Giải mã Đông y

Thuốc thang cần uống như thế nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/11/2012 07:38 CH

thuốc thang, cách uống thuốc thang

Sắc thuốc và uống thuốc là những khâu vô cùng quan trọng khi sử dụng thuốc Y học cổ truyền để chữa bệnh.

Y gia từ xưa thường nhắc nhở: Khi uống thuốc thang, dù cho vị thuốc đã được lựa chọn tinh tế, phép trị đúng đắn, nhưng người đun cẩu thả vội vàng, sắc thuốc và uống thuốc không đúng phương pháp, thì thuốc cũng thành ra vô hiệu.

"Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu tương đối chi tiết về cách sắc thuốc trong bài viết "Thuốc thang cần sắc như thế nào?", nay xin nói rõ thêm về cách uống thuốc.

Một thang thuốc tuy được sắc theo đúng phương pháp, nhưng nếu như cách uống, thời gian uống không chính xác, hoặc là độ nóng của thuốc không thích hợp, thì hiệu quả chữa bệnh của thang thuốc cũng sẽ bị giảm, thậm chí còn vô hiệu, hoặc gây nên những phản ứng ngoài sự mong muốn.

Để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, khi uống thuốc Đông y, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

• Về số lần uống:

    Thông thường, mỗi thang thuốc được sắc 2 lần (hai nước). Còn muốn tận dụng dược liệu, thì sắc 3 lần (ba nước). Để hàm lượng, nồng độ thuốc, trong mỗi lần uống giống như nhau, cần hợp hai (hoặc ba) nước thuốc lại với nhau, quấy đều. Sau đó, tùy theo bệnh tình và thể chất người bệnh, có thể chia ra uống theo những cách như sau:

        1. Chia đều (phân phục): Chia nước thuốc ra thành 2-3 phần đều nhau, uống vào 3 buổi sáng, trưa, chiều. Đây là cách uống thông dụng nhất, thường áp dụng trong trường hợp bệnh tương đối nhẹ, hoặc bệnh mạn tính.

        2. Uống ngay một lần (đốn phục): Hợp các nước sắc của một thang thuốc lại với nhau, uống hết một lần. Cách uống này hay sử dụng đối với loại thuốc phát hãn (làm ra mồ hôi để giải cảm, giải độc), thuốc tả hạ (tẩy, thông tiện mạnh) và thuốc thanh nhiệt. Thích hợp với những trường hợp bệnh nặng, với mục đích tập trung sức thuốc, để có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng. Trong trường hợp bệnh rất nặng, có thể cho uống 2-3 thang thuốc, liên tục cả ngày và đêm, để duy trì tác dụng của thuốc.

        3. Uống nhiều lần (tần phục): Uống tùy thích, uống từng ít một mà nhiều lần, giống như uống trà. Thường áp dụng đối với những trường hợp sau:

        - Người vị khí hư nhược, dạ dày hấp thụ yếu, không chịu nổi tác động mạnh của thuốc.

        - Bệnh nhân bị nôn nặng, uống lượng lớn sẽ nôn ngược ra và làm mất thời cơ chữa trị.

        - Đối với những chứng bệnh ở phía trên cơ hoành, như đau họng, đau răng, viêm lưỡi, bệnh mắt; uống dần từng ít một sẽ tạo điều kiện để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ổ bệnh.

• Về thời điểm:

    1. Uống lúc đói, trước bữa ăn: Sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc trước bữa ăn khoảng 30-60 phút. Dạ dày đang trống rỗng, do đó uống thuốc tư bổ vào sẽ hấp thu tốt hơn. Một số loại thuốc khác, như thuốc trừ thấp lợi thủy, thuốc tả hạ (tẩy), thuốc khu trùng (trừ giun, sán, ...) uống lúc đói hoặc sáng sớm, cũng sẽ có tác dụng mạnh hơn. Còn áp dụng với những chứng bệnh ở phần dưới cơ thể, uống trước bữa ăn thuốc không bị thức ăn cản trở, không bị giữ lại ở thượng tiêu (phần trên cơ thể), lại có thể mượn sức của thức ăn để đưa thuốc xuống thẳng hạ tiêu.

