Dưỡng sinh

Biện chứng thực liệu chữa lâm lịch (đái rắt, đái buốt)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/09/2014 09:16 SA

ngô, cây ngô

Đái rắt, đái buốt trong Đông y cổ truyền gọi là "lâm lịch".

"Lâm" = nước từ trên nhỏ xuống, "lịch" = nhỏ giọt.

"Lâm lịch" chỉ tình trạng đi tiểu tiện luôn, mà lượng nước tiểu ít, ra nhỏ giọt, kèm theo đau buốt, đau lan xuyên cả  lên bụng dưới. "Lâm lịch" thường gặp trong một số bệnh thuộc hệ tiết niệu của y học hiện đại, như viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, ung thư hệ tiết niệu, đái dưỡng chấp, ...

Đông y cho rằng, nguyên nhân dẫn tới "lâm lịch" là "thấp nhiệt". Vị trí của bệnh ở bàng quang. Cơ chế của bệnh chủ yếu là thấp nhiệt uẩn kết ở hạ tiêu, chức năng khí hóa của thận và bàng quang bị trục trặc; từ đó mà dẫn đến tình trạng tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu tiện nhỏ giọt và đau buốt.

Khi tiến hành biện luận trị trên lâm sàng, chủ yếu cần phân biệt giữa "hư" và "thực" ("chứng hư" và "chứng thực").

Bệnh mới phát, do thấp nhiệt tà thực xâm nhập vào bàng quang, khiến cho chức năng khí hóa của bàng quang bị trục trặc mà dẫn tới đái rắt đái buốt, thường thường là "thực". Bệnh kéo dài lâu ngày, tạng Tỳ và tạng Thận đã bị hư tổn, chức năng khí hóa của bàng quang đã bị trục trặc, bệnh đã từ "thực" đã chuyển sang "hư"; cũng có thể xuất hiện cả tình trạng "hư thực" lẫn lộn. Đối với chứng "thực", chữa trị cần sử dụng phương pháp thanh nhiệt lợi thấp thông lâm; đối với chứng "hư", cần tiến hành bồi bổ Tỳ, Thận.

Nguyên tắc ăn uống:

    Đối với những người có nguy cơ hoặc đã bị đái rắt, đái buốt (lâm lịch), ăn uống hàng ngày cần tuân theo môt số nguyên tắc sau:

    1. Cần uống nhiều nước, hoặc sử dụng nhiều thức ăn lỏng, để xúc tiến quá trình trao đổi thủy dịch trong cơ thể, giúp cơ thể mau chóng đào thải các chất độc hại và hóa giải thấp nhiệt tà độc.

    2. Khẩu phần hàng ngày cần sử dụng nhiều các loại rau quả có tính thanh đạm, như dưa hấu, bí đạo, lê, rau cần, ngó sen tươi, rau má, ...

    3. Hạn chế tối đa (hoặc tốt nhất là không sử dụng) các loại rau quả, gia vị cay nóng, có tính kích thích mạnh như hành, tỏi, rau hẹ, gừng, ớt ...

    4. Không uống rượu và hút thuốc lá.

BIỆN CHỨNG THỰC LIỆU THIỆN:

    Thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng bài tiết nước tiểu của cơ thể. Không những thế, một số loại thức ăn phối hợp với thuốc (Món ăn - Bài thuốc) còn có thể sử dụng để chữa trị lâm lịch đạt hiệu quả tốt.

    Tuy nhiên, để sử dụng Món ăn - Bài thuốc có kết quả tốt, người bệnh cần căn cứ vào các chứng trạng biểu hiện cụ thể, để nhận diện chính xác chứng hình (thể bệnh), trên cơ sở đó mà chọn dùng Món ăn - Bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng thực liệu" như sau:

    1. Thể "Thấp nhiệt uẩn kết":

        - Biểu hiện lâm sàng: Bụng dưới đau thắt hoặc trướng đau; tiểu nóng rát hoặc đau nhói; nước tiểu màu đỏ thẫm, hoặc kèm theo sỏi; nặng thì tiểu lẫn máu hoặc đang tiểu bỗng nhiên đứt quãng; bụng đau như thắt không chịu nổi. Kèm theo người bồn chồn, miệng khô đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt; mạch hoạt sác.

        - Nguyên tắc trị liệu: Thanh nhiệt lợi thấp thông lâm.

        - Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu:

        (1) Cháo mã đề tâm sen: Dùng mã đề tươi 30g, tâm sen 10g, gạo tẻ 50-100g, hành trắng 1-2 củ; trước hết thái nhỏ lá mã đề, cùng với hành sắc lấy nước, bỏ bã, sau đó cho tâm sen và gạo tẻ vào nấu thành cháo; chia ra 2 lần ăn trong ngày, liên tục 7-10 ngày (1 liệu trình); nếu chưa khỏi, nghỉ 3-4 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

        (2) Cháo chi tử liên tâm: Chi tử (dành dành) 5g, tâm sen (liên tâm) 10g, gạo tẻ 50-100g; trước hết nấu gạo tẻ và tâm sen cho đến khi cháo chín, sau đó cho chi tử đã nghiền nhỏ vào trộn đều, đun thêm một chút nữa là được; khi ăn có thể hòa thêm chút đường trắng vào cho vừa miệng; chia ra 2 lần ăn trong ngày, liên tục 7-10 ngày (1 liệu trình); nếu chưa khỏi, nghỉ 3-4 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

        (3) Canh râu ngô: Râu ngô 30-60g, thịt trai 50-200g, thêm nước, nấu đến khi thịt trai chín là được, thêm mắm muối gia vị thành món canh, ăn trong bữa cơm; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang), ăn liên tục 7-10 ngày (1 liệu trình); nếu chưa khỏi, nghỉ 3-4 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

        (4) Cháo kim thạch: Kim tiền thảo 50g, thạch vi 30g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 30g, gạo tẻ 50g; trước tiên sắc 2 vị thuốc lấy nước, sau cho đậu đỏ và gạo vào nấu cháo; ăn lúc đói bụng, liên tục 10-15 ngày.

    2. Thể "Tỳ thận khuy tổn":

        - Biểu hiện lâm sàng: Tiểu tiện chỉ thấy nhấm nhói đau, nhưng nước tiểu nhỏ giọt mãi không hết, lúc phát lúc không; bệnh thường phát tác khi mệt nhọc. Kèm theo tinh thần uể oải, lưng gối yếu mỏi, váng đầu, tai ù; thân hình gầy gò, chất lưỡi nhạt có vết răng, rêu lưỡi trắng, mạch hư nhược, xích mạch vi.

        - Nguyên tắc trị liệu: Kiện tỳ ích thận, lợi thủy thông lâm.

        - Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu:

        (1) Cháo hồ đào: Hồ đào nhân 120g, gạo tẻ 100g; 2 thứ cho vào nồi, thêm nước, nấu thành cháo loãng, thêm đường ăn; ăn ngày 1-2 lần, liên tục 10-15 ngày.

        (2) Cháo xương dê: Xương chân dê 300g, táo tầu 10 trái, gạo nếp 30-50g; xương dê rửa sạch, chặt nhỏ, táo bỏ hạt, gạo nếp vo sạch; dùng nồi đất nấu xương dê khoảng 1 giờ (đun sôi, sau đun nhỏ lửa), chắt lấy nước bỏ xương, cùng với táo, gạo nếp nấu cháo, chia ra ăn 2 lần sáng tối; liên tục 10-15 ngày.

        (3) Cháo hạt cau: Bạch truật 10g, tân lang (hạt cau) 10g, dạ dày lợn 1 cái, gạo tẻ 50-100g, gừng tươi lượng thích hợp; dạ dày làm sạch, cắt thành miếng nhỏ, cùng bạch truật, tân lang, gừng sắc lấy nước, sau cho gạo vào nấu cháo; chia ra ăn 2 lần sáng tối, liên tục 10-15 ngày.

    3. Thể "Can uất khí trệ":

        - Biểu hiện lâm sàng: Bụng dưới hoặc mạng sườn đau tức, tiểu tiện nhỏ giọt són ra từng ít một, thường phát tác trong lúc tức giận; kèm theo miệng đắng kém ăn, hoặc hay thở dài; chất lưỡi tái nhợt, mạch trầm huyền (chìm, căng như dây đàn).

        - Nguyên tắc trị liệu: Lý khí thư can.

        - Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu:

        (1) Canh thì là rau cần: Rau thì là 100g, rau cần nước 100g, thịt nạc 30g, mắm muối gia vi lượng thích hợp; nấu canh ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối, liên tục 7-8 ngày.

        (2) Cháo sơn tra: Sơn tra 30g, gạo tẻ 50-100g, đường trắng 20g, cùng nấu thành cháo (ăn sơn trà và uống nước cháo); chia ra ăn trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

        (3) Trà phật thủ: Hàng ngày dùng 6-10g phật thủ khô (hoặc 15-20g tươi), thái lát, pha nước uống thay trà trong ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]