Hỏi:
Da tôi thuộc loại da nhờn. Từ mùa hè năm ngoái lại thường có những mụn nước lấm tấm, mọc thành từng mảng, rất ngứa và khó chịu. Tôi đã dùng thử một số tân dược và kem dưỡng da, nhưng không thấy đỡ. Hiện nay ở cổ và một số vị trí khác trên cơ thể, có những mảng da sần sùi, mụn lấm tấm, ... rất ảnh hưởng thẩm mỹ. Đề nghị "Mỹ phầm từ thiên nhiên" chỉ dẫn giúp, có loại cây cỏ nào có thể dùng để làm cho da trở lại bình thường hay không?
Lã Thị Anh Thư, Phố Nối - Hưng Yên
Đáp:
Bạn có thể sử dụng thử lá cây ngải cứu, một loại dược thảo thiên nhiên rất quen thuộc, có sẵn ở khắp nơi. Thông thường, người ta chỉ biết đến tác dụng bổ máu, điều kinh và chữa cảm cúm của cây ngải cứu. Thực ra, từ xưa ngải cứu còn được sử dụng để chữa ngứa và một số bệnh ngoài da. Gần đây, chúng tôi lại có thêm một số tài liệu của Nhật Bản nói về tác dụng dưỡng da và làm đẹp của cây ngải cứu.
Trong ngải cứu có tới 13 loại thành phần dinh dưỡng và tinh dầu, trong số đó có nhiều thành phần dễ dàng được hấp thụ trực tiếp qua da. Dó đó phụ nữ Nhật thường chế từ ngải cứu một loại "Mỹ phẩm thiên nhiên", sử dụng để dưỡng da hàng ngày.
Ngải cứu có tác dụng gì đối với da?
- Trước hết: Trong ngải cứu có một số hoạt chất có tác dụng thúc đẩy sự tuần hoàn của máu, nhờ đó có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp da được nuôi dưỡng tốt hơn và có đủ nước. Ngải cứu còn có tác dụng kích thích lên da non, giúp cho các vết thương chóng liền miệng. Do đó, có thể làm cho da xù xì, đầy những mụn nước nhỏ, mau chóng trở lại bình thường, bằng phẳng như trước. Trong ngải cứu còn có một thành phần có ích đối với việc làm đẹp da, là chất tanin - có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện các mụn nước nhỏ, chữa bệnh chàm (eczema), và một số loại viêm da khác.
- Thứ hai: Ngải cứu còn có tác dụng phân giải các chất mỡ, loại trừ các thứ cặn bẩn trên mặt da, có thể làm sạch da ở những người có da nhờn. Ngải cứu còn có tác dụng giữ độ ẩm, nên cũng có tác dụng bảo vệ tốt đối với cả những người da khô. Do đó, ngải cứu có thể sử dụng cho tất cả các loại da.
Cách chế "nước dưỡng da" từ ngải cứu tuy không phức tạp, nhưng muốn có thứ mỹ phẩm tốt, bạn cần theo đúng một số chỉ dẫn sau đây:
- Trước hết: Chỉ hái ngải cứu ở những nơi sạch sẽ, không hái ngải cứu mọc ở ven đường nơi có nhiều xe cộ qua lại, vì đã bị ô nhiễm xăng dầu; cũng không nên hái ở bên cống rãnh, ... Nếu có điều kiện, có thể tự trồng một vài khóm ngải cứu trong nhà; cây rất dễ trồng, chỉ cần giâm cành, lại có thể mọc ở trong bóng râm. Ngải cứu chứa nhiều hoạt chất nhất vào tháng 6 (Dương lịch), hàng năm nên thu hái ngải cứu vào thời gian này. Có thể cắt cả cây hoặc cành lớn, rửa sạch đất cát, buộc lại từng bó, treo phơi khô trong bóng mát (tránh nắng gắt), khi khô kiệt lá sẽ rụng xuống, gom lại, cho vào túi, cất ở nơi khô ráo, dùng dần đến mùa sau.
- Cách chế: Dùng 25g lá ngải cứu khô nấu với 1 lít nước, đậy kín nồi, đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa thêm 20 phút nữa; sau đó dùng vải sô lọc lấy nước, rót vào lọ sạch đã lau khô, cất vào tủ lạnh để dùng dần. Nếu không có tủ lạnh, hàng ngày chỉ dùng 5g ngải cứu khô, nấu với 200ml nước, dùng hết trong ngày.
- Sử dụng: Để tránh kích thích mạnh đối với da, nước ngải cứu chế theo cách trên, cần pha loãng 2 lần bằng nước sạch (tốt nhất là nước cất, hoặc nước tinh khiết). Buổi tối, sau khi rửa mặt, dùng khăn giấy thấm nước ngải cứu đã pha loãng, đắp lên da mặt và những chỗ da sần sùi, khoảng 4-5 phút khăn tự khô. Sau khi gỡ giấy ra, cũng có thể xoa thêm chút kem dưỡng da, để bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Nếu sợ khăn giấy có tẩm hương liệu gây dị ứng hoặc làm giảm tác dụng, có thể thay thế bằng miếng gạc hoặc vải sô sạch.
Ngoài tác dụng dưỡng da, thứ nước ngải cứu nói trên còn có thể chữa ngứa, chàm và mụn nước. Đối với trẻ nhỏ và những người da dễ dị ứng, cần pha loãng 4-5 lần, để làm giảm bớt sự kích thích.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.