Hỏi đáp

Thể chất hàn nhiệt và Trái dứa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/02/2012 07:30 CH

Hỏi:

Tôi rất thích ăn dứa, nhất là mùa hè. Nhưng người tôi hình như là "tạng nhiệt", sợ ăn vào sẽ bị nhiệt thêm. Rất mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết: Như thế nào là người tạng nhiệt? Trái dứa có phải là thứ quả nóng hay không?

Nguyễn Thị Nga, Q. Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng

Đáp:

quả dứa

• Hàn và nhiệt: "Tạng hàn" hay "Tạng nhiệt", tức là "Thể chất hàn" hay "Thể chất nhiệt". Thể chất hàn hay nhiệt, phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố, như di truyền, cường độ đồng hóa và dị hóa, thành phần máu, và nhiều đặc điểm tâm, sinh lý khác. Hơn nữa thể chất không cố định, mà biến đổi tùy theo theo tuổi tác, hoàn cảnh sinh hoạt.

    Để xác định một người thể chất hàn hay nhiệt, đại thể có thể căn cứ vào một số biểu hiện chủ yếu như sau:

    - Người thể chất hàn thường có những biểu hiện: Thích ấm, không ưa lạnh (ố hàn) hoặc sợ lạnh (úy hàn), sắc diện trắng nhợt, chân tay lạnh và khi ngủ thường hay nằm co (giảm diện tích tản nhiệt), miệng không khát hoặc thích uống ấm, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhuận.

    - Người thể chất nhiệt thường có những biểu hiện: Thân nhiệt cao, sắc diện đỏ, ghét nóng thích mát, phiền táo không yên, chân tay ấm và khi ngủ thường nằm ngửa duỗi thẳng chân tay (tăng diện tích tản nhiệt), miệng khát thích uống lạnh, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khô táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

    Tuy nhiên, những điều nói trên chỉ giúp ta xác định thể chất hàn nhiệt một cách đại thể. Bởi lẽ, hàn nhiệt còn được chia thành nhiều loại hình nhỏ, như "thực hàn", "hư hàn", "biểu hàn", "lý hàn", "thực nhiệt", "hư nhiệt", "biểu nhiệt", "lý nhiệt". Ngoài ra, còn có những trường hợp "giả hàn" và "giả nhiệt" rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, để xác định chính xác thể chất của mình, cần đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn đoán cụ thể.

    Để lập lại cân bằng về âm dương, hàn nhiệt, cần dùng thuốc hoặc ăn uống tuân theo nguyên tắc: "Hàn giả nhiệt chi", "Nhiệt giả hàn chi". Nghĩa là người thể chất hàn, nên dùng các vị thuốc hoặc thức ăn có tính nóng, ấm. Còn người thể chất nhiệt, nên sử dụng những thứ mát, lạnh.

• Dứa không nhiệt:

    Xét về mặt hàn - nhiệt, trái dứa không hàn cũng không nhiệt.

    Theo Đông y: Dứa có vị chua ngọt, hơi chát; tính bình (không nóng không lạnh, không thiên về hàn hay về nhiệt); vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, giải thử (chống nắng nóng), chỉ khát (giải khát), tiêu thực (tiêu thức ăn), khai vị, lợi niệu, chỉ tả (cầm ỉa chảy), nhuận tràng. Có thể sử dụng để chống nắng nóng, chữa ăn uống khó tiêu, viêm phế quản, viêm thận, viêm ruột, viêm dạ dày do giảm dịch vị, ...

    Trái dứa thường bị ngộ nhận là thứ quả có tính nhiệt (nóng), có lẽ do dễ gây dị ứng. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong dứa có 3 chất có thể gây dị ứng.

    1. Thứ nhất, trong dứa có một loại men thủy phân protit, có tên là bromelin. Một số người có thể bị dị ứng với thứ men này. Sau khi ăn dứa từ 15 phút tới 1 tiếng hoặc lâu hơn, bỗng nhiên bụng đau quặn từng cơn, đầu đau dữ dội, lợm giọng, nôn mửa, da nổi mề đay, da ửng đỏ ngứa ngáy khó chịu, chân tay và môi tê dại, ... Trường hợp nặng có thể gây khó thở, choáng, thậm chí tử vong.

    2. Thứ hai, là chất serotonin (5-hydroxytryptamine, 5-HT) có trong quả dứa, là một chất hữu cơ có tác dụng gây co thắt huyết quản mạnh, làm huyết áp tăng cao. Vì vậy, ăn quá nhiều dứa có thể làm huyết áp tăng cao, đau đầu, choáng váng, ...

    3. Ngoài ra, trong dứa còn có một loại glucoside có tác dụng kích thích mạnh đối với niêm mạc ở miệng và thực quản; khi ăn quá nhiều dứa, ta thường cảm thấy miệng lưỡi và cổ họng tê rát, ngứa ngáy.

    Vì vậy, người có cơ địa dị ứng, hoặc ngay cả những người không có cơ địa dị ứng, nếu sử dụng không đúng cách, có thể dẫn đến những phản ứng có hại đối với sức khỏe. Để tránh dị ứng và những phản ứng có hại khác, những người bị tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thừa dịch vị, chỉ nên ăn ít dứa. Còn người có cơ địa dị ứng, tốt nhất không ăn dứa.

    Để tránh những phản ứng bất lợi, có thể xử lý theo 2 cách:

    1. Ngâm nước sôi: Dứa sau khi gọt vỏ, bỏ mắt và thái thành lát, cần ngâm trong nước sôi một lúc rồi mới vớt ra ăn; làm như vậy men bromelin và glucoside sẽ bị phá huỷ, còn serotonin sẽ hoà tan vào trong nước.

    2. Ngâm nước muối: Dứa đã thái lát đem ngâm trong nước đun sôi để nguội có pha thêm muối, lượng muối vừa đủ mặn như khi nấu canh. Ngâm ít nhất trong  nửa tiếng, sau đó tráng lại bằng nước sôi rồi mới ăn.

    Trong cả 2 cách làm trên, cần chú ý ngâm đủ thời gian và miếng dứa không thái quá dầy.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]