Tập sách "Thuốc Nam thường dùng"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi
Kết hợp Đông y và Tây y là một trong năm phương châm (*) công tác của ngành Y tế nước ta. Trong vấn đề kết hợp Đông y và Tây y, trọng tâm hiện nay lại là áp dụng châm cứu và thuốc Nam. Vậy thuốc Nam là gì?
"Thuốc Nam là những vị thuốc kinh nghiệm của ông cha ta, có tác dụng chữa bệnh tốt, dễ kiếm lại rẻ tiền. Nhưng việc sử dụng mới chỉ dựa vào kinh nghiệm, phần lớn hiện nay chưa được giải thích bằng cơ sở khoa học hiện đại. Hoặc nếu có được giải thích thì chỉ mới dựa trên những cơ sở của khoa học cổ, như thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, ít người hiểu được".
Do định nghĩa thuốc Nam như vậy, cho nên có một số người đòi hỏi hãy nghiên cứu để biết trong vị thuốc có những hoạt chất gì, cơ chế tác dụng của vị thuốc đó ra sao rồi mới sử dụng. Đòi hỏi này không phải là hoàn toàn vô lý. Nhưng những người đó không hiểu rằng việc nghiên cứu một vị thuốc không đơn giản, nhanh chóng. Không chỉ việc nghiên cứu chỉ khó đối với điều kiện nước ta, hiện còn có những khó khăn về hoàn cảnh và cán bộ, nhưng ngay cả đối với nhiều nước khác có khoa học tiến bộ, có nhiều cán bộ khoa học rồi nghiên cứu cũng tốn kém đòi hỏi nhiều thời gian, mà nhiều khi vẫn không đem lại kết quả, vì chúng ta cần hiểu đối tượng nghiên cứu ở đây lại là một sinh vật (động vật, thực vật) mà chúng ta còn nhiều điều chưa biểu biết hết. Do đó, ngay tại các nước có một nền khoa học tiên tiến, bên cạnh những vị thuốc đã biết rõ cấu tạo, cơ chế, người tác vẫn dùng rất nhiều những vị thuốc được nhân dân sử dụng theo kinh nghiệm cổ truyền, mà người ta gọi là Y học nhân dân. Phải rất lâu ta mới lại thấy các nước đó đưa ra được một vị thuốc từ lĩnh vực Y học nhân dân sang lĩnh vực Y học khoa học. (Danh từ Y học nhân dân và Y học khoa học tương ứng với Đông y và Tây y ở nước ta).
Lĩnh vực Y học nhân dân ở Việt Nam ta thật là vĩ đại. Những kinh nghiệm đó hiện nằm rải rác trong các bà, các cụ, trong các dân tộc miền núi. Nhiều thuốc có tác dụng chữa bệnh rõ rệt, nhưng ta chưa thể giải thích và chứng minh được bằng khoa học hiện đại.
Phương châm "kết hợp Đông y và Tây y" của ngành đòi hỏi chúng ta phải vừa áp dụng những kinh nghiệm chữa bệnh quý báu của ông cha ta bằng thuốc Nam, vừa tiến hành nghiên cứu, chứ không phải đợi nghiên cứu xong rồi mới sử dụng. Vì những kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha ta đã được thực tế lâu đời chứng minh trên người thực, bệnh thực.
1. Tuy nhiên vì những kinh nghiệm của cha ông ta trước đây thường chỉ truyền miệng từ người này sang người khác, qua mỗi người lại bị thay đổi đi, có khi do bị dấu nghề, bị che dấu, xuyên tạc, nên trong công tác điều tra sưu tầm bài thuốc, vị thuốc trong nhân dân cũng như khi áp dụng những kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân, vấn đề quan trọng là phải biết phân biệt kinh nghiệm thực sự và kinh nghiệm đã bị xuyên tạc, thần bí hóa.
Trong tập tóm tắt bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" chúng tôi sẽ chỉ trích dẫn và tóm tắt một số vị thuốc Nam theo kinh nghiệm đối với một số bệnh thông thường mà chúng tôi đã có dịp kiểm tra đối chiếu nhiều năm qua các tài liệu cổ, tài liệu mới ở trong và người nước. Những chi tiết khác và những vị thuốc khác mong các bạn tham khảo trong toàn bộ sách đã được sửa chữa bổ sung và cũng được Nhà xuất bản Khoa học cho tái bản vào dịp này.
