Hỏi đáp

Thêm một số thông tin về cây lược vàng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/08/2012 09:34 CH

Hỏi:

Trên một số tờ báo giấy và báo điện tử, có đề cập tới tác dụng kỳ lạ của một cây thuốc mới du nhập vào cách đây khoảng 10 năm, gọi là "lược vàng" - một cây thuốc quý của mọi nhà, vì có thể chữa được "bách bệnh", thậm chí cả ung thu. Vậy trên thực tế cây "lược vàng" có những tác dụng gì? Sử dụng thường xuyên có thể dẫn tới tác dụng phụ có hại gì không? Mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Lê Ngọc Bảo, Hà Nội và nhiều bạn đọc khác

Đáp:

lược vàng, cây lược vàng, lan vòi, cây bạch tuộc, trai lá phất dũ, giả khóm, hương lộ thảo, điếu lan hoa, dô-lô-tôi us, râu vàng), ka-li-di-a thơm, Callisia fragrans (Lind.) Woodson, họ Rau Trai Commelinaceae.

"Lược vàng" là một loài cây bụi, sống nhiều năm, nhờ căn hành, thân mập nước, có thể cao tới 1,5m. Lá hình xoan nhọn, rộng 2-3cm, dài 6-12cm, mầu lục thẫm, bóng láng, có bẹ ôm thân, mọc so le và xoay tròn thành hình hoa ở ngọn. Cụm hoa ở nách lá, với 3 cánh màu trắng hay tím nhạt, rất thơm. Cây có dáng đẹp, dễ trồng, nên được trồng làm cảnh suốt từ Bắc chí Nam ở nước ta. Theo tài liệu của Nga, cây có xuất có xuất xứ từ Nam Mỹ, được trồng làm cảnh trên thế giới đã hơn 100 năm.

Tại các địa phương ở nước ta, cây "lược vàng" còn có những tên khác nhau, như "lan vòi", "cây bạch tuộc" (vì từ thân mọc ra nhiều tược dài, tựa như chân con bạch tuộc), "trai lá phất dũ", "giả khóm", ...; tại Trung Quốc cây có tên "hương lộ thảo", "điếu lan hoa"; tại Nga có tên là "dô-lô-tôi us" (có nghĩa là râu vàng), "ka-li-di-a thơm"; tên khoa học được xác định là Callisia fragrans (Lind.) Woodson, thuộc họ Rau Trai Commelinaceae.

• Một số kinh nghiệm lẻ tẻ:

    Theo một số tài liệu trên báo chí, ở nước ta ban đầu một số người đã sử dụng cây "lược vàng" để chữa bệnh dựa theo những kinh nghiệm dân gian Nga. Dần dần, "lược vàng" được tôn vinh như một "thần dược"; người ta đua nhau trồng "lược vàng", vì cho rằng cây có thể chữa được "bách bệnh". Và phương thức sử dụng cũng rất đơn giản: Lá và thân có thể ăn sống như rau; thân và vòi cây có thể thái lát mỏng, ngâm rượu uống.

    Ban đầu, một số người sử dụng có kết quả tốt. Ví dụ, có người mắc đủ các chứng bệnh, dùng cây "lược vàng" ngâm rượu uống, thấy sức chống bệnh của cơ thể tăng lên, các chứng viêm nhiễm như viêm răng, loét lợi, rát cổ họng, đều khỏi; táo bón cũng hết, đặc biệt sức khỏe tim mạch được cải thiện rõ ràng.

    Kinh nghiệm được Trung Tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Tp. Thanh Hóa nhân rộng. Trong năm 2007 đã dùng "lược vàng" chữa khỏi bệnh cho hơn 70 người, mắc các bệnh: Viêm họng, viêm răng, viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, viêm thận. Sau đó Trung tâm đã tiến hành khảo sát, kết quả còn cho thấy có 21 trường hợp khỏi đau khớp xương và 8 người khỏi đau dạ dày, nhờ dùng "lược vàng".

    Do có quá nhiều người quan tâm đến cây "lược vàng", Liên hiệp hội KHKT Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một hội thảo về tác dụng của cây này. Tuy nhiên, kết quả thu được trong hội thảo, thông qua phiếu thăm dò, vẫn chỉ là một số trường hợp khỏi bệnh cụ thể, nhờ sử dụng cây "lược vàng". Cho đến nay, ở nước ta chưa có các tài liệu về thành phần hóa học, nghiên cứu thực nghiệm về tác dụng dược lý hay những quan sát lâm sàng về tác dụng chữa bệnh của cây "lược vàng". Việc sử dụng cây "lược vàng" để chữa bệnh vẫn dựa vào kinh nghiệm dân gian.

