Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thiên ma có phải là "thần dược"?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/08/2012 08:15 CH

Hỏi:

Năm ngoái tôi đi Trung Quốc, vào cửa hàng thuốc, nghe giới thiệu củ thiên ma là loại thuốc quý, đắt tiền, bảo ngâm với mật ong chữa bệnh ho, viêm họng, ... Tôi mua về ngâm mật ong đã một năm mà chưa dám dùng. Vậy mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, củ thiên ma có tác dụng gì? Và hướng dẫn giúp cho cách dùng.

Lương Quang Thụy, 74 tuổi, Nguyễn Công Trứ, Hải Phòng

Đáp:

thiên ma, Gastrodia elata Bl.

Thiên ma là một vị thuốc quý trong Đông y. Thiên ma được tôn vinh danh là loại "thần thảo", một phần vì nó có tác dụng trị liệu rất đặc biệt, đối với một số chứng bệnh như đau đầu, chóng mặt, trúng phong co giật, ... nhưng chủ yếu là vì loài cây này có hình dạng rất độc đáo và quá trình sinh trưởng vô cùng  kỳ lạ.

• Loài cây kỳ lạ

    Thiên ma (Gastrodia elata Bl.) là một cây thuộc Họ Lan (Orchidaceae). Trong họ Lan, có không ít những cây kỳ lạ và thiên ma có lẽ là thành viên đặc biệt bậc nhất.

    Thời xa xưa, những người hái thuốc trong rừng sâu, hay gặp một hiện tượng rất kỳ lạ: Vào những tháng hè, ở những chỗ ẩm ướt, trên mặt đất bỗng nhiên mọc lên những "ngọn măng" mảnh mai, phía trên ngọn có những hàng hoa nhỏ, màu đỏ vàng. Đào gốc lên, thấy có những thân ngầm, hình dạng tựa như củ khoai tây. Củ to cỡ bằng quả trứng vịt, củ nhỏ chỉ bằng củ lạc, nhưng ở trên những thân rễ đó, lại không có một sợi rễ nào. Thân củ đó, chính là vị thuốc "thiên ma". Những cây măng trần trụi nói trên, thoạt nhìn chẳng khác gì những mũi tên màu đỏ mọc trên mặt đất, cho nên thời xưa sách "Thần Nông bản thảo kinh" đã gọi cây thuốc này là "mũi tên đỏ" (xích tiễn). Nhiều thế kỷ sau, vị thuốc mới được đổi tên là thiên ma.

    Thiên ma có hình dạng kỳ lạ như vậy, nên đã được người xưa tôn vinh là "thần thảo". Về mặt thực vật, cây tuy không có rễ và lá, nhưng vẫn có đủ những đặc trưng cơ bản của một loài thực vật bậc cao, đó là ra hoa, kết quả và truyền giống bằng hạt. Đến khi hoa tàn, thì quả kết thành chuỗi, trong mỗi quả có tới hàng vạn hạt nhỏ li ti, bay tung trong gió, truyền giống thiên ma đi khắp mọi nơi.

    Thiên ma không có rễ, không có lá, toàn thân không có chất lục diệp màu xanh; không thể tiến hành quang hợp, cũng không có cách gì hấp thu nước và chất khoáng từ dưới lòng đất.

    Vậy thì cây sinh trưởng, phát triển như thế nào?

    Thì ra, trong một số khu rừng, thường có một loại nấm đặc biệt, có mũ màu vàng như mật ong, cuống có đốt vòng, nên gọi là "nấm mật vòng" (Armillaria mellea (Vahl. ex Fr.) Quel). Loài nấm này có thể chui vào mọi lỗ hổng, ngõ ngách và hút chất dinh dưỡng của các loài thực vật để sống. Nấm này cũng chui cả vào những thân ngầm của cây thiên ma. Có điều, trong tế bào của thiên ma lại có một loại men đặc biệt, có khả năng "ăn thịt" nấm mật vòng - phân hủy và biến nấm thành những chất dinh dưỡng cần thiết. Nhờ có nấm mật vòng, thiên ma có thể sinh trưởng và phát triển, mà chẳng cần tới rễ và lá. Cứ thế, trong quá trình tiến hóa lâu dài, rễ và lá đã bị thoái hóa, cây chỉ còn có củ và thân. Nếu quan sát kỹ, có thể thấy trên những đốt thân ngầm của cây thiên ma, những mảnh vẩy nhỏ mỏng dính, đó chính là vết tích của lá đã bị thoái hóa.

    Khi cây thiên ma già, chức năng sinh lý đã suy yếu, trong tế bào không còn những loại men cần thiết để phân hủy nấm nữa, thì chính thiên ma lại trở thành thức ăn cho nấm. Như vậy, giữa thiên ma và nấm, có một mối quan hệ cộng sinh hai chiều: Thời kỳ đầu thiên ma ăn thịt nấm mật vòng, còn thời kỳ sau thì ngược lại, thiên ma lại trở thành thức ăn của nấm.

    Thời xưa, người ta đã thử trồng thiên ma bằng hạt trong vườn nhà, nhưng sau một thời gian hạt bị thối, cây không mọc lên. Nhờ phát hiện ra bí mật về sự cộng sinh với nấm mật vòng, ngày nay người ta đã có thể sản xuất được thiên ma trong điều kiện nhân tạo. Hiện tại, loại thiên ma mọc tự nhiên còn lại rất ít, thiên ma bán trên thị trường, chủ yếu là thiên ma trồng trong trang trại.

