầu 8g, bạc hà 6g, kim ngân 12g, rễ cỏ tranh 8g, ké đầu ngựa 6g, cam thảo 6g.

    - Cách chế và sử dụng: Các vị thuốc rửa sạch cho vào ấm, thêm 1000ml nước, sắc cạn còn một nửa, chia ra 3 lần uống trong ngày. Chú ý uống khi thuốc còn ấm, nếu nguội phải hâm lại.

    - Tác dụng: Dùng chữa ngoại cảm thể "phong nhiệt"; với những biểu hiện chính như phát sốt, ra mồ hôi, đầu nặng, miệng háo, thích uống nước, ho, họng đỏ đau, hoặc kèm theo đổ máu mũi; tiểu tiện vàng, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.

    (2) Giải cảm phong nhiệt 2:

    - Thành phần: Lá tre 16g, kim ngân 12g, bạc hà 8g, kinh giới 8g, cam thảo 6g.

    - Cách chế và sử dụng: Các vị thuốc rửa sạch cho vào ấm, thêm 600ml nước, sắc cạn còn một nửa, người lớn uống hết một lần, trẻ nhỏ chia ra 2-3 lần uống trong ngày; uống khi thuốc còn ấm.

    - Tác dụng: Cũng có tác dụng giải phong nhiệt, nhưng thành phần đơn giản hơn. Dùng trong trường hợp không thể kiếm đủ tất cả các vị thuốc như trong bài 1.

    (3) Giải cảm phong hàn 1:

    - Thành phần: Tía tô (cành và lá tươi) 12g, vỏ quít 12g, củ gấu (tẩm gừng sao) 12g, hành 8g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g.

    - Cách chế và sử dụng: Các vị thuốc rửa sạch cho vào ấm, thêm 600ml (khoảng 3 bát) nước, sắc cạn còn một nửa, chi ra 2 lần uống. Chú ý uống ấm, thuốc lạnh cần hâm lại. Uống xong chùm chăn cho ra mồ hôi. Nếu uống nước đầu mồ hôi đã ra rồi, khi uống lần sau không cần chùm chăn nữa.

    - Tác dụng: Giải phong hàn, chữa cảm do nhiễm lạnh; với những biểu hiện như phát sốt, không có mồ hôi, không khát nước, kèm theo nhức đầu, ngứa cổ, ho, ...

    - Chú ý: Người bị cảm cúm, phát sốt mà ra nhiều mồ hôi, thì không dùng bài thuốc này.

    - Gia giảm: (1) Nếu kèm theo đầy bụng, nôn mửa thêm hoắc hương 8g, hậu phác 10g, bán hạ 10g. Nếu đầu đau nhiều, thêm mạn kinh tử (trái cây quan âm) 12g, bạch chỉ 8g. Nếu ho nhiều, thêm củ hoặc lá rẻ quạt 8g; cùng sắc uống. (2) Nếu chân tay, cơ thể đau nhức, hoặc chân tay co giật, cần thêm hoắc hương 12g, bạc hà 10g, cùng sắc uống.

    (3) Giải cảm phong hàn 2:

    - Thành phần: Hành để cả rễ 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g.

    - Cách chế và sử dụng: Hành, gừng giã nhỏ để sẵn; gạo nếp nấu cháo cho chín, khi đang nóng cho hành và gừng vào quấy đều. Múc ra 1 bát cho ăn lúc đang nóng, ăn xong chùm chăn cho ra mồ hôi. Khi thấy mồ hôi đã ra đều, thì bỏ chăn ra và lau khô mồ hôi; cần chú ý tránh gió.

    - Tác dụng: Cũng có tác dụng giải phong hàn, dùng chữa cảm lạnh.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]