Hỏi đáp

Xuyên tâm liên - Kháng sinh quý vườn nhà

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/08/2012 11:55 CH

Hỏi:

Khi về thăm quê, tôi thấy ở góc vườn sau nhà, có một khóm cây lạ, có tên "xuyên tâm liên". Nghe người lớn nói, đó là một cây thuốc rất thông dụng trong thời bao cấp, nhưng hiện nay rất ít người dùng. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, có phải vị thuốc này đã bị lạc hậu? Hiện nay còn có thể sử dụng xuyên tâm liên để chữa trị những chứng bệnh gì?

Lê Văn Thành, Sinh viên Đại Học, Hà Nội

Đáp:

xuyên tâm liên, nhất kiến hỷ, công cộng, nguyễn cộng, lam khái liên, khổ đảm thảo, Andrographis paniculata (Burum.f.) Nees.

Xuyên tâm liên

Cây "xuyên tâm liên" còn có tên là "nhất kiến hỷ", "công cộng", "nguyễn cộng", "lam khái liên", "khổ đảm thảo", ... tên khoa học là Andrographis paniculata (Burum.f.) Nees.

Cây mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nơi, để dùng làm thuốc. Thời bao cấp, xuyên tâm liên luôn có mặt trong các vườn thuốc Nam ở vùng nông thôn, tại nhiều thành phố khác nhiều người còn trồng cây xuyên tâm liên ngay trong chậu cảnh, để sử dụng chữa bệnh trong gia đình mình; vị thuốc chỉ cần sử dụng với liều nhỏ, nên mỗi nhà chỉ cần trồng một cây là đã đủ dùng.

Xuyên tâm liên là loại cây nhỏ, thân mọc thẳng đứng, cao từ 0,3-0,8m, nhiều đốt, rất nhiều cành. Lá mọc đối, cuống ngắn; phiến lá hình trứng hoặc hình mác, hai đầu nhọn, mặt nhẵn mềm. Hoa màu trắng, điểm hồng, mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành. Quả dài, 15mm, rộng 3,5mm, hơi nhẵn. Hạt hình trụ, thuôn dài.

Theo Đông y: Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn; vào 4 kinh Phế, Vị, Đại tràng và Tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng, chỉ thống (giảm đau). Dùng chữa viêm phổi, ap-xe phổi, lỵ cấp tính, viêm ruột và dạ dày, cảm mạo phát sốt, viêm họng, amiđan, xương khớp đau nhức, dùng ngoài chữa rắn độc cắn.

Tại một số tỉnh miền Trung nước ta, dân gian dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc, nhọt bàm bàm ở hai bên cổ. Tại ấn Độ cây này được dùng làm thuốc bổ đắng, dùng trong những trường hợp suy nhược toàn thân, cơ thể yếu sau khi khỏi sốt, ỉa chảy và lỵ. Tại một số tỉnh miền Trung Quốc, xuyên tâm liên là vị thuốc được sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh; người ta cho rằng tìm được xuyên tâm liên là có thể chữa khỏi được bệnh, vì vậy cây mới có tên là "nhất kiến hỷ" - có nghĩa là nhìn thấy là mừng.

Kiêng kỵ: Theo Đông y, xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy; người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Xuyên tâm liên là một "kháng sinh thiên nhiên" có phổ tác dụng rộng. Kết quả thực nghiệm cho thấy, nước sắc cành lá xuyên tâm liên có tác dụng ức chế ở mức độ nhất định đối với "liên cầu khuẩn viêm phổi" (streptococcus pneumoniae), "tụ cầu khuẩn vàng" (staphylococcus  aureus), "trực khuẩn mủ xanh" (Bacillus pyocyaneus), trực khuẩn lỵ. Còn phát hiện tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, giải độc và tăng cường chức năng miễn dịch.