• Lược vàng trong y học dân gian Nga:

    Nếu tìm kiếm trên mạng, ngoài một số bài nói về đặc điểm thực vật viết bằng tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc, còn có thể tìm thấy trang web tiếng Nga, tại địa chỉ www.callisia.org, chuyên đăng tải các thông tin liên quan đến cây "lược vàng".

    Trên website www.callisia.org có bài viết tổng quan, giới thiệu khái quát về đặc điểm thực vật của cây "lược vàng", cách sử dụng để chữa bệnh và một số nhận định có tính tổng quát; liệt kê danh mục hơn 20 loại bệnh có thể sử dụng cây "lược vàng" để chữa, kèm theo kết nối tới các trang hướng dẫn chi tiết; và danh mục hơn 10 tài liệu viết về "lược vàng", ví dụ như "110 đơn thuốc mới từ cây lược vàng", "Lược vàng - cây sâm bên cửa sổ", "Huyền thoại và sự thật về cây lược vàng", ... tuy nhiên các tài liệu không được kết nối, nên không thể biết được nội dung cụ thể.

    Từ những nội dung đăng tải trên website www.callisia.org, có thể thấy:

        - Tại Nga, cây lược vàng được ứng dụng rất rộng rãi, nhưng phương pháp sử dụng chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm của các thầy thuốc dân gian. Cũng cần nói thêm, trong các sách về thảo dược, về Y học dân gian Nga, các sách tra cứu hay các từ điển lớn về thảo dược ở Nga, xuất bản trong thời Liên Xô cũ, đều không thấy đề cập đến vị thuốc này. Như vậy, "lược vàng" cũng mới chỉ được chú ý, sử dụng nhiều tại Nga cách nay không lâu.

        - Tại Nga cây lược vàng mọc không tốt như ở nước ta; nếu được chăm sóc tốt, cây mới ra hoa và mọc ra "sợi râu màu vàng" (tên "Dô-lô-tôi us" trong tiếng Nga có nghĩa là "sợi râu vàng").

        - Tại Nga, cây lược vàng được tôn vinh là "bác sĩ gia đình" hay "cây sâm trong nhà", ... Có thể sử dụng chữa các bệnh dạ dày - ruột, bệnh túi mật, lá lách; các bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản; các bệnh đường tiết niệu; các bệnh ngoài da như viêm da, zona, chàm, ... thuốc chế từ "lược vàng" có tác dụng giảm đau, chống nóng rát, giúp vết thương chóng lành, ... Ngoài ra, còn có tác dụng nhất định đối với ung thư, chống nghiện rượu và nghiện thuốc lá.

        - Cuối bài tổng quan trên website www.callisia.org, các thầy thuốc Nga cũng không quên đưa ra cảnh báo, xin dịch nguyên văn:

        "Cần nhớ rằng, trên đời không tồn tại loại thuốc vạn năng, và không có một phương tiện y học hiện đại hay y học dân gian nào có khả năng chữa khỏi tất cả các loại bệnh. Do đó, đối với các đơn thuốc dân gian, cần có một thái độ thận trọng; chỉ có thể chỉ định cho bệnh nhân một loại thảo dược nào đó, kể cả "lược vàng", sau khi tư vấn với bác sĩ điều trị.

        Bản thân các thầy thuốc dân gian, những người đang ứng dụng và xây dựng các đơn thuốc từ cây lược vàng cũng nhận định, "lược vàng" không phải là phương tiện vạn năng. Tác dụng chữa bệnh của nó vẫn còn đang được tiến hành nghiên cứu. Vì vậy, chưa có gì bảo đảm là, "lược vàng" có thể chữa khỏi được hoàn toàn một bệnh nào đó".

        - Gõ từ "ung thư" vào trong danh mục bệnh, đường kết nối dẫn tới tài liệu nói về cách chữa ung thư, cũng chỉ thấy nhận định: Trong nhiều trường hợp, thuốc chế từ "lược vàng" có tác dụng tốt, đối với ung thư vú, ung thư cơ quan sinh dục và một số dạng ung thư khác.