2. Một đặc điểm nữa của thuốc Nam hiện nay là tên gọi của cây thuốc và vị thuốc chưa thống nhất, cùng một cây, cùng một vị thuốc nhưng mỗi nơi gọi một tên khác (sài đất tại Vĩnh Phú được gọi là húng trám) hoặc nhiều cây khác hẳn nhau lại mang cùng một tên (như bồ công anh, nhân trần, sâm). Cho nên khi sử dụng cần chú ý phân biệt, nếu không kết quả thu được sẽ không thống nhất, ảnh hưởng tới sự tin tưởng và tác dụng chữa bệnh của thuốc Nam. Sự thống nhất này làm cho công tác chữa bệnh và nghiên cứu của chúng ta thêm phức tạp; nhưng nếu biết vận dụng thì lại làm cho công tác chữa bệnh và nghiên cứu của chúng ta thêm phong phú, độc đáo. Trong khi giới thiệu vị thuốc, hình vẽ, phần mô tả cây và những cây thuốc thực trồng tại các vườn thuốc địa phương sẽ giúp chúng ta dễ phân biệt cây nọ với cây kia.
3. Đúng cây thuốc rồi còn cần thu hái đúng mùa, đúng lúc cây thuốc có chứa nhiều hoạt chất nhất (ví dụ: ổi xanh thì chát, chứa nhiền tanin, ổi chín thì ngọt, chứa ít tanin, nhiều đường); dùng đúng bộ phận dùng làm thuốc (ví dụ: dầu thầu dầu uống làm thuốc tẩy được, nhưng ăn hạt thầu dầu sống thì chết người vì trong hạt thầu dầu có chất độc ricin); chế biến cũng phải đúng phương pháp (ví dụ: hạt thảo quyết minh uống còn sống thì gây tẩy, nhuận tràng, nhưng nếu sao đen rồi mới uống thì không còn tác dụng gây tẩy nữa); có như vậy mới bảo đảm thuốc có hiệu lực đồng đều, lần nào cũng như lần nào. Ngay cả việc dùng thuốc dưới dạng tươi hay khô cũng có khi tác dụng giống nhau nhưng cũng nhiều khi tác dụng khác nhau (ví dụ: ta có thể ăn chuối khô, nhãn khô, nhưng không ai ăn mít khô vì trong quá trình phơi hay sấy khô, đường bị phá hủy; trong cây thuốc khô một số hoạt chất cũng bị phá hủy).
Dạng thuốc sắc, thuốc viên, hay thuốc rượu đều ảnh hưởng ít nhiều tới tác dụng chữa bệnh của vị thuốc.
Qua kinh nghiệm bản thân, để cho vị thuốc phơi khô có tác dụng như tươi, một số trường hợp có thể chưng (đồ) nước sôi trong 3-5 phút, rồi mới phơi hay sấy khô.
Cũng qua kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy dạng thuốc sắc đóng ống, hấp tiệt trùng như những thuốc ống để uống, là một dạng thuốc để lâu không hỏng, gần giống dạng thuốc dùng trong kinh nghiệm nhân dân, lại dễ làm dù ở nông thôn cũng vậy, nó giúp ta dễ xác định giá trị chữa bệnh của một bài thuốc, một vị thuốc (trước khi nghiên cứu sâu hơn).
Tuy nhiên, đối với mỗi vị thuốc, ta có thể tìm một dạng thuốc thích hợp hơn, tiện dùng hơn và rẻ hơn mà vẫn bảo đảm hiệu lực.
Những khó khăn của ta hiện nay càng đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo để bảo đảm có thuốc có hiệu lực trong bất kể tình huống nào. Cho nên chính trong quá trình nghiên cứu sử dụng thuốc Nam, công tác chế biến bào chế nhất định sẽ đem lại những thu hoạch quan trọng.
4. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài, hiệu lực đồng đều, song song với việc khai thác cây mọc hoang, cần tiến hành nghiên cứu trồng cây thuốc. Chúng ta sẽ có nhiều vấn đề tưởng như dễ nhưng rất khó, ví dụ trồng cây sử quân tử làm sao để cho có nhiều quả, tại Hà Nội nhiều người trồng chỉ thấy ra hoa, ít quả hay hầu như không thấy quả.
