Hỏi đáp

Thảo dược chữa mũi đỏ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/11/2011 05:47 SA

Hỏi:

Tôi là một phụ nữ tuổi trung niên, da thuộc loại nhờn và vốn không được đẹp. Nhưng điều khiến tôi khổ tâm nhất là, khoảng một năm trở lại đây, thỉnh thoảng da mũi bỗng nhiên đỏ tấy lên từng đợt, mấy tháng gần đây trên mũi lại mọc lên rất nhiều mụn trứng cá có mủ. Tôi đã đi khám da liễu, bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh mũi đỏ và kê cho mấy thứ thuốc tân dược bôi ngoài, nhưng tôi đã dùng 3 tháng mà không thấy đỡ. Tôi rất mong được "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết, có thứ thảo dược nào chữa được thứ bệnh này hay không?

Lê Thị Thúy, TP Vinh

Đáp:

bách bộ

"Bệnh mũi đỏ" (mũi trứng cá đỏ - brandy nose) là một bệnh ngoài da mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và nam giới từ độ tuổi trung niên, da nhờn, nghiện rượu, hoặc hay ăn những thức ăn cay nóng.

Biểu hiện điển hình là da mũi đỏ tấy - do các mạch máu nhỏ ở dưới da vùng mũi bị giãn ra, kèm theo những sẩn trứng cá, mụn mủ, rải rác hoặc tập trung thành đám, da thường đồng thời tiết ra nhiều chất nhờn. Ngoài hiện tượng tấy đỏ, có thể kèm theo một số triệu chứng khác như hơi ngứa, teo da, có vẩy dầy do vẩy sừng ăn sâu vào các lỗ chân lông. Trường hợp bệnh nặng, mũi có thể bị biến dạng, phình to (dân gian gọi là "mũi cà chua" hoặc "mũi sư tử").

Bệnh phát triển chậm, thường theo 3 giai đoạn:

    1. Giai đoạn ban đỏ: Ban đầu, mũi chỉ bị đỏ tạm thời (từng đợt), nặng thêm khi gặp phải gió lạnh, tinh thần căng thẳng hoặc ăn nhiều thứ thức ăn kích thích, cay nóng. Lâu ngày, mũi cứ tấy đỏ mãi không lui, mặt da nhờn bóng, có những tia máu đỏ hình dạng như cành cây quấn quanh.

    2. Giai đoạn mọc mụn: Sau giai đoạn ban đỏ, trên da xuất hiện mụn trứng cá, một số biến thành mụn mủ, rải rác hoặc thành đám, tập trung chủ yếu ở đầu mũi. Chỗ da bị bệnh từ màu đỏ chuyển sang màu tím, lỗ chân lông giãn to, những tia máu đỏ hiện lên càng rõ, chằng chịt như mạng nhện. 

    3. Giai đoạn biến dạng: Nếu không chữa trị tốt, lâu ngày mũi nở to, biến dạng, da mũi từ màu đỏ biến thành màu tím, sần sùi, lồi lõm, nên trong dân gian gọi là "mũi sư tử", hoặc "mũi qủa cà chua".

Theo Đông y: Bệnh mũi đỏ ban đầu chủ yếu do "thấp" và "nhiệt" tích tụ ở Phế và Tỳ Vị gây nên; trường hợp bệnh kéo dài, mũi biến dạng, thường là do "khí trệ huyết ứ".

Căn cứ vào những biểu hiện cụ thể, có sử dụng một trong số những bài thuốc sau đây để chữa:

     (1) Bài thuốc 1: Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm

        - Tỳ bà diệp 10g, tang bạch bì 10g, sinh thạch cao 30g (sắc trước), hoàng cầm 12g, đan bì 10g, bạch mao căn 15g, chi tử 10g, ty qua lạc 6g, bồ công anh 10g; sắc nước uống mỗi ngày một thang.

        - Tác dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết thông lạc. Thích hợp với trường hợp bệnh mũi đỏ thuộc dạng "Phế Vị thấp nhiệt", có những biểu hiện: Da mũi tấy đỏ, bóng nhoáng, mụn trứng cá tập trung thành đám, có những tia máu đỏ quấn quanh; kèm theo thích uống lạnh, miệng hôi, mau đói, tiểu tiện vàng sẻn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt.

    (2) Bài thuốc 2: Tứ quân tử thang hợp nhị trần thang gia giảm

        - Đảng sâm 12g, phục linh 12g, bạch truật 10g, sơn dược 12g, bán hạ 6g, trần bì 10g, bạch giới tử 6g, đan sâm 12g, xa tiền tử 10g, bạch hoa xà thiệt thảo 15g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

        - Tác dụng: Kiện tỳ hóa đàm, lợi thấp thanh nhiệt. Thích hợp với trường hợp bệnh mũi đỏ thuộc dạng "đàm thấp ứ đọng ở Tỳ Phế", có những biểu hiện: Trên mũi nhiều mụn mủ, kết thành đám, sưng thũng, đóng vẩy; kèm theo kém ăn, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhớt.

    (3) Bài thuốc 3: Thông khiếu hoạt huyết thang gia giảm

        - Đào nhân 10g, đan bì 10g, xích thược 10g, tang bạch bì 6g, đương quy vĩ 15g, bạch chỉ 6g, xuyên khung 10g, thông bạch 10g, sinh khương 6g, rượu trắng 30ml. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

        - Tác dụng: Hoạt huyết hóa ứ, sơ thông kinh lạc. Thích hợp với trường hợp bệnh mũi đỏ thuộc dạng "khí trệ huyết ứ", có những biểu hiện: Bệnh kéo dài lâu ngày do không điều trị kịp thời, da mũi đỏ thẫm, mũi biến dạng nở to, mặt da sần sùi lồi lõm, dạng như "mũi sư tử", chất lưỡi tối có điểm ứ huyết.

    (4) Thuốc bôi ngoài:

        - Dùng củ bách bộ, rửa sạch, thái ngắn, ngâm trong cồn 95% khoảng 5-7 ngày. Mỗi 100g bách bộ ngâm với 200ml cồn (chế thành cồn thuốc 50%).

        - Mỗi ngày dùng bông thấm rượu thuốc, xát vào chỗ da mũi bị bệnh 2-3 lần, liên tục trong 1 tháng.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

2 Ý kiến bạn đọc
Nguyễn thị tâm (27/11/2016 12:58 SA)

Em muốn mua củ bách bộ ngâm cồn ở đâu .và nhà thuốc có bán không

Em nam (23/06/2016 07:02 SA)

Nội dung.em chao nha thuoc em bi mui do tam muoi nam mui em do bong va chen dau mui do co nhung tia mau.va dat nua.mong nha thuoc tu van cho em voi

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]