    Thiên ma trồng trong các trang trại có thể khai thác một năm 2 vụ; vụ xuân vào các tháng 4-5, gọi là "xuân ma", cho sản lượng cao, nhưng chất lượng kém; vụ đông vào các tháng 9-10, gọi là "đông ma", chất lượng tốt hơn.

    Cho tới nay, thiên ma vẫn là loại dược liệu quý hiếm, nên trên thị trường vẫn thường xuất hiện thiên ma giả. Lúc mua cần chú ý quan sát: Thiên ma thật có chất cứng đặc, một đầu có nha bào khô màu đỏ nâu, một đầu có rốn tròn thành sẹo, trên củ có vằn; loại có chất đặc bóng, hơi trong, là thứ tốt, tên thương mại là "minh thiên ma". "Đông ma" nặng, không có tâm rỗng, cắt ngang trong suốt. "Xuân ma" phần nhiều chất nhẹ, lát cắt ngang màu tối xạm, tâm rỗng, chất lượng kém hơn.

• Thiên ma không phải là thuốc bổ

    Thiên ma tuy được tôn vinh là "thần thảo", nhưng thiên ma không phải là một vị thuốc bổ, càng không phải là loại thuốc chữa được bách bệnh. Trong các sách thuốc Đông y, thiên ma được xếp vào loại thuốc "Bình can tức phong", nghĩa là thuốc chữa những chứng co giật, choáng váng, đau nhức do "can phong" gây nên.

    Theo Đông y: Thiên ma có vị cay ngọt, tính bình; vào kinh Can.

    Trong Đông y truyền thống, thiên ma được coi là "thuốc thánh chữa các chứng nội phong", thường được sử dụng với 3 tác dụng chính:

        1. "Tức phong chỉ kinh": Chữa các chứng kinh giản co giật, miệng méo mắt lệch (khẩu nhãn oa tà) - do can phong nội động gây nên.

        2. "Bình can tiềm dương": Chữa chóng mặt, choáng váng, đau đầu - do "can dương thượng cang" gây nên.

        3. "Trừ phong chỉ thống": Chữa tê chân tay, chân tay liệt, phong thấp đau nhức.

    Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, thiên ma có một số tác dụng:

        1. An thần và chống co giật.

        2. Giảm đau, chống viêm. Tác dụng giảm đau của loại mọc hoang mạnh hơn loại trồng. Còn có tác dụng chống viêm.

        3. Tăng cường lưu lượng máu ở tim và não, làm giảm lực cản của mạch máu, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, tăng sức chịu đựng thiếu ô-xy của động vật thí nghiệm.

        4. Polysaccharide của thiên ma có hoạt tính miễn dịch.

    Có người đã tóm tắt tác dụng của thiên ma là: "Tam kháng" + "Tam chấn". "Tam kháng" (3 chống) là "Kháng điên giản" (chống động kinh), "Kháng kinh quyết" (chống hôn mê) và "Kháng phong thấp" (chống phong thấp); "Tam trấn" là "Trấn tĩnh", "Trấn kinh" (chống co giật) và "Trấn thống" (cắt cơn đau).

Như vậy: Trong các tài liệu nói về tác dụng của thiên ma, không thấy đề cập tới tác dụng chữa ho và viêm họng, như người bán hàng đã giới thiệu với bác. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, thiên ma có tác dụng giảm đau, chống viêm, nên cũng có tác dụng nhất định đối với bệnh viêm họng. Trong tay đang có sẵn thiên ma ngâm mật ong, theo chúng tôi nghĩ, bác có thể dùng pha nước uống, để cải thiện tim mạch và phòng chống đau nhức, tê mỏi chân tay.

Lưu ý khi sử dụng:

    - Chỉ nên sử dụng với liều nhỏ: Nếu là thuốc sắc, mỗi ngày chỉ dùng từ 3g-10g. Nếu uống thiên ma dưới dạng bột, mỗi lần chỉ dùng từ 1-1,5g, ngày 2-3 lần.

    - Dùng liều cao, có thể ảnh hưởng đến tim mạch (xuất hiện những biến đổi có tính bệnh lý trên điện tâm đồ và điện não đồ), gây chán ăn, giảm cân, phản xạ chậm chạp, mệt mỏi, đuối sức.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

2 Ý kiến bạn đọc
Phung gia Anh (05/10/2017 08:32 CH)

chung toi muon duoc biet them ve Thien ma duoi dang cao va vien cua hang IBI han quoc . Co the giup chung toi duoc khong ? Xi rat cam on !

Đàm Thuý Mùi (28/09/2017 09:08 SA)

Tôi được một người bạn cho một ít Thiên Ma của Hàn Quốc. Củ khô và rất cứng. Khi tôi đọc được bài hướng dẫn trên đây tôi rất mừng vì tôi mới bị viêm gốc chùm dây thần kinh làm liệt dây 7-4-6. Nghe nói Thiên ma hỗ trợ cho thần kinh, vậy tôi nên dùng thế nào cho phù hợp với bệnh liên quan đến suy ngược thần kinh. Do củ rất cứng nên có thể xây thành bột để uống trực tiếp hoặc cách sử dụng ra sao. Xin được hướng dẫn cụ thể. Xin chân thành cám ơn!

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]