    Chúng tôi xin lưu thêm ý: Nói rằng thuốc có tác dụng tốt "trong nhiều trường hợp", không đồng nghĩa với "chữa khỏi bệnh cho mọi bệnh nhân".

• Cần thận trọng khi dùng lược vàng:

    Trở lại hiện trạng ở Việt Nam. Từ những thông tin về những trường hợp chữa khỏi bệnh nhờ cây lược vàng, sơ bộ có thể nhận thấy: Theo quan điểm của Đông y học, "lược vàng" là thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế, tiêu viêm, hóa đàm, lợi thủy. Có thể sử dụng để chữa ho, viêm họng, phát sốt, viêm nhiễm tiêu hóa và tiết niệu; dùng ngoài giã đắp chữa trị vết thương, viêm nhiễm ngoài da. Tóm lại, tạm thời có thể xếp "lược vàng" vào loại "Thuốc thanh nhiệt" của Đông y học.

    Cần nói rõ thêm, trong Đông y, "Thuốc thanh nhiệt" là loại thuốc được sử dụng nhiều nhất, do có tác dụng điều hòa và nâng cao sức chống bệnh của cơ thể; đối với nhiều loại bệnh nhiễm trùng, thậm chí nhiễm virus, thuốc thanh nhiệt có tác dụng điều trị trực tiếp, hoặc hỗ trợ rất tốt.

    Thuốc thanh nhiệt cũng là loại thuốc tương đối "hiền lành", ít khi gây ngộ độc cấp tính. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài, quá liều lượng hoặc không đúng bệnh, cũng có thể gây nên những tác dụng ngoài sự mong muốn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

    Những năm gần đây, các chuyên gia Đông dược đã nhiều lần cảnh báo và mô tả khá tỉ mỉ những trạng thái bệnh lý, do lạm dụng các loại thuốc thanh nhiệt gây nên. Những bệnh lý đó, cũng được xếp loại vào nhóm "Các biến chứng do thuốc".

    Thuốc thanh nhiệt có thể dẫn tới 2 bệnh lý:

        - Thứ nhất là chứng hậu (hội chứng) được Đông y gọi là "Hao khí tổn dương" (tổn thương dương khí, suy giảm chức năng), với những biểu hiện chủ yếu: Mệt mỏi, đầu choáng, mắt hoa, hoạt động mạnh một chút là vã mồ hôi (nhiều nhất ở trên đầu), thở gấp, hụt hơi, buồn ngủ, tinh thần thiếu tập trung, khả năng tư duy giảm sút; chán ăn, đau bụng, ỉa chảy, ...

        - Thứ hai là chứng hậu "Thương âm hao dịch" (tổn thương âm dịch), với những biểu hiện chủ yếu: Sáng thức dậy có cảm giác mệt mỏi, đầu choáng váng quay cuồng; mắt đỏ, bất chợt thấy tai ù; nằm ngủ thường ra mồ hôi trộm nhất là lúc vừa mới thiếp đi; miệng háo thích uống nước mát, tính tình biến đổi dị thường, hay cắu giận một cách vô cớ, ăn uống giảm sút, đại tiện táo, nước tiểu sẻn đỏ, ...

    Các triệu chứng kể trên, không phải lúc nào cũng xuất hiện tất cả. Trên thực tế, tác dụng phụ của thuốc thanh nhiệt thường không rõ ràng, không điển hình, nên rất dễ bị người dùng bỏ qua. Vì vậy, khi sử dụng thuốc thanh nhiệt liều cao hoặc dùng lâu ngày, cần đặc biệt chú ý theo dõi, nếu thấy có những biến đổi khác thường về sinh lý cũng như tâm lý, cần dừng ngay thuốc.

    Khi dùng "lược vàng" để chữa bệnh, cũng cần chú ý tới những tác dụng phụ - "các biến chứng do thuốc", như khi sử dụng thuốc thanh nhiệt.

    Thực ra, những tác dụng như thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, làm lành vết thương, ... không phải là những tác dụng "đặc hữu" của cây lược vàng. Như chúng ta biết, những tác dụng nói trên, cũng có ở rất nhiều cây thuốc quen thuộc khác, đã giới thiệu trên website http://www.thuocvuonnha.com của "Thuốc vườn nhà". "Lược vàng", nhiều khả năng, cũng là một cây thuốc quý, tuy nhiên cũng không nên "sùng bái" quá mức.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]