Hỏi:
Cách đây không lâu, trong một lần đi công tác, cách xa bệnh viện, tôi đã bị viêm ruột rất nặng, bụng đau quặn, đại tiện liên tục và ra rất nhiều máu, mủ, ... Tôi đã dùng mấy thứ thuốc mang theo, nhưng không sao khỏi. May là, khi đó tôi đã được một bà cụ chữa cho khỏi bệnh, bằng một thứ cây ở ngay gần nhà. Về sau, khi được bà cụ chỉ cho thứ cây đó, tôi thấy nó rất giống loại cây mà thời trước ở quê tôi thường ủ làm phân xanh, gọi là "bớp bớp". Tôi viết thư này kể lại sự việc và mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, cây bớp bớp có độc không? Có ngoài tác dụng chữa viêm ruột, còn có thể sử dụng để chữa những bệnh gì?
Trần Văn Hòa, Hải Dương
Đáp:
Cây cỏ lào
Cây "bớp bớp", thường gọi là "cây cỏ lào", còn có tên "cỏ tàu bay", "hương trạch lan", "dân quốc thảo", "phi cập thảo", "nhã bả bổng", ... tên khoa học là Eupatorium odoratum L..
Đó là loài cỏ sống lâu năm, cao chừng 1-2 m, thân có rãnh, ít phân nhánh. Thường mọc thành bụi, phát triển rất nhanh và tái sinh rất mạnh. Thân và cành đều có lông nhung màu vàng. Cành lá vò có mùi thơm. Lá mọc đối, hình trứng nhọn, mép có răng cưa to không đều, dài 3-10cm, với 3 gân nổi rõ từ gốc, 2 mặt đều có lông. Hoa tự, màu hồng hoặc màu trắng, mọc thành cụm hình ngù, có lá bắc. Quả bế hình thoi, 5 cạnh, có lông.
Cây mọc dại ở các bãi, gần các rừng thưa, nhà nông thường dùng làm phân xanh. Toàn cây cũng được dùng làm thuốc.
Theo Đông y: Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có độc. Có tác dụng tán ứ, tiêu thũng, sát trùng, chỉ huyết (cầm máu). Dùng chữa phong tê thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã sưng đau, kiết lỵ, ỉa chảy, mụn nhọt lở loét ngoài ra, vết thương chảy máu.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Toàn cây có chứa tinh dầu, alcaloid, tanin. Nước sắc cỏ lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế đối với vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella.
Liều dùng: 6-12g, sắc nước uống.
Chú ý: Cây có độc, uống quá liều có thể bị trúng độc, với những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Có thể dùng cỏ lào để phòng trị một số chứng bệnh như sau:
(1) Chữa đau nhức xương: Dùng cỏ lào 8g tươi, dây đau xương 12g; sao vàng, sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa lỵ trực trùng và ỉa chảy: Dùng 12g cỏ lào sắc lấy nước, pha thêm đường, chia 3 lần uống trong ngày.
(3) Chữa đòn ngã sưng đau, chảy máu: Dùng lá cỏ lào tươi, lượng thích hợp, vò nát đắp hoặc giã đắp vào vết thương. Có tác dụng giảm đau, chống sưng, cầm máu, giúp vết thương chóng lành rất tốt.
(4) Phòng đỉa cắn: Trước khi lội xuống nước, hái cành lá cỏ lào, giã vắt lấy nước cốt, bôi xoa khắp chân đùi.
(5) Chữa máu chảy không ngừng do bị đỉa, vắt cắn: Vò lá cỏ lào xát vào thì cầm ngay.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.