Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích cho biết "Bệnh phạm phòng" là bệnh gì? Có thể dùng thuốc Nam để chữa hay không?
Nguyễn Thành Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định
Đáp:
"Phạm phòng" là phạm phải điều cần tránh ở chốn phòng the ("phạm" = vi
phạm, mắc phải, ...; "phòng" = chỉ chuyện chăn gối nơi phòng the). "Phạm
phòng" là thứ bệnh được y thư và dân gian lý giải theo nhiều nghĩa khác
nhau. Do bệnh xuất phát từ phòng ngủ nên có người còn gọi bệnh đó là
bệnh "phòng thất".
Một số người cho rằng, tất cả những chứng
bệnh xảy ra do sinh hoạt nam nữ ở nơi phòng the, như khi sinh hoạt không
cẩn thận bị nhiễm gió lạnh mà sinh bệnh; bệnh tái phát do cơ thể chưa
hồi phục hoàn toàn đã sinh hoạt tình dục; thậm chí cả chứng "thượng mã
phong", tức hôn mê bất tỉnh trong khi hoặc sau khi ân ái, ... cũng gọi
là "phạm phòng".
Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp,
"phạm phòng" được hiểu theo nghĩa mà Tuệ Tĩnh đã đề cập trong sách "Nam
dược thần hiệu", nguyên văn như sau: "Phạm phòng là do đàn ông đàn
bà mới bệnh chưa khỏi, khí huyết chưa khôi phục mà lại giao cấu với
nhau, lửa dục bùng lên mà sinh bệnh, đàn bà phạm phòng phải đàn ông gọi
là dương dịch, đàn ông phạm phòng phải đàn bà là âm dịch."
Về chứng trạng, diễn biến của bệnh, theo "Nam dược thần hiệu", phạm phòng có thể phát ra dưới hai dạng: Bạo phát và trầm phát.
Cụ thể, như sách "Nam dược thần hiệu" đã mô tả: "Khi
phát bệnh có bạo phát, có trầm phát, bạo phát thì nặng đầu, cấm khẩu,
chân tay co quắp, bụng dưới đầy, nóng, mình đau, bí đái, hôn mê bất
tỉnh, ... Trầm phát thì hơi thở ngắn, sắc vàng, bụng trên trướng lên, ăn
uống ít, không trị gấp thì hay chết người."
Như vậy, theo "Nam dược thần hiệu":
Phạm phòng là bệnh phát sinh do khí huyết chưa khôi phục sau khi mắc
bệnh, mà đã sinh hoạt tình dục. Đàn bà nhiễm bệnh do đàn ông gọi là
"dương dịch", đàn ông nhiễm bệnh do đàn bà gọi là "âm dịch".
Trong Đông y, bệnh lý "dương dịch" và "âm dịch" - gọi chung là "âm dương dịch", đầu tiên được đề cập trong sách "Thương hàn luận"
của Trương Trọng Cảnh. Y thư Đông y các thời đại, còn lưu lại nhiều ghi
chép liên quan đến chứng bệnh này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có
quan điểm thống nhất.
Nội dung ghi chép trong y thư đại thể
có thể tóm tắt như sau: Bệnh phạm phòng - tức âm dương dịch là do bệnh
ngoại cảm (bao gồm bệnh thương hàn, bệnh thời khí và ôn bệnh) vừa mới
khỏi đã sinh hoạt tình dục gây nên. "Âm" là nữ, "dương" là nam. Đa số
cho rằng, "dịch" có nghĩa là thay đổi, dịch chuyển: Bệnh từ nam truyền
sang nữ hoặc bệnh từ nữ truyền sang nam. Có người cho rằng "dịch" có
nghĩa là sự biến đổi bệnh: Bệnh đã khỏi lại tát phát. Bệnh từ nam truyền
sang nữ gọi là "dương dịch", bệnh từ nữ truyền sang nam gọi là "âm
dịch". Nhưng một số cho rằng, không cần phân biệt bệnh chuyển từ nam
sang nữ hay từ nữ chuyển sang nam, chỉ nên gọi chung là "âm dương dịch".
Tóm
lại, phạm phòng là một bệnh diễn biến phức tạp, thậm chí chết người, do
đó khi chẳng may mắc bệnh, cần tìm đến thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp,
để được chẩn đoán và chữa trị một cách bài bản.
Trong
sách "Nam dược thần hiệu" có giới thiệu 13 phương thuốc chữa phạm
phòng; dưới đây là một số phương thuốc tương đối đơn giản, xin chép ra
để cùng tham khảo:
(1) Trị thương hàn chưa thật khỏi mà vội giao cấu, sinh đau bụng, sưng hòn dái: Dùng hành trắng 5 củ, giã nát hòa với một chén giấm cho uống, khỏi ngay.
(2) Trị phạm phòng, đau bụng dưới, teo hòn dái, ra mồ hôi lạnh, tay chân giá lạnh, nếu chậm không cứu thì nguy: Dùng hành trắng giã nát, xào nóng đem chườm vào rốn, lại lấy 20 củ hành tăm nữa, giã nát, nấu với rượu cho uống, hết ngay (Bài thuốc này còn thấy chép trong sách "Vệ sinh yếu quyết" của Hải Thượng Lãn Ông).
(3) Trị thương hàn, phạm phòng, đau tức hòn dái, sưng đùi vế: Tinh tre 1 nắm; để cả vỏ xanh, sắc sôi 5 dạo, bỏ bã, uống ấm thì khỏi.
(4)
Kinh trị bị mệt nhọc, mà bệnh trở lại, hòn dái sưng, hoặc lặn vào trong
bụng, mà đầu mặt, mình mẩy, chân tay nặng nề, nóng ran ở bụng dưới, co
quắp gần chết: Giun 1 cáp, nước 1 bát; sắc còn 1 phần 3, uống luôn một lần thời khỏi.
(5) Truyền trị phạm phòng, mới bị là miệng câm, khó thở, khó chịu muốn chết, hoặc phạm đã lâu, nhập lý, mặt mắt khô vàng, thở ngắn, trên thực dưới hư, ăn uống không được, giống như hư lao, phương này thật là thuốc tiên: Dành dành, củ sắn dây, nam sâm, kiết cánh - mỗi vị một đồng cân; cam thảo, hẹ cả rễ - mỗi vị 5 phân; phân chuột (nhọn hai đầu) sao cháy 10 hạt; nước 1 bát , sắc còn phân nửa, uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi thời khỏi.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.