Hỏi:
Trong một số đơn thuốc Đông y, tôi thấy có vị thuốc tên là "phụ tử", còn có tên là "củ ấu tàu". Xin hỏi, có thể dùng "củ ấu" (ấu ta) thay thế cho "ấu tàu" hay không? Vì tôi thấy, củ ấu thường có bán ở chợ rất nhiều.
Ngô Quý Thiêm, Thái Bình
Đáp:
Củ ấu vẫn bày bán ở chợ hoặc trên đường phố, là loại củ mọc ở dưới nước, còn củ ấu tàu lại mọc ở trên cạn và chỉ có ở vùng núi cao. Hai thứ đó tuy cùng có tên gọi là "ấu", nhưng khác nhau hoàn toàn, cả về mặt thực vật, cũng như về tác dụng chữa bệnh.
• Ấu ta:
Trước hết hãy nói về loại củ ấu có bán ở chợ. Cây củ ấu mọc tự nhiên và được trồng ở khắp nơi, trong các ao đầm. Trồng bằng hạt hay bằng chồi. Mùa hoa (ở miền Bắc) vào các tháng 5-6. Mùa quả vào các tháng 7-9. Cây ấu còn có tên gọi là "ấu trụi", "ấu nước", "lăng" (Trung Quốc), ... tên khoa học là Trapa bicornis L. Thuộc họ Ấu.
Cây củ ấu là một loài cây thủy sinh nổi, sống ở dưới nước, thân ngắn có lông, gốc dính vào bùn. Lá có hai thứ: Lá nổi màu xanh đậm hoặc đo đỏ, có phao ở cuống hình quả trám, mép có răng cưa, dài 4-5cm, rộng 6-7cm, cuống dài 6-15cm, mặt dưới có lông dày; lá chìm ở dưới nước có hình lông chim, thùy dạng sợi, dài 1-4cm. Hoa trắng, mọc đơn độc hay ở kẽ lá, với 4 lá đài, cánh hoa nhẵn. Quả (thường gọi là "củ") có hai sừng, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Hạt có một lá mầm to, một lá mầm nhỏ, chứa đầy bột, ăn được.
Củ ấu chủ yếu được dùng để luộc ăn, hoặc chế thành bột, trộn với mật hay đường làm bánh. Tuy nhiên, hầu như tất cả các bộ phận của cây ấu, đều có thể sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y: Củ ấu (thịt quả) có vị ngọt, tính mát. Củ để sống có tác dụng thanh nhiệt, giải thử (chống nắng nóng), trừ phiền chỉ khát; củ nấu chín có tác dụng ích khí, kiện tỳ, tiêu thực, ích huyết, sinh tân dịch, thông thận thủy, bình can khí. Bột củ ấu (chế từ thịt quả) có tác dụng bổ tỳ vị, mạnh gân cốt, tăng lực, giải độc. Nói theo cách ngày nay, củ ấu là một loại "thực phẩm chức năng" có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ máu, tăng dịch thể và điều hòa chức năng nội tạng (can, thận).
Ngoài ra, cành, lá và cuống củ có thể dùng chữa loét dạ dày, thịt thừa, mụn cơm (mụn cóc) và một số loại lở loét ngoài da. Vỏ củ chữa ỉa chảy, thoát giang, trĩ sang (trĩ lở loét), ...
Một số đơn thuốc có sử dụng củ ấu:
(1) Chữa cảm sốt, nhức đầu, choáng váng: Củ ấu liền cả vỏ 4-5 củ; sắc nước uống trong ngày.
(2) Giải cảm nắng, giải các chất độc của thuốc: Dùng củ ấu tươi giã nhỏ, chế thêm nước nguội vào uống nhiều lần trong ngày.
(3) Chữa lở loét chảy mủ (hoàng thủy sang) trên đầu, mặt: Vỏ củ ấu, thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen), nghiền mịn, trộn đều với dầu vừng, bôi ngày 2-3 lần vào chỗ lở loét. Còn có tác dụng chữa một số loại nhọt độc không rõ căn nguyên (vô danh thũng độc).