    2. Uống sau bữa ăn: Sau khi ăn 15-30 phút. Thích hợp với loại thuốc chứa những vị thuốc kích thích dạ dày; thuốc phát hãn giải biểu (giải cảm), cũng nên uống sau bữa ăn. Còn áp dụng đối với những chứng bệnh ở thượng tiêu.

• Độ nóng của nước thuốc:

    Độ nóng của thuốc có ảnh hưởng nhất định đến tác dụng của thuốc. Nói chung, để chữa những bệnh có tính hàn, cần dùng loại thuốc có tính nhiệt và cho uống nóng; để chữa bệnh nhiệt, cần dùng thuốc có tính hàn và uống lạnh. Đối với những trường hợp "cự dược" (kháng thuốc) cần sử dụng cách uống mà Đông y gọi là "phản tá" (phản tá phục pháp) - Thuốc tính nhiệt cần uống lạnh, thuốc tính hàn cần uống nóng.

    1. Uống nóng: Thường áp dụng đối với những loại thuốc phát hãn (giải cảm), công hạ (tẩy), hoạt huyết, thông lạc. Loại thuốc nóng dùng để chữa chứng đại hàn, cũng cần uống nóng.

    2. Uống ấm: Nói chung, các loại thuốc thang, đều nên uống khi nước thuốc âm ấm. Đặc biệt là đối với loại thuốc điều hòa khí huyết, bồi bổ tạng phủ, bồi dưỡng thể chất, an định tâm thần, thì không nên uống lạnh, cũng không nên uống nóng, mà chỉ nên uống ấm. Ngoài ra, trong thang thuốc có một số vị thuốc có tính kích thích đối với dạ dày, ruột, như qua lâu nhân, nhũ hương, một dược, ... uống ấm sẽ giảm bớt sự kích thích đối với đường ruột.

    3. Uống lạnh: Để có thể kéo dài thêm thời gian tác dụng của thuốc. Thường áp dụng với loại thuốc thu sáp (làm co lại), điền cố (chữa hoạt tinh, tiểu nhiều lần, ...), chỉ huyết (cầm máu), ... Khi dùng thuốc hàn để chữa bệnh nhiệt, hoặc đối với những người bệnh bị nôn, hoặc trong mùa hè, đều cần uống lạnh.

• Một số trường hợp đặc biệt:

    1. Đối với chứng "chân nhiệt giả hàn": Bản chất của bệnh là "nhiệt", nhưng có những biểu hiện bên ngoài tựa như bệnh "hàn", vẫn cần sử dụng thuốc có tính "hàn" để chữa, nhưng một số trường hợp bệnh nhân uống vào có thể bị nôn ngược trở lại, do xuất hiện hiện tượng "cự dược" (chống thuốc). Lúc này, không thể uống lạnh như thông thường, mà cần áp dụng phương pháp mà Đông y gọi là "phản tá" là dùng thuốc hàn nhưng cho uống nóng.

    2. Đối với chứng "chân hàn giả nhiệt": Cần sử dụng thuốc có tính nhiệt để chữa, nhưng một số trường hợp bệnh nhân uống vào có thể bị nôn ngược trở lại, cũng cần áp dụng phương pháp "phản tá" là dùng thuốc nhiệt nhưng cho uống lạnh.

    3. Đối với người bệnh bị nôn nặng: Có thể hòa thêm chút nước cốt gừng vào nước thuốc, hoặc dùng gừng sống xát vào lưỡi, hoặc cho nhai một chút vỏ quít.

    4. Đối với người bị hôn mê: Có thể đưa thuốc vào theo đường mũi.

    5. Đối với những loại thuốc có tác dụng mãnh liệt hoặc có độc: Cần bắt đầu từ liều nhỏ, rồi tăng dần, thấy kiến hiệu lập tức ngừng ngay, để tránh bị trúng độc.

    6. Thuốc an thần, chữa mất ngủ: Uống trước khi đi ngủ.

    7. Thuốc chữa sốt rét: Nên uống trước khi bệnh phát tác 2 giờ.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]