Hỏi đáp

Thảo dược chữa mụn rộp quanh môi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/11/2011 09:56 SA

Hỏi:

Cháu là một bạn đọc thường xuyên của thuocvuonnha.com và rất tâm đắc với chuyên mục "Mỹ phẩm từ thiên nhiên". Nay cháu viết thư này, rất mong các cô chú chỉ cho biết, có thứ thuốc thiên nhiên nào chữa khỏi được bệnh mụn rộp ở trên môi hay không? Vì cháu thường bị mắc bệnh này, hai ba tháng lại tái phát, cháu đã uống và bôi nhiều loại tân dược mà không khỏi.

Lê Thanh Mai, Đà Nẵng

Đáp:

bọ mẩy

"Mụn rộp" trong y học hiện đại gọi là bệnh Herpes, vì bệnh do thứ virus có tên là "Herpes" gây nên.

Bệnh Herpes chia ra 2 loại, tùy theo đặc tính của kháng nguyên. Herpes loại 1 do Herpes virus type 1 gây nên, thường phát ở phần trên cơ thể, như đầu, mặt, môi, ... Herpes loại 2 do Herpes virus type 2 gây nên, thường phát ra ở cơ quan sinh dục, quanh hậu môn, phần dưới cơ thể. Virus Herpes dễ lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc như hôn nhau, sinh hoạt tình dục, qua nước bọt và những dụng cụ có nhiễm trùng.

Loại mụn rộp ở môi như cháu hỏi thuộc loại 1, là một bệnh lành tính, chỉ kéo dài vài ngày và thường không để lại sẹo, nhưng dễ bị tái phát. Mỗi lần bệnh phát, ở môi trên hoặc môi dưới xuất hiện những mụn nước, mọc thành từng chùm, hoặc từng mảng nhỏ, da hơi tất đỏ, ... ảnh hưởng thẩm mỹ.

Mụn rộp có thể là "nguyên phát", nghĩa là xuất hiện trong trường hợp cơ thể không bị mắc các chứng bệnh khác. Nhưng đa số các trường hợp là do "thứ phát" (còn gọi là "tục phát"), nghĩa là do hậu quả của một số bệnh khác. Thông thường, mụn rộp hay xuất hiện sau khi bị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, các bệnh nhiễm trùng có tính nhiệt như viêm gan, ... Mụn rộp còn liên quan tới một số trạng thái bệnh lý, như cơ thể suy yếu, mất ngủ, mệt mỏi, táo bón, tinh thần căng thẳng, ... Ngoài ra, mụn rộp cũng có thể liên quan với những biến đổi có tính chu kỳ của cơ thể, như kinh nguyệt, mang thai, ...

Như vậy có thể thấy, để chữa trị tận gốc căn bệnh này, một mặt cần chữa trị những bệnh liên quan (dẫn đến "thứ phát"). Mặt khác cần giữ gìn vệ sinh, làm việc nghỉ ngơi điều độ để nâng cao sức khỏe toàn thân và sức đề kháng của cơ thể.

Đông y gọi bệnh mụn rộp là "nhiệt sang"; dân gian thường gọi là "bốc hỏa", "thượng hỏa", "xuất hỏa", ... Vì người xưa quan niệm, bệnh viêm nhiễm (cảm sốt, viêm họng, viêm gan, ... ) tuy đã giảm, nhưng nhiệt độc vẫn còn đọng lại trong cơ thể, bị hóa thành hỏa, bốc lên trên đầu, mặt, ... mà sinh ra bệnh, nên có tên như vậy.

Cháu có thể sử dụng thử một số loại thuốc Nam sau đây, để chữa trị tại chỗ hoặc uống trong nhằm giải trừ hỏa độc và nâng cao sức đề kháng của cơ thể:

    (1) Dùng cây bọ mẩy:

        - Cây bọ mẩy mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Cây còn có tên là "bọ mảy", "bọ mẳy", "bọ nẹt", "đại thanh", "đắng cay", "mẩy kỳ cáy", "thanh thảo tâm", "lộ biên thanh", ... tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz.

        - Trong dân gian, thường dùng cây này làm thuốc bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh nở: Dùng cành, lá bánh tẻ 15-20g, sao vàng sắc uống, giúp cho ăn ngon cơm và chóng lại sức. Một vài vùng người ta thường hái lá non về nấu canh ăn.

        - Bôi ngoài: Dùng lá bọ mẩy tươi 30-50g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, giã nát vắt lấy nước cốt, dùng bông đã sát trùng thấm dịch thuốc bôi lên chỗ bị bệnh ngày 3-4 lần.

        - Uống trong: Dùng rễ cây bọ mẩy tươi 30g, rửa sạch, thái lát, nấu nước uống thay trà trong ngày.

        - Phòng cảm mạo (một trong những căn bệnh hay dẫn đến mụn rộp): Mỗi ngày dùng 15g lá bọ mẩy tươi, sắc 2 nước, hợp hai nước lại chia ra uống vào sáng và chiều, liên tục trong 6 ngày.

    (2) Dùng cây chút chít:

        - Cây chút chít mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm thấp, từ miền xuôi đến miềm ngược đều có. Cây còn có tên là "trút trít", "cỏ lưỡi bò", "ngưu thiệt", "dương đề", ...Tên khoa học là Rumex maritimus Hook.

        - Bôi ngoài: Dùng lá chút chít tươi 60g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, giã nát vắt lấy nước cốt, thêm chút băng phiến vào trộn đều (loại băng phiến mua ở cửa hàng thuốc Đông Nam dược, không phải loại thường dùng để chống bọ trong tủ quần áo), dùng bông đã sát trùng thấm dịch thuốc bôi lên chỗ bị bệnh ngày 3-4 lần.

        - Uống trong: Dùng lá chút chít 20-30g tươi (hoặc 10-15g khô), sắc nước uống thay nước trong ngày.

    (3) Dùng cây diếp cá (thứ rau vẫn dùng làm gia vị):

        - Bôi ngoài: Dùng toàn bộ cây diếp cá 100-200g tươi, rửa sạch, thái ngắn, cho vào nồi đất, đổ ngập nước, nấu nhỏ lửa 1,5-2 giờ, lấy 100-200ml nước thuốc đặc, dùng bông đã sát trùng thấm dịch thuốc bôi, hoặc dùng gạc sạch thấm nước thuốc đắp lên chỗ bị bệnh ngày 3-4 lần.

        - Uống trong: Dùng toàn bộ cây diếp cá 50-100g tươi, sắc nước uống thay nước trong ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]