Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng của sữa Ong chúa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/02/2012 08:32 CH

Hỏi:

Gần đây tôi được học trò cũ cho 200g sữa ong chúa, nói rằng đó là một thứ thuốc rất có lợi với người cao tuổi. Tôi vẫn cất trong tủ lạnh chưa sử dụng, vì chưa biết rõ cần sử dụng như thế nào thì có lợi nhất. Rất mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cách sử dụng và nói rõ thêm về tác dụng của sữa ong chúa.

N.V.L, Hà Nội

Đáp:

sữa ong chúa

Ong là loài "động vật xã hội", sống thành từng đàn. Mỗi tổ ong có một đàn ong, gồm: Một ong chúa, vài trăm ong đực và vài chục ngàn ong thợ (có thể tới 100 ngàn hoặc hơn nữa). Ong chúa cũng được sinh ra từ một cái trứng đã thụ tinh bình thường (giống như ong thợ). Chỉ nhờ được nuôi dưỡng bằng một thứ thức ăn riêng, gọi là "sữa chúa", mà ong chúa dài và nặng gấp 2 lần những con ong khác, có khả năng sinh sản cực lớn, mỗi ngày có thể đẻ tới 2000 trứng và "tuổi thọ" lên tới 6 năm (trong khi những con ong thợ bình thường chỉ sống được từ 30-35 ngày). Từ đó có thể thấy, "sữa chúa" là một chất có tác dụng sinh lý hết sức kỳ lạ.

Trứng để sinh ra ong chúa, cũng là một cái trứng bình thường, nhưng được đặt vào một ngăn sáp riêng, hình thuôn dài, gọi là "mũ chúa". Khi trứng nở thành nhộng, nó sẽ được nuôi dưỡng bằng thức ăn riêng, gọi là "sữa chúa". Có thể hình dung mũ chúa trong thời gian này như một cái phễu nhỏ bằng sáp, trong đó có một con nhộng - ấu trùng của ong chúa tương lai bơi trong một thứ keo đặc sánh màu sữa với ánh xà cừ (sữa chúa).

Tiến sĩ Karl Dreer, Giám đốc Viện nuôi ong Cộng hòa liên bang Đức đã phát hiện: Sữa chúa được làm ra từ những hạch trên đầu của những con ong thợ (vú nuôi). Giống như sữa của động vật có vú, sữa ong chúa được tiết ra bởi những hạch vú.

Tại một số nước như Mỹ, Pháp, Anh, I-ta-lia, ... sữa ong chúa được gọi là "kem của vua". Sữa chúa thô chứa tới 18% protein, 10-17% đường, 5,5% chất béo và hơn 1% các muối vô cơ. Muốn hình dung sữa ong chúa có giá trị dinh dưỡng cao tới mức nào, chỉ cần nhắc lại: Trong sữa bò chỉ có 3,3% protein, 4% chất béo và 4,6% đường. Trong sữa ong chúa thiên nhiên chưa sấy khô còn chứa các vitamin B1, B2, B3, B6, PP, H, D, ... Lượng tiền vitamin D, B3 và PP trong sữa chúa lớn gấp từ 12-16 lần trong phấn hoa. Ngoài ra, còn có một tỷ lệ các chất chưa xác định được.

• Theo Y học hiện đại: Sữa ong chúa chứa rất nhiều loại chất có hoạt tính sinh lý, tác dụng dược lý rất rộng và phức tạp. Hiện tại mới biết được một số tác dụng chính như sau:

    1. Xúc tiến sinh trưởng và chống lão suy: Xúc tiến sự hợp thành các protein, quá trình trao đổi chất, sự tái sinh của các tổ chức bị tổn thương, quá trình tái sinh tế bào (tạo ra những tế bào mới để thay thế những tế bào già).

    2. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể: Nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, sức chịu đựng trong điều kiện áp suất thấp, thiếu ô-xy, nhiệt độ cao, bị nhiễm trùng, trúng độc.

    3. Ảnh hưởng đối với hệ tim mạch: Hạ mỡ máu (làm giảm hàm lượng triglycerin trong huyết tương), tăng sức co bóp của cơ tim, phòng trị các bệnh động mạch vành, điều hòa huyết áp (hạ huyết áp ở người cao huyết áp và nâng huyết áp ở người huyết áp thấp).

    4. Tác dụng đối với hệ miễn dịch: Xúc tiến quá trình sản sinh noãn, rút ngắn thời gian thành thục của noãn bào; tăng trọng lượng túi tinh; tăng trọng lượng tuyến giáp trạng; tăng hàm lượng i-ốt trong huyết tương máu và sự kết hợp protein trong tuyến giáp với i-ốt.

    5. Ảnh hưởng tới quá trình tạo máu: Dùng theo đường uống hoặc tiêm có tác dụng làm tăng đường kính hồng cầu và hemoglobin trong hồng cầu lưới (reticulocyte), tăng hàm lượng sắt trong máu; tiêm sữa ong chúa cho chuột 10 ngày liên tục thấy tăng hồng cầu, tăng hemoglobin và tiểu cầu.

    6. Ảnh hưởng tới đường huyết: Hạ đường huyết.

    7. Chống ung thư: Có tác dụng ức chế đối với các loại tế bào ung thư máu, lim phô hạt ác tính (lymphoma), ung thư vú, ung thư màng bụng thể cổ trướng.

    8. Kháng khuẩn: Ức chế với nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh (Tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn, bacillus proteus; trực khuẩn ruột kết (colibacillus), trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lao, nấm gây bệnh biểu bì).

• Theo Đông y:

    - Sữa ong chúa có vị chua ngọt, tính bình, không độc; vào 3 kinh Can, Thận và Tỳ. Có tác dụng tư bổ cường tráng, ích Can kiện Tỳ. Chủ trị cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già cơ thể suy yếu, viêm gan nhiễm trùng, cao huyết áp, viêm khớp do phong thấp, loét hành tá tràng, hen phế quản, đái tháo đường, bệnh huyết dịch, lao, rối loạn tâm thần, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt không điều hòa, vô sinh, rụng tóc từng mảng, điều dưỡng sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị ung thư.

    - Liều dùng: Uống trong, mỗi ngày nói chung chỉ sử dụng từ 50-200mg, tối đa không quá 400mg. Sữa ong chúa có hàm lượng sinh tố và hoạt chất sinh học cao, nên không nên sử dụng quá liều. Để tiện sử dụng, có thể hòa sữa ong chúa vào mật ong hoặc rượu trắng (theo tỷ lệ nhất định), rồi chia ra uống dần hàng ngày theo liều lượng trên.

    - Kiêng kỵ: Người có cơ địa dị ứng, ỉa chảy, ngoại cảm phát sốt không nên dùng. Phụ nữ mang thai, mắc bệnh u bưới ở cơ quan sinh dục cần sử dụng thận trọng.

    - Bảo quản: Để bảo quản, cần đựng sữa ong chúa trong bình thủy tinh nút kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ thấp.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]