Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bài thuốc thường dùng chữa loãng xương

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/08/2012 01:11 SA

Hỏi:

Hai năm trước, khi chưa về hưu, cơ quan cho đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện bị loãng xương. Từ đó đến nay, tôi đã sử dụng sữa Enlene thường xuyên và uống thuốc bổ xương nhiều đợt, nhưng gần đây đi khám lại, thấy bệnh loãng xương vẫn không cải thiện. Có người nói, sử dụng thuốc bổ xương dài ngày có thể bị sỏi thận, vì vậy tôi muốn chuyển sang sử dụng thuốc Đông y và mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho một số bài thuốc để sử dụng thử.

Trần Thị Mai Hương, Sóc Sơn, Hà Nội

Đáp:

nhung hươu, lộc giác giao

Thành phần của xương bao gồm các chất hữu cơ và vô cơ. Các chất hưu cơ làm cho xương có tính dẻo dai. Còn các chất vô cơ tạo nên độ cứng. Khi nung đỏ xương, các chất hữu cơ bị cháy hết, chỉ còn lại các muối vô cơ, xương vẫn giữa nguyên được hình thể, nhưng trở nên rất giòn. Nếu ngâm xương trong dung dịch acid chlohydric hay acid nitric các chất vô cơ hòa tan hết, chỉ còn lại các chất hữu cơ, xương vẫn giữ nguyên được hình thể nhưng mất tính rắn. Bộ xương trong cơ thể chúng ta là một tổ chức sống, có quá trình sinh trưởng - phát triển - suy lão của mình. Thành phần của xương cũng không ngừng thay cũ đổi mới, liên tục diễn ra hai quá trình: Các mô xương cũ đã thoái hóa đào thải ra ngoài và các mô xương mới được tạo ra để bù đắp vào.

Trước 30 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 10-18 tuổi, lượng xương mới được tạo ra nhiều hơn lượng xương bị thoái hóa; do đó khối lượng xương không ngừng tăng lên, xương ngày càng nặng và chắc. Bước vào giai đoạn suy lão, lượng xương tạo mới giảm dần, không đủ bù đắp lượng xương đã thoái biến, khiến tổng khối lượng xương trong cơ thể giảm dần. Thành phần hữu cơ trong xương sinh thành cũng không đầy đủ, sự tích lũy các chất vô cơ (chủ yếu là các muối can-xi) cũng giảm theo, khiến cho xương bị xốp, giảm độ đàn hồi, dễ bị gãy, gọi là "loãng xương".

Từng giây, từng phút, mạch máu đem các chất dinh dưỡng đến nuôi mô xương. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn hàng ngày, đặc biệt là can-xi, phôt-pho, ma-ngê, silic, ... liên tục được dòng máu dẫn đến để gắn vào xương, khiến cho xương trở nên rắn chắc, đó gọi là quá trình "tích khoáng". Đồng thời, cũng có một số các chất khoáng li giải khỏi xương, trở vào dòng máu và theo nước tiểu thải ra ngoài, quá trình ngược chiều này gọi là "khử khoáng". Tuổi càng cao, lượng chất khoáng bị khử càng nhiều. Mật độ chất khoáng, đặc biệt là can-xi và phôt-pho, trong xương giảm xuống, khiến xương trở nên xốp và giảm độ cứng. Như vậy, nếu như "tích khoáng" và "khử khoáng" bị mất cân đối, thì cho dù trong thức ăn hàng ngày có đủ các chất khoáng cần thiết, vẫn chưa chắc thoát khỏi loãng xương.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, sự gia tăng quá trình khử khoáng, có liên quan với sự thiếu hụt các hoóc-môn giới tính, ở cả nam giới và nữ giới. Ngoài ra, còn có thể do một số chứng bệnh toàn thân gây nên. Như vậy có thể thấy, để khắc phục loãng xương, cần tiến hành chữa trị một cách toàn diện, chứ không thể chỉ dựa vào bổ sung chất khoáng.

Đông y không có bệnh tên là "loãng xương", nhưng các chứng trạng của bệnh này đã được Đông y đề cập trong phạm vi các bệnh "cốt tý" và "cốt nuy". "Cốt tý" là chứng bệnh ở xương, do tinh huyết suy yếu hoặc do ngoại tà xâm phạm, khiến chân tay đau nhức, nặng nề, tê dại, khó cử động, thậm chí xương khớp biến dạng; còn "cốt nuy" là bệnh liệt xương, xương sống đau nhức, không đứng thẳng được, chân tay bại liệt, ...