Hiện tại, trên lâm sàng được sử dụng rộng rãi để chữa trị các bệnh viêm nhiễm, bao gồm: Nhiễm khuẩn hô hấp (viêm mũi, viêm xoang mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi, ...); nhiễm khuẩn tiêu hóa (viêm ruột cấp, kiết lỵ); viêm tiết niệu (viêm niệu đạo, viêm thận bể thận); viêm da, mụn nhọt và những bệnh xoắn trùng, ...

Liều dùng: Từ 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Nếu tán bột thì mỗi lần uống 2-4g bột; ngày uống 2-3 lần; dùng ngoài không kể liều lượng, đắp lên những vết rắn cắn, nơi sưng tấy.

Một số đơn thuốc có xuyên tâm liên:

    (1) Rượu bổ: Rễ cây xuyên tâm liên 180g, phơi khô, tán nhỏ; lô hội 30g, cho vào bình gốm, thêm rượu 40 độ vào cho đủ 1 lít; ngâm sau khoảng 5-7 ngày là có thể sử dụng; mỗi ngày dùng 4-16g rượu này trong những trường hợp yếu mệt, kém ăn.

    (2) Thuốc hãm bổ: Toàn cây xuyên tâm liên thái nhỏ 45g, vỏ cam và hạt mùi tán nhỏ 4g, nước sôi 300ml; mỗi lần uống 45-60g nước hãm này; ngày uống 2-3 lần.

    (3) Chữa cảm mạo phát sốt, đau đầu, ỉa chảy: Xuyên tâm liên tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi.

    (4) Chữa ap-xe phổi, ho khạc ra đờm đặc: Dùng xuyên tâm liên 12g, ngư tinh thảo (diếp cá) 10g, cát cánh 10g, đông qua nhân (hạt bí đao) 8g, cam thảo 8g; sắc nước uống trong ngày.

    (5) Chữa bệnh cúm, viêm phổi: Xuyên tâm liên tán thành bột mịn; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3g bột thuốc.

    (6) Chữa ho do viêm phổi: Dùng xuyên tâm liên 12g, địa cốt bì 10g, tang bạch bì 10g, cam thảo 8g; sắc nước uống trong ngày.

    (7) Chữa ho gà: Dùng 3 lá xuyên tâm liên, hãm nước sôi, pha thêm chút mật ong vào uống ngày 3 lần.

    (8) Chữa viêm khoang miệng, amiđan: Xuyên tâm liên tán thành bột mịn; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần dùng 3-4g bột thuốc, hòa với mật ong và nước sôi uống.

    (9) Chữa viêm xoang mũi, viêm tai giữa: Dùng xuyên tâm liên 10-15g, sắc nước uống trong ngày; đồng thời giã lá xuyên tâm liên vắt lấy nước cốt nhỏ vào lỗ mũi (nếu bị viêm xoang), nhỏ vào tai (nếu viêm tai giữa).

    (10) Chữa lỵ trực khuẩn, lỵ a-mip, viêm ruột: Dùng xuyên tâm liên 10-15 lá; sắc nước uống.

    (11) Chữa lỵ nhiễm khuẩn: Dùng xuyên tâm liên 12g, ngư tinh thảo (diếp cá) 12g, hoàng bá 6g; sắc với nước, chia thành 2 lần uống trong ngày. Đã tiến hành điều trị thử nghiệm 50 ca, kết quả 47 khỏi bệnh, 2 ca không có tác dụng.

    (12) Chữa chàm âm nang (bừu dái): Dùng xuyên tâm liên tán thành bột mịn 30g, pha thêm dầu vừng vào cho đủ 100ml; trộn đều, bôi vào chỗ bị bệnh ngày 3-4 lần.

    (13) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu vàng, đau, nóng, buốt (nhiệt lâm): Dùng 10-15 lá xuyên tâm liên tươi, giã nát, thêm mật ong, hãm nước sôi uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Lê văn hùng (18/08/2016 04:43 SA)

Cho cháu hỏi cháu bị dạ giày vậy thuốc xuyên tâm liên phải làm như thế nào để chữa ạ

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]