• Hoa Đà và con rái cá
Tía tô là một cây gia vị và cũng là cây thuốc có nhiều công dụng. Tác dụng chữa bệnh của tía tô gắn liền với một truyền thuyết rất lý thú, được ghi lại trong sách Bách thảo dược dụng thú thoại như sau:
Tương truyền, một hôm Hoa Đà đang hái thuốc bên bờ sông tại một địa phương ở Giang Nam, tình cờ nhìn thấy một con rái cá đang ngấu nghiến ăn những con cua. Chẳng bao lâu, con rái cá đó ngã xuống, quằn quại trên mặt đất. Có lẽ do ăn quá nhiều cua? Hoa Đà thầm nghĩ, thử xem xem nó có tìm ra cách gì để tự giải cứu hay không?
Khi đó, Hoa Đà thấy con rái cá bắt đầu bò men theo bãi sông, tìm đến chỗ có bụi cây màu tím thì dừng lại và ăn một ít lá. Sau đó, con rái cá nằm xuống nghỉ và một lát sau đã đứng dậy đi lại, như chưa hề xảy ra chuyện gì.
Hoa Đà bèn hái một bó cành và lá cây đó mang về tìm hiểu, cho từng ít vào miệng nếm thử, thấy cay cay, suy nghĩ miên man, … Cuối cùng ông đã ngộ ra rằng, lá của thứ cây đó có thể hóa giải được trúng độc cua. Lại suy nghĩ tiếp, ông nhận thấy, cua là loại thức ăn tính hàn, như vậy theo nguyên tắc "hàn giả nhiệt chi" (bệnh hàn dùng thuốc nóng để chữa), thì cành lá thứ cây màu tím đó phải có tính ôn.
Từ đó về sau, cứ đến mùa cua, hễ có người ăn quá nhiều cua mà bị trúng độc, đau bụng và tìm đến chữa, Hoa Đà đều dùng lá của thứ cây màu tím đó sắc lấy nước cho bệnh nhân uống, đều rất linh nghiệm, chỉ một lúc sau là người bệnh đã thấy dễ chịu.
Từ đó Hoa Đà liền đặt tên thứ cây đó là cây tử thư (紫舒). Vì là thứ cây có màu tím và uống vào cảm thấy thư thái. Tử (紫) có nghĩa là màu tím, còn thư (舒) có nghĩa là thư thái, dễ chịu.
Về sau, trong quá trình sử dụng, người ta còn phát hiện thêm, ngoài tác dụng giải trúng độc cua, thứ cây màu tím này còn có rất nhiều tác dụng khác nữa. Chỉ có điều, hiện nay vị thuốc thu hái từ cành lá của thứ cây màu tím đó không gọi là tử thư (紫舒) nữa, mà là tử tô (紫苏). Có khả năng, đó là do tử thư (zi3 shu) và tử tô (zi3 su), phát âm gần giống như nhau; mà cũng có thể, do nhầm lẫn trong khi ghi chép; đó là chuyện còn cần khảo chứng.
Tía tô
• Tất cả các bộ phận của cây tía tô đều là thuốc
Ngoài tác dụng giải trúng độc cua, trong quá trình sử dụng tía tô làm thuốc, người ta còn phát hiện thêm rất nhiều tác dụng khác nữa. Đặc biệt nữa là, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc.
Đông y thường sử dụng những vị thuốc sau đây từ cây tía tô:
1. Tô diệp (lá tía tô):
- Thu hái vào lúc cây bắt đầu có hoa là tốt nhất, phơi khô ở nơi râm mát và thoáng gió, cất đi dùng dần.
- Tô diệp được xếp vào loại thuốc "tân ôn giải biểu" (chữa cảm lạnh), thường dùng để chữa chứng cảm hàn nhẹ.
- Theo Đông y: Tô diệp có vị cay, tính ấm; vào các kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng phát biểu tán hàn (giải cảm lạnh), lý khí hòa trung (điều hòa chức năng tiêu hóa) và an thai. Chủ trị ngoại cảm phong hàn, tỳ vị khí trệ (đầy bụng, tiêu hóa kém), thai động không yên, còn được dùng để giải độc tôm cua, mật cá.
2. Tô ngạnh (cành tía tô):
- Theo Đông y: Tô ngạnh có vị cay ngọt, tính hơi ấm; vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng lý khí giải uất, chỉ thống (giảm đau), an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa. Chủ trị ngực bụng đầy tức, thai động bất an.
- Tác dụng giải cảm của tô ngạnh không mạnh bằng tô diệp, nhưng có lại có thêm tác dụng lý khí giải uất tương đối bình hòa, nên rất thích hợp với trường hợp cơ thể suy nhược.
3. Tô tử (quả chín của cây tía tô - nhiều người thường gọi nhầm là hạt):
- Theo Đông y: Tô tử có vị cay, tính ấm; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng giáng khí bình suyễn, trừ đờm, nhuận tràng. Dùng trong các trường hợp cổ họng bị nghẽn tắc, khó thở, ho suyễn, ngực đầy tức, ...
