Hỏi đáp

Thuốc thang cần sắc như thế nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/04/2012 08:20 SA

Hỏi:

Tôi là một độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com. Nay có một vấn đề muốn được hỏi: Có phải mỗi lần sắc thuốc đều phải dùng 3 bát nước, đun lấy 1 bát, rồi chắt ra không? Vì tôi dùng ấm chuyên dùng để sắc thuốc, đổ 3 bát nước vào, nhưng khi rót nước thuốc ra chỉ còn có nửa bát. Với trường hợp như vậy, xin cho biết cần phải giải quyết như thế nào?

Lê Thành Vinh, Lê Chân, Hải Phòng

Đáp:

ấm đất, ấm sắc thuốc bắc

Thực ra, vấn đề mà bạn quan tâm, có liên quan đến "lượng nước", "độ lửa" và "thời gian" trong khi sắc thuốc.

Nước là dung môi chủ yếu của thang thuốc. Các thầy thuốc Đông y rất chú ý tới các loại nước dùng để sắc thuốc. Thậm chí, một số sách thuốc thời xưa còn yêu cầu đối với mỗi loại thuốc, phải chọn dùng một loại nước riêng. Tuy nhiên, đòi hỏi quá cầu kỳ như vậy cũng không cần thiết và rất khó thực hiện.

Trên thực tế, tất cả những thứ nước thường dùng để nấu ăn, như nước giếng, nước máy, nước mưa và nước suối, đều có thể dùng để sắc thuốc. Chủ yếu là nước phải tinh khiết, không bị ô nhiễm.

Lượng nước cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thang thuốc. Nước quá nhiều, thời gian đun kéo dài, có thể làm tổn thất hoặc phá hoại mất một số hoạt chất trong thuốc. Ngược lại, nước quá ít, sẽ khiến các hoạt chất trong thuốc khó hòa tan vào trong nước thuốc.

Thực ra, lượng nước nhiều hay ít, là tùy thuộc vào trọng lượng, thể tích, độ rắn chắc và tính thấm nước của các vị thuốc trong thang thuốc. Khối lượng thuốc bằng nhau, nhưng nếu chất thuốc mềm xốp, có độ hút nước cao, cần tăng thêm nước; chất thuốc chắc đặc, độ hút nước thấp, cần giảm bớt nước đi. Như trong thang thuốc có nhiều thứ lá, hoa (chất nhẹ xốp) cần tăng thêm nước; thuốc có nhiều loại rễ, củ, khoáng vật cần giảm bớt nước đi.

Nói chung, đối với phần lớn các loại thuốc, sau khi cho thuốc vào nồi hoặc vào ấm, cần đổ vào đó một lượng nước sao cho nước ngập trên mặt thuốc từ 2-5cm. Còn lượng nước chắt ra sau khi sắc xong, thì phụ thuộc vào độ lửa và thời gian sắc.

Độ lửa khi sắc thuốc gọi là "Hỏa hậu". Hỏa hậu có hai thứ: Lửa to gọi là "vũ hỏa", lửa nhỏ gọi là "văn hỏa". Hỏa hậu to nhỏ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thuốc. Lửa quá lớn, có thể làm cho nước thuốc trào ra ngoài, gây lãng phí và phần thuốc dưới đáy nồi bị cháy. Thuốc đã bị cháy thì chất thuốc cũng bị thay đổi, cần phải bỏ đi, tuyệt đối không cho thêm nước vào đun lại. Ngược lại, lửa quá nhỏ thì không đủ độ nóng để hòa tan các hoạt chất của thuốc vào dung dịch, nên hiệu quả của thuốc cũng bị giảm đi.

Khi đun thuốc, cần đậy vung cho kín. Nhất là, khi dùng "văn hỏa" mà để mở nồi, thì nước không sôi lên được, phần thuốc phía trên trương ra và khô hết nước, còn phần thuốc ở dưới lại hay bị cháy. Nếu đậy kín vung thì hiện tượng như vậy sẽ không xảy ra. Sắc thuốc là một việc hệ trọng, không thể xem thường, không nên đặt nồi thuốc lên bếp rồi bỏ đi làm việc khác, cần chú ý theo dõi để có thể xử lý kịp thời.

Trước khi sắc thuốc, tốt nhất nên ngâm thuốc trong nước lạnh 30-60 phút, để cho các vị thuốc ngấm nước, nở ra, khiến các chất hữu hiệu trong vị thuốc dễ hòa tan vào dung dịch khi sắc.

Nói chung, các thang thuốc đều được sắc theo phương thức "tiên vũ hậu văn": Đun lửa to cho sôi lên, rồi đun nhỏ lửa. Riêng đối với các thang thuốc giải cảm, thanh nhiệt, thuốc có mùi thơm (chứa tinh dầu), cần dùng vũ hỏa nấu nhanh, để tránh tinh dầu bị mất mát quá nhiều. Đối với những loại thuốc bổ, vị đậm, chất thuốc đặc chắc, sau khi dùng vũ hỏa đun sôi, cần dùng văn hỏa nấu trong thời gian dài, để cho các chất trong vị thuốc tiết ra triệt để.

Thời gian đun một thang thuốc không cố định, mà tùy thuộc vào loại thuốc, công năng của thuốc.

Cụ thể:

    1. Thuốc bổ: Các thang thuốc bổ, thường gồm nhiều vị thuốc chắc đặc, như các loại củ, rễ cây, sừng, mai, xương động vật, ... Cho nên thường cần sắc kỹ để cho thuốc hòa tan hết vào dung dịch. Với các thang thuốc bổ, cần dùng lửa to đun cho sôi lên, sau đó dùng lửa nhỏ hầm cho kỹ, nước đầu cần sắc trong khoảng 45 phút, các nước sau khoảng 30 phút.

    2. Thuốc giải cảm (giải biểu): Các thang thuốc giải cảm của Đông y thường bao gồm những loại cây cỏ, như tía tô, kinh giới, bạc hà, kim ngân, liên kiều, ma hoàng, hành, gừng, ... Khí vị cay thơm (chứa các loại tinh dầu), sắc lâu chất thuốc sẽ bị phát tán mất. Vì vậy, chỉ đổ nước ngập mặt thuốc khoảng 0,5-1cm, dùng lửa to (vũ hỏa), đun nhanh, rồi rót ra uống ngay. Thông thường, nuớc đầu đun khoảng 10 phút, nước thứ hai 5 phút.

    3. Các thứ thuốc khác: Thường gọi là thuốc chữa tạp bệnh nội khoa, như thuốc lý khí (chữa bệnh khí), thuốc hoạt huyết (chữa ứ huyết), thuốc thanh can (mát gan), kiện tỳ (tăng cường tiêu hóa), ... cần dùng lửa to đun sôi mạnh lên, sau đó dùng lửa nhỏ sắc kỹ thêm, nước đầu khoảng 30 phút, các nước sau khoảng 20 phút.

Tóm lại, khi sắc thuốc cần chú ý: Lượng nước ban đầu cần đủ để phủ ngập mặt thuốc, thường từ 2-5cm (trừ thuốc giải cảm), còn độ lửa và thời gian sắc tùy thuộc loại thuốc. Nếu lượng nước thuốc sau khi sắc xong, chắt ra thấy quá nhiều, có thể cô cho đặc lại, ngược lại lượng nước thuốc quá ít, quá đặc, có thể pha thêm nước đun sôi, rồi chia ra uống trong ngày.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]