Hỏi:
Tôi được người bạn cho bản phô-tô trang báo Tiền Phong, ra ngày 16/05/2005, thuật lại chuyện bác Hy Râu tự chữa khỏi bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn cuối, nhờ một bài thuốc bí truyền, chỉ gồm có 2 vị thuốc Nam rẻ tiền, dễ kiếm. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cung cấp thêm những thông tin liên quan về bài thuốc này, vì nhà tôi đang có người bị ung thư gan, bệnh viện đã trả về để lo hậu sự.
N.V.C, Hà Nội & Một số bạn đọc khác
Đáp:
Trước hết xin nói qua về lai lịch bài thuốc, mà hiện nay thường gọi là "Bài thuốc bí truyền chữa ung thư của bác Hy Râu".
Cuối tháng 3/2004, bác Trần Văn Hy, biệt danh "Hy Râu", 75 tuổi, ở đường Nguyễn Công Trứ Tp. Buôn Ma Thuột, được chẩn đoán bị ung thư thực quản, trong tình trạng cơ thể đã suy kiệt nặng. Kết quả nội soi cho thấy, khối u như một con đỉa lớn, bám dọc và chẹn gần kín thực quản, không thể ăn uống bình thường, chỉ có thể nuốt từng giọt sữa một cách khó khăn. Khi đó các thầy thuốc ở Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, chỉ còn cách đặt ống tiếp thức ăn nuôi cơ thể, khi sức khỏe ổn định thì sẽ xạ trị. Bác Hy quyết định không điều trị, vì cho rằng tuổi đã cao, mà còn phải ăn nhờ ống đẫn và chịu đựng xạ trị độc hại, thà chết còn hơn. Một thời gian sau đó, trong khi xem lại các tài liệu cũ, bác tình cờ bắt gặp một xấp giấy, chép mấy bài thuốc dân gian, mà một người bạn đã sưu tầm gửi tặng từ 5 năm trước. Đọc bài "Thuốc bí truyền chữa bệnh ung thư" thấy quá đơn giản, bác quyết định dùng thử xem sao.
Ngày 18/05/2004 bác Hy bắt đầu uống thuốc. Những chén đầu tiên, phải nhỏ từng giọt một, uống cả buổi mới hết. Tới thang thứ 6, bác bắt đầu nuốt được, bệnh có vẻ tiến triển tốt. Bác tiếp tục uống thuốc và mỗi tháng đi nội soi 1 lần. Đến cuối năm 2004, khối u đã tan hết, chỉ để lại vết sẹo trên thực quản, sức khỏe hồi phục dần. Cho tới thời điểm được thông tin trên báo (05/2005), bác Hy đã khỏe hẳn, da dẻ hồng hào, nặng 57kg. Bác cho biết, thời gian qua đã phổ biến cho vài người, uống thấy cũng có hiệu quả, mong giới khoa học sẽ chú ý nghiên cứu, kiểm chứng, nếu thấy tốt thì nên phổ biến cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.
• Nội dung bài thuốc: Bán chỉ liên 1 lạng, Bạch hoa xà thiết thảo 2 lạng. Thuốc rửa sạch đất cát, cho vào nồi đun với 4 bát nước, sau khi sôi bùng đun nhỏ lửa khoảng 2 giờ, cạn còn 1 bát. Mỗi thang sắc 2 lần, sáng chiều, uống nguội, lúc đói bụng.
• Chú thích (người viết):
1. Liều lượng trong đơn thuốc ghi theo đơn vị đo lường cổ, "1 lạng" tương đương 31,25g ngày nay.
2. Do "tam sao thất bản", tên các vị thuốc đã thay đổi đôi chút so với tên gốc. "Bán chỉ liên" đọc chính xác là "Bán chi liên" ("chi" không có dấu hỏi, có nghĩa là "cành cây"), "Bạch hoa xà thiết thảo" đọc đúng là "Bạch hoa xà thiệt thảo" ("thiệt" có dấu nặng, là "cái lưỡi", "Bạch hoa xà thiệt thảo" có nghĩa là "cỏ lưỡi rắn hoa trắng").