4. Tử tô bao (nụ tía tô):
- Có dược tính tương đối bình hòa, có tác dụng làm ra mồ hôi để giải cảm mà không gây tổn thương nguyên khí; thường dùng chữa phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi đẻ cơ thể suy nhược bị cảm lạnh, một số trường hợp xuất huyết, ...
- Ngoài ra, rễ và phần thân già ở sát gốc, gọi là tô đầu, cũng có tính năng tương tự như tử tô bao.
Kết quả nghiên cứu về dược lý hiện đại cho thấy, cây tía tô có một số tác dụng chủ yếu như sau:
1. Nước cất và nước sắc của lá có phổ kháng khuẩn rộng; có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn ruột kết, trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn, một số nấm gây bệnh ngoài da và virus ECHO11.
2. Cành và lá tía tô có khả năng xúc tiến quá trình phân tiết dịch tiêu hóa, tăng cường nhu động dạ dày, ruột.
3. Cành và lá tía tô làm giảm sự phân tiết dịch nhầy trong phế quản, hoãn giải sự co thắt phế quản, do đó có tác dụng giảm ho, trừ dờm và cắt cơn hen suyễn.
4. Lá tía tô có tác dụng giải nhiệt, trấn tĩnh và làm tăng đường huyết.
5. Cành và lá tía tô có tác dụng chống đông máu, có thể ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, giảm độ đặc và độ dính của máu.
6. Cành và lá tía tô có tác dụng chống đột biến, dầu tía tô có tác dụng chống ung thư.
• Phạm vi ứng dụng rộng:
Cây tía tô thực chất là một "tủ thuốc xanh", vì có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh thường gặp. Dưới đây "Thuốc vườn nhà" xin đơn cử một vài cách sử dụng tương đối đơn giản:
1. Giải độc:
(1) Dùng nước cốt lá tía tô: Lá tía tô tươi, giã nát, vắt lấy nước, chia ra nhiều phần, cách khoảng nửa giờ uống 1 lần, mỗi lần 1 chén con. Đồng thời ngoài dùng bã xát vào những chỗ ngứa; kiêng dầm nước và ra gió. Sử dụng trong trường hợp bị ngộ độc, dị ứng do ăn cua, cá, sò hoặc tiếp xúc với nước lạnh.
(2) Dùng nước lá tía tô: Lá tía tô khô 10-15g, sắc lấy nước uống. Dùng chữa trúng độc, đau bụng do ăn cua cá.
(3) Tử tô giải độc thang: Lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 4g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn đang nóng. Cũng sử dụng để chữa trúng độc, đau bụng do ăn phải cua cá.
2. Chữa cảm lạnh: Lá tía tô được xếp vào loại thuốc chữa cảm lạnh, nhưng cường độ tác dụng không mãnh liệt như ma hoàng, nên không gây thương tổn chính khí. Do đó rất thích hợp với những người cơ thể vốn suy yếu mà bị cảm lạnh, như người già, phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh đẻ. Tùy theo bệnh tình cụ thể, mà chọn một trong số các bài thuốc sau:
(4) Cháo tía tô bạc hà: Lá tía tô tươi 20g, lá bạc hà tươi 8g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 40-60g; cho gạo vào nồi đổ thêm nước nấu đến khi cháo chín, cho tía tô, bạc hà đã thái nhỏ và gừng vào đun sôi lại là được; ăn khi cháo còn nóng. Dùng cho trường hợp cảm lạnh kèm theo ho.
(5) Hương tô tán: Tô diệp 120g, hương phụ (củ gấu) 120g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 60g, cam thảo 30g; tất cả các vị thuốc tán thành bột thô, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 9-10g bột thuốc, sắc nước uống. Dùng cho trường hợp bị cảm lạnh, kèm theo tức ngực, đầy bụng, không muốn ăn uống.
3. Chữa bệnh hô hấp:
(6) Viêm khí quản mạn tính: Dùng lá tía tô 15g, gừng khô 3g; sắc nước uống trong ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc, đã áp dụng bài thuốc này chữa cho 552 trường hợp, kết quả rất khả quan. Sau khi dùng thuốc 10-15 ngày triệu chứng ho và khó thở cải thiện rõ rệt. Đa số bệnh nhân phản ảnh ăn uống ngon miệng và ngủ ngon giấc hơn. Một số thấy lợi tiểu và giảm phù. Cá biệt thấy miệng khô, nước bọt giảm, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, có tính tạm thời, không cần xử lý, sau một thời gian thì tự hết.
(7) Tam tử dưỡng thân thang: Dùng hạt tía tô, hạt cải thìa, hạt củ cải - 3 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột thô, trộn đều; mỗi ngày dùng 9g sắc nước uống. Nếu đại tiện táo bón thì hòa thêm chút mật ong. Mùa đông trời lạnh thêm 3 lát gừng cùng sắc uống. Đây là một bài thuốc kinh điển, dùng chữa chứng suyễn thở, ho nhiều đờm ở người già.
4. Chữa thai động bất an:
(8) Bài thuốc 1: Dùng cành tía tô 12g, cát căn (củ sắn dây) 12g; sắc nước uống trong ngày.
(9) Bài thuốc 2: Dùng lá tía tô 9g, cành tía tô 9g, bạch truật 9g, trần bì 6g, phục linh 6g; sắc với nước, chia 2-3 phần uống trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.