5. Đối với tác dụng chữa bệnh của thuốc Nam, bên cạnh một số tên bệnh và triệu chứng đã phù hợp với Y học khoa học hiện đại, chúng ta còn chưa hài lòng về một số chỉ định mơ hồ như đau bụng, chữa ho, bệnh hậu sản, tiền sản. Trách nhiệm của thầy thuốc là phải theo dõi tác dụng của thuốc trên lâm sàng, có đủ những xét nghiệm hiện đại để dần dần viết lại được những chỉ định cho chính xác và khoa học, phù hợp với đòi hỏi của khoa học hiện đại. Có như vậy chúng ta mới thực sự thực hiện đúng chủ trong "Trên cơ sở khoa học hiện đại thừa kế nhưng phải phát huy" vốn cũ của cha ông.
Ghi chú (*): Năm phương châm công tác của ngành Y tế nước ta là (1) Y tế phục vụ sản xuất, (2) Phòng bệnh là chính, (3) Chữa bệnh toàn diện, (4) Kết hợp Đông y và Tây y, (5) Đi theo đường lối quần chúng.
ĐỖ TẤT LỢI
Mục lục
Thuốc chữa bệnh phụ nữ 1. Ích mẫu 2. Hương phụ 3. Ngải cứu 4. Bạch đồng nữ 5. Bọ mảy 6. Củ gai 7. Diếp cá 8. Gỗ vang 9. Bông 10. Rau ngót 11. Nhội 12. Đan sâm Thuốc chữa mụn nhọt mẩn ngứa ghẻ lở 13. Kim ngân 14. Sài đất 15. Bồ công anh 16. Ké đầu ngựa 17. Trầu không 18. Mỏ quạ 19. Thanh táo 20. Ớt 21. Ba chạc 22. Máu chó 23. Rết Thuốc chữa bệnh giun sán 24. Quả giun 25. Bách bộ 26. Hạt keo 27. Dầu giun 28. Bí ngô 29. Chua ngút 30. Lựu 31. Cau Thuốc cảm sốt, cả cúm 32. Bạc hà 33. Kinh giới 34. Tía tô 35. Hương nhu 36. Tre 37. Hành 38. Đại bi 39. Cúc hoa 40. Sả 41. Sắn dây 42. Rau má 43. Dây ký ninh 44. Xuyên khung 45. Bạch chỉ 46. Cỏ mần trầu 47. Qua lâu Thuốc thông tiểu lợi mật 48. Trạch tả 49. Actisô 50. Dành dành 51. Bồ bồ 52. Mã đề 53. Cỏ tranh 54. Râu ngô 55. Bấc đèn |
Thuốc bồi dưỡng, kích thích 56. Đảng sâm 57. Sâm bố chính 58. Tam thất 59. Hà thủ ô đỏ 60. Sinh địa 61. Hoàng tinh 62. Ý dĩ 63. Củ mài 64. Đinh lăng 65. Ngũ gia bì 66. Tục toan 67. Gấc 68. Kim anh 69. Óc chó 70. Đậu ván trắng 71. Huyền sâm 72. Quế 73. Cam thảo nam 74. Mã tiền 75. Tỏi lào 76. Hươu nai 77. Mật ong Thuốc chữa bệnh tim mạch 78. Hòe 79. Ba gạc 80. Ba kích 81. Sừng dê Thuốc chữa bệnh ở bộ máy tiêu hóa 82. Dạ cẩm 83. Muồng trâu 84. Chỉ thực - Chỉ xác 85. Địa liền 86. Ô dược 87. Sa nhân 88. Mộc hoa trắng 89. Mơ tam thể 90. Rau sam Thuốc an thần gây ngủ 91. Sen 92. Lá vông 93. Lạc tiên Thuốc chữa bệnh ở bộ máy hô hấp 94. Thuốc phiện 95. Mơ 96. Húng chanh 97. Thiên môn 98. Lôbêli 99. Bách hợp 100. Rẻ quạt 101. Tràm Thuốc chữa đau nhức tê thấp - xoa bóp 102. Long não 103. Chổi 104. Huyết giác 105. Hy thiêm 106. Ngưu tất 107. Ô đầu - phụ tử Thuốc trừ côn trùng, sâu bọ, ruồi muỗi 108. Mần tưới 109. Cổ giải 110. Dây mật |
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.