"Bài thuốc bí truyền chữa ung thư của bác Hy Râu", thực ra là một bài thuốc dân gian, đã lưu truyền từ lâu ở miền Nam Trung Quốc và Việt Nam. Nhân tiện nói thêm, khoảng chục năm trước, "Bài thuốc bí truyền chữa ung thư" với 2 vị thuốc nói trên, đã từng gây nên "cơn sốt" ở Hà Nội. Báo Lao Động khi đó từng tường thuật: "Trong những ngày gần đây ở Hà Nội nhiều người đổ xô lên các phố Lãn Ông, Thuốc Bắc, ... để mua 2 loại dược thảo... được coi là thần dược để chữa bệnh ung thư gan. Có người mua vài lạng, có người mua vài cân, có cả tập thể cán bộ cử người đi mua tới vài chục cân về để uống phòng ung thư gan...". Những tờ chỉ dẫn tại một số nhà thuốc khi đó nói, bài thuốc do một Hoa kiều ở Mỹ, trước khi bị hành hình đã để lại cho đời.
Như vậy, những năm gần đây, "Bài thuốc bí truyền chữa ung thư" nói trên, đã được không ít người bệnh tìm mua và sử dụng, đồng thời cũng trở thành vấn đề nhiều người quan tâm. Vậy bài thuốc Đông y với hai thứ thảo dược nói trên, có thể chữa khỏi được ung thư hay không?
Để trả lời một cách có căn cứ, cần nói qua về cách chữa trị bệnh ung thư trong Đông y học. Trong Đông y không có bệnh danh là "Ung thư ác tính". Bản thân danh từ "ung thư", trong Đông y cổ truyền, dùng để chỉ các loại ung nhọt. Căn bệnh có những biểu hiện và diễn biến như "Ung thư ác tính" trong Tây y, Đông y cổ truyền gọi là chứng "Nham", còn Đông y hiện đại gọi là "Thũng lựu" hoặc "Ác tính thũng lựu".
Năm 1165, bệnh danh "Nham" lần đầu xuất hiện trong tác phẩm "Vệ tế bảo thư" của Đông Hiên cư sĩ, một vị danh y thời nhà Tống (Trung Quốc). Khoảng 100 năm sau, sách "Nhân trai trực chỉ phương luận" của danh y Dương Sĩ Doanh, đã mô tả rất tỉ mỉ về căn bệnh này. Những điều viết về chứng "Nham" trong sách của Dương Sĩ Doanh, rất giống bệnh ung thư ác tính trong Y học hiện đại. Ngoài ra, sách còn ghi chép một số lượng lớn các y án cổ kim, những phương thuốc và một số biện pháp chữa trị của Đông y, trong số đó có khá nhiều trường hợp được chữa khỏi bệnh. Điều đó chứng tỏ, từ nhiều thế kỷ trước, Đông y đã biết đến căn bệnh ung thư ác tính và đã chữa trị thành công được một số trường hợp.
Ung thư ác tính là một bệnh nan y, tỷ lệ người mắc bệnh lại đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, các phương pháp chữa trị của Y học hiện đại còn chưa hoàn chỉnh: Hóa dược, tia xạ, hay phẫu thuật, tuy có khả năng tiêu diệt được tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng thường gây nên những tổn thương trầm trọng đối với cơ thể. Vì vậy, hiện tại các nhà y học ở nhiều nước đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các phương pháp chữa trị ung thư theo phương pháp của Đông y học. Những năm gần đây, việc chữa trị ung thư bằng Đông y đã đạt được một số kết quả đáng mừng.
Trong tài liệu "Danh lão trung y thũng lựu nghiệm án tập án", do NXB KHKT Thượng Hải (Trung Quốc) ấn hành, mà người viết hiện có trong tay, có luận thuật đầy đủ 201 nghiệm án chữa thành công, thuộc hơn 50 loại ung thư khác nhau. Tất cả các trường hợp bệnh đều được chuyên gia về ung thư Tây y giám định, bệnh án được ghi chép hết sức bài bản, bao gồm bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán X-quang, nội soi, sinh thiết, tế bào học, xét nghiệm cận lâm sàng liên quan, ... 201 nghiệm án đó chứng tỏ, việc Đông y trị liệu thành công nhiều trường hợp ung thư là chuyện có thật, vai trò của Đông y dược trong việc khắc phục bệnh ung thư là một điều không thể phủ nhận.
(Xem tiếp kỳ sau)
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.