Theo Đông y, tình trạng mà hiện tại gọi là "loãng xương" có liên quan tới quá trình sinh thành, phát triển và lão suy của "tinh sinh thực" (tinh sinh dục, còn gọi là "thận tinh", "thiên quý"). Như thiên "Thượng cổ thiên chân luận" sách Nội Kinh viết: Con gái 14 tuổi, thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng hành kinh, nên có thể có con, ... 28 tuổi xương cốt chắc chắn, tóc mọc dài, ... 49 tuổi, mạch nhâm trống rỗng, mạch thái xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa, không còn thể thụ thai. Con trai 16 tuổi, thận khí đầy đủ, thiên quý phát dục thành thục, có thể xuất tinh và có con, ... 32 tuổi xương rắn chắc, cơ bắp mạnh mẽ, ... 64 tuổi, thiên quý kiệt, tinh suy giảm, tạng thận suy nhược, hình thể tiều tụy, ...

Trong Đông y, "tinh" được chia ra "tinh tiên thiên" và "tinh hậu thiên". Tinh tiên thiên liên quan mật thiết đến tạng thận, nên còn có tên là "thận tinh". "Thận tinh" sung túc, thì cốt tủy có nguồn để hóa sinh, xương cốt nhờ đó được nuôi dưỡng đầy đủ mà trở nên tráng kiện, cứng cáp. Nếu vì tuổi cao sức yếu, thiên quý cạn kiệt, hoặc vì lao lực quá độ, ăn uống thất thường, phòng lao thái quá, mắc bệnh lâu ngày, ... khiến thận tinh hư tổn nặng, không nuôi dưỡng được xương cốt và có thể dẫn tới các chứng "cốt tý", "cốt nuy".

Còn "tinh hậu thiên" liên quan mật thiết với Tỳ và Vị; Tỳ vị là gốc của hậu thiên. Nếu ăn uống không hợp lý, hoặc do bệnh tật lâu ngày, ít vận động, tỳ vị bị tổn thương, quá trình vận hóa (hấp thụ và chuyển hóa thức ăn) bị rối loạn, thì nguồn khí huyết không đủ để hóa tinh sinh tủy, xương cốt không được nuôi dưỡng đầy đủ, và cũng có thể dẫn tới "cốt tý", hay "cốt nuy".

Tóm lại, sự phát sinh và phát triển của bệnh loãng xương có quan hệ mật thiết với chức năng của thận và tỳ vị. Do đó các bài thuốc chữa bệnh loãng xương của Đông y cũng chủ yếu nhằm vào việc điều chỉnh chức năng của các tạng phủ này.

Thực tế lâm sàng những năm vừa qua cho thấy, sử dụng thuốc Đông y để chữa bệnh loãng xương có thể mạng lại hiệu quả rất khả quan và ít khi gây nên  tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

Bạn có thể căn cứ vào biểu hiện cụ thể của mình mà chọn dùng một trong hai bài thuốc sau:

    • Bài thuốc 1:

        - Thành phần, sử dụng: Thục địa 400g, hoài sơn 200g, sơn thù du nhục 200g, câu kỷ tử 200g, thỏ ty tử 200g, quy bản 300g, lộc giác giao 200g, ngưu tất 150g; tất cả tán thành bột mịn hoặc có thể trộn thêm mật ong làm thành viên; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-8g; uống theo nhiều đợt, mỗi đợt 20-30 ngày (1 liệu trình).

        - Tác dụng: Bổ thận ích tinh, mạnh gân cốt.

        - Áp dụng: Dùng chữa loãng xương thuộc thể "thận tinh khuy tổn". Biểu hiện bởi các chứng trạng: Xương sống đau mỏi, nhất là vùng cổ gáy và eo lưng, cử động, cúi ngửa khó khăn, thậm chí xương biến dạng; kèm theo đầu choáng mắt hoa, tai ù, hay quên, tiểu đêm nhiều, chất lưỡi nhợt hoặc đỏ, rêu lưỡi ít, mạch trầm trì (chìm, chậm).

    • Bài thuốc 2:

        - Thành phần, sử dụng: Bạch biển đậu 12g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, chích cam thảo 5g, hoài sơn 12g, liên tử nhục 10g, ý dĩ nhân 10g, cát cánh 6g, sa nhân 5g, đại táo 4 trái; sắc nước uống mỗi ngày một thang; uống theo từng liệu trình 15 ngày.

        - Tác dụng: Kiện tỳ ích tinh.

        - Áp dụng: Chữa loãng xương thuộc thể "Tỳ thận khí hư". Với những biểu hiện: Toàn thân mệt mỏi, thích nằm, cổ và eo lưng đau mỏi, chân tay yếu khó co duỗi, thậm chí chân tay bị teo cơ, xương cốt biến dạng, ăn không ngon miệng, chậm tiêu; sắc mặt vàng nhợt, đại tiện lỏng, môi lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch nhược (yếu).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]