Hỏi:
Gần nhà tôi có rất nhiều sài đất mọc hoang. Nghe nói, thời bao cấp cây này thường dùng thay kháng sinh để chữa viêm. Nhưng hiện nay những người tôi quen chẳng ai biết cách sử dụng. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết về tác dụng và cách dùng cây này để chữa bệnh.
Thanh Hà, Thái Bình
Đáp:
Sài đất còn có tên là "húng trám", "ngổ núi", "cúc nháp", "cúc giáp", ... tên khoa học là Wedelia calendulacea Less; thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây có tên "húng trám" vì khi vò cây có mùi trám và được một số nơi dùng ăn sống như ăn rau húng; có tên "ngổ núi" vì hình dạng hơi giống cây rau ngổ, lại mọc hoang trong núi; có tên "cúc nháp" hay "cúc giáp" vì hoa giống hoa cúc, lá và thân lại nham nháp.
Sài đất là một loại cỏ sống dai, mọc lan bò, chỗ thân mọc lan tới đâu rễ mọc tới đấy, nơi đất tốt có thể cao hơn 0,5m. Thân màu xanh có lông trắng cứng nhỏ. Lá gần như không cuống, mọc đối, hình bầu dục thon dài, 2 đầu nhọn, dài 15-50mm, rộng 8-25mm, có lông nhỏ cứng ở cả 2 mặt, mép có 1-3 răng cưa nông, 2 bên gân chính có 2 gân phụ xuất phát gần như từ một điểm ở phía cuống lá, gân chính và phụ đều nổi ở mặt dưới lá. Cụm hoa hình đầu, cuống hoa thìa lia màu vàng tươi (khác với hoa cây lỗ địa cúc thường dùng nhầm với cây sài đất). Quả bế không có lông, đầu thu hẹp lại, tận cùng mang một vòng có răng.
Sài đất là cây mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta; ưa nơi ẩm mát. Thời bao cấp, do nhu cầu, tại các vườn thuốc Nam ở hầu hết các địa phương đều trồng sài đất để dùng làm thuốc. Dùng toàn bộ phần trên mặt đất, có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hè thu khi cây ra hoa; có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Theo Đông y: Sài đất có vị ngọt, hơi chua, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa đàm chỉ khái (tiêu đàm cầm ho), lương huyết bình can. Dùng để phòng ngừa sởi, cảm mạo phát sốt, bạch hầu, viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà, ho ra máu; cao huyết áp. Dùng ngoài chữa đinh nhọt.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi:
- Tại nhiều địa phương, nhân dân dùng cây sài đất ăn sống như rau với thịt hay cá.
- Trên lâm sàng, sài đất biểu hiện những tác dụng rõ rệt: Giảm đau, giảm sốt và kháng sinh rõ rệt; không thấy độc tính.
- Bệnh xá Ngô Quyền Hải Phòng chỉ dùng sài đất giã nát, đắp lên chỗ viêm, không cho uống và cũng không cho một thứ thuốc nào khác; theo dõi 21 trường hợp viêm nhiễm trùng phần mềm (viêm tấy tỏa lan hay khu trú, viêm quầng, áp xe đầu đinh, phần lớn có sốt), đã đi tới kết luận: Tác dụng chống viêm của sài đất rất rõ rệt, hiện tượng sưng nóng đỏ đều dần dần biến mất, nhưng lá sài đất không có tác dụng đối với những trạng thái viêm đã chuyển sang giai đoạn mưng mủ, áp xe hóa.
- Bệnh viện Bắc Giang đã sử dụng điều trị có kết quả mọi trường hợp viêm tấy ngoài da, ở khớp xương, ở răng, vú, sưng bắp chuối, sưng khớp nhiễm trùng, lở loét, mụn nhọt, chốc đầu, đau mắt, ...
- Hiện nay việc sử dụng sài đất được phổ biến rộng rãi, có nơi đã dùng sài đất chữa viêm bàng quang cũng có kết quả tốt. Một số nơi khác dùng sài đất tắm trị rôm sảy hoặc uống phòng chạy sởi, chữa báng, sốt rét.
Xin giới thiệu một số đơn thuốc có dùng sài đất:
(1) Chữa mụn nhọt lở ngứa: Sài đất 30g, kim ngân hoa 10g (hoặc dây 15g), khúc khắc 10g, bồ công anh 15g, ké đầu ngựa 10g, sắc uống; ngoài dùng sài đất tươi giã nát xoa đắp hay nấu nước tắm rửa.
(2) Viêm amiđan cấp: Sài đất 30g, kim ngân hoa 15g, tước sàng 24g; sắc uống.
(3) Khạc ra máu: Sài đất 30g, bách hợp 10g, trắc bách diệp 15g, tử chu thảo 15g; sắc uống.
(4) Viêm chân răng: Sài đất 30g, huyền sâm 10g, bán biên liên 15g; sắc uống.
(5) Dự phòng bạch hầu: Dùng sài đất tươi 15-30g; sắc nước uống, liên tục 3 ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcTrong một chuyến dã ngoại tôi có thấy một vùng rừng núi cao có cây sài đất mọc nhiều, nếu quý vị có nhu cầu làm thuốc hay nghiên cứu dược học có thể gọi vào số máy 01236210478, Nếu giúp được gì tôi sẽ giúp.