(4) Chữa mụn cơm (mụn cóc): Dùng cuống củ ấu tươi, mỗi ngày xát vào mụn cơm 4-5 lần, mỗi lần khoảng 2-3 phút.
(5) Chữa da mặt khô sạm: Củ ấu tươi giã nát, lấy nước cốt xoa lên da mặt.
(6) Chữa cam tẩu mã ở trẻ nhỏ: Củ ấu phơi khô, tám mịn, xát vào chỗ bị bệnh.
• Ấu tàu:
Ấu tàu là củ rễ của cây "ấu tàu", còn gọi là "cây gấu tàu", "cố y", tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl., thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
Ấu tàu là một loại cỏ (cây thảo), cao 0,6-1m, thân mọc thẳng đứng, có lông ngắn. Lá tựa như lá ngải cứu, chia thành 3 thùy, có răng cưa ở nửa trên. Hoa lớn, màu xanh tím, mọc thành chùm, dài 5-15cm. Quả có 5 đại, mỏng như giấy, hạt có vẩy ở trên mặt. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là "củ mẹ". Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con, gọi là "phụ tử". Trên đầu củ con có một búp mang lá ngầm. Sau khi cây nở hoa, củ mẹ sẽ héo và tiêu đi dần. Mùa xuân năm sau, từ củ con sẽ mọc lên một thân mới mang lá và hoa. Từ củ con này (sau khi thành củ mẹ) lại mọc ra những củ con mới. Củ mẹ thường nhẹ, rỗng, ở giữa màu xám; củ con thì nặng chắc hơn và lõi màu vàng.
Cây mọc hoang ở các núi cao như Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ, ... thường thấy tại các savan cỏ. Hoa nở vào tháng 10-11. Rễ củ hái vào các tháng 7-10 trước khi cây ra hoa, là lúc củ có kích thước lớn nhất. Trước đây khi hái thường cứ để nguyên một mẩu thân dài chừng 15cm, để dễ bó lại thành bó. Thời trước, những củ này được xuất sang Trung Quốc, để rồi lại nhập vào nước ta với tên "ô đầu", hay "phụ tử".
Vị thuốc "ô đầu" trong Đông y là rễ củ mẹ của cây ấu tàu, đã phơi hay sấy khô. Đây là một vị thuốc cực độc, hiện được xếp vào loại thuốc rất độc (bảng A); chủ yếu chỉ dùng ngoài: Ngâm rượu xoa bóp khi bị đau nhức, mỏi chân tay. Đặc biệt lắm mới có người dùng cho uống, để chữa bán thân bất toại, chân tay co quắp, mụn nhọt vỡ lâu không liền miệng.
"Phụ tử" là củ con của cây ấu tàu, nhưng đã qua chế biến. "Phụ tử" lại chia ra "diêm phụ", "hắc phụ" và "bạch phụ tử", tùy theo cách bào chế.
Phụ tử (sau khi đã bào chế đúng phương pháp) là một vị thuốc quý, có thể sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh nặng, cấp cứu một số trường hợp bệnh nguy kịch. Tuy nhiên đây là một vị thuốc rất độc.
• Tóm lại:
Củ ấu (ấu ta) có thể sử dụng để bồi bổ cơ thể, chữa trị cảm sốt và một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên, khi dùng để bồi bổ cũng không nên sử dụng quá nhiều, liều dùng hàng ngày khoảng từ 10-20g. Theo sách "Thực trị bản thảo": Ăn quá nhiều có thể sinh trướng bụng.
Còn phụ tử (ấu tàu), chỉ nên sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, trong những đơn thuốc thang có phụ tử, cần nấu riêng phụ tử từ 30-60 phút, sau đó mới cho các vị thuốc còn lại vào cùng sắc, vì khi đun sôi lâu, một số loại muối độc trong phụ tử sẽ được phân giải, giảm bớt độ độc.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.