Hỏi:
Tôi
thường hay bị đau ê ẩm vùng sau gáy và nhức mỏi từ bả vai xuống tới
cánh tay. Đến bệnh viện khám, bác sĩ cho chụp X-Quang và cho biết tôi bị
gai đốt sống cổ. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, bệnh này có thể chữa trị bằng thuốc Nam hay không?
Trần Lê Tuấn, Thanh Hóa
Đáp:
Đỗ trọng
Gai
đốt sống cổ là một dạng thoái hóa khớp kèm theo tăng sinh xương, y học
gọi là "bệnh tăng sinh xương" (Hyperostosis). "Tăng sinh xương" là tình
trạng xương bị thoái hóa do tuổi già, hoặc do bị cọ xát, tổn thương lâu
ngày. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là bộ phận sụn chịu tải trọng ở trung
tâm khớp, ngày càng mềm dần, hình thành những vết nứt. Còn các mô sụn ở
quanh khớp lại biến dần thành xương, tăng sinh một cách dị thường - tạo
thành "chồi xương" (osteophyte), thường gọi là "gai xương" (spur).
Như
vậy, bệnh tăng sinh xương, vừa có biểu hiện của sự thoái hóa (phần chịu
tải trọng ở trung tâm), vừa có biểu hiện của sự tăng sinh (phần quanh
khớp). Tình hình diễn ra giống như một cây nến sau khi châm lửa, phần
giữa bị nóng chảy và lõm xuống, đó là biểu hiện của "thoái hóa"; còn rìa
cây nến bị biến dạng, với những chồi nhô ra, giống như cái gai, biểu
hiện "tăng sinh".
"Chồi xương" - "Gai xương" kích thích thần
kinh và tổ chức phụ cận khớp, dẫn tới hàng loạt các chứng trạng bệnh lý.
Tùy theo vị trí của gai xương, mà hình thành những dạng bệnh có tên gọi
khác nhau, như "gai đốt sống cổ", "gai đốt sống lưng", "gai khớp xương đầu gối", ... với những chứng trạng không giống nhau.
Với
trường hợp "gai đốt sống cổ", một dạng "tăng sinh xương" rất phổ biến ở
những người ngoài 40 tuổi, thường có những biểu hiện, như bệnh nhân
thường cảm thấy cứng cổ, căng mỏi, đau nhức; đau có thể lan xuống cánh
tay và phóng xạ tới tận các ngón; khi cổ hoạt động chứng trạng thêm trầm
trọng; hoặc kèm theo đau đầu, tức ngực, bồn chồn, ...
"Bệnh
tăng sinh xương" trong Đông y gọi là "cốt tý", thuộc phạm vi của "chứng
tý". Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu do tuổi già cơ thể suy yếu, chính
khí suy thoái, khí huyết vận hành cũng ngày càng trì hoãn. Thừa lúc cơ
thể suy yếu, bệnh tà hàn thấp cảm nhiễm vào, lưu trú ở các khớp xương,
khiến cho khí huyết vận hành bị trì trệ cục bộ, mà gây nên bệnh.
Để
chữa trị, trong Đông y có nhiều biện pháp, như châm cứu, xoa bóp, bấm
huyệt, luyện khí công, dùng thuốc, ... Riêng việc dùng thuốc, có thể
tiến hành theo hai cách. Thứ nhất là dùng thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị", thứ hai là sử dụng "Nghiệm phương" - là những bài thuốc nhiều người đã sử dụng có hiệu quả tốt.
Muốn
dùng thuốc theo phương pháp thứ nhất, bạn cần tìm đến những thầy thuốc
Đông y chuyên nghiệp, để được xem mạch và chẩn đoán toàn diện, trên cơ
sở đó kê ra được đơn thuốc phù hợp nhất với đặc điểm thể chất (cơ địa)
và bệnh tình của bạn.
Trong phạm vi bài viết này, "Thuốc vườn nhà"
chỉ có thể giới thiệu một bài thuốc - "nghiệm phương" tiêu biểu, có tên
là "Bạch thược mộc qua thang", để bạn tham khảo:
Bạch thược 30g, mộc qua 12g, cam thảo 1g, kê huyết đằng 15g, uy linh
tiên 12g, cát căn 12g, cẩu tích 20g, đỗ trọng 12g; sắc 3 nước, hợp 3
nước lại, chia ra 3-4 lần uống trong ngày; uống theo từng liệu trình 10
ngày, giữa các liệu trình nghỉ 5-7 ngày.
Theo một thông báo,
tại một bệnh viện ở Trung Quốc, đã thử nghiệm sử dụng bài thuốc điều trị
160 ca gai đốt sống cổ, kết quả rất khả quan: 109 trường hợp khỏi hoàn
toàn (không còn các chứng trạng bệnh lý, chức năng khớp trở lại bình
thường); 42 trường hợp có hiệu quả rõ ràng (phần lớn các chứng trạng đã
biến hết, có thể đảm nhiệm những công việc tương đối nhẹ); 9 trường hợp
có tiến triển tốt.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.