Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Sử dụng đậu đen chữa mặt đỏ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/08/2012 09:23 CH

Hỏi:

Tôi năm nay 52 tuổi, sức khỏe nói chung tốt, nhưng rất hay bị đỏ mặt trong những lúc ra ngoài nắng, chơi thể thao, rửa mặt, ... Tôi nghe nói, đậu đen có thể chữa hồng ban trên mặt. Vậy kính nhờ "Thuốc vườn nhà" nói rõ hơn về việc chế biến và sử dụng như thế nào để có tác dụng trên?

Bạch Lan, Quảng Ninh

Đáp:

đậu đen, hắc đại đậu

Hiện tượng mặt ửng đỏ lúc đi ra ngoài nắng, khi chơi thể thao, lúc rửa mặt, ... như bạn nói, thuộc phạm vi của chứng "Xích diện phong" trong Đông y; "xích" là đỏ, "diện" là mặt, còn "phong" là gió, ở đây chỉ tác nhân gây bệnh, chủ yếu là "phong nhiệt", tức gió nóng, những kích thích có tính nhiệt, tác động vào cơ thể mà gây nên bệnh.

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chứng bệnh "xích diện phong" là do "huyết ứ" (huyết dịch ứ đọng) và "tâm phế âm hư", tức phần âm của hai tạng Tâm và Phế bị hư tổn, không đủ sức cân bằng, kiềm chế dương nhiệt, khiến hỏa nhiệt thượng viêm, bốc lên trên, làm cho mặt đỏ.

Để chữa trị, Đông y thường sử dụng những vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, dưỡng âm, thanh nhiệt. "Xích diện phong" và "hồng ban" là hai chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên đối với chứng bệnh "xích diện phong", mà bạn đang mắc phải, đậu đen có thể có tác dụng nhất định.

Theo Đông y: Đậu đen (hắc đại đậu) có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng hoạt huyết, kiện tỳ, bổ thận, dưỡng âm, lợi thủy, trừ phong, giải độc.

Bạn có thể sử dụng đậu đen theo 2 cách như sau:

    1. Cách thứ nhất: Dùng đậu đen 50-100g, nấu nhừ, thêm vài hạt muối, trộn với đường đỏ cho đủ ngọt, chia ra ăn trong ngày; dùng theo từng đợt (liệu trình) 10-15 ngày .

    2. Cách thứ hai: Dùng đậu đen 30g, hoài sơn (củ mài) 20g, liên nhục (hạt sen) 10g; nấu nhừ, thêm vài hạt muối, trộn với đường đỏ cho đủ ngọt, chia ra ăn trong ngày; dùng theo từng đợt (liệu trình) 10-15 ngày. Cách sử dụng này có tác dụng bổ Thận, dưỡng âm, thanh nhiệt ở hai tạng Tâm và Phế mạnh hơn cách thứ nhất.

Để nâng cao hiệu quả, cùng với món chè nói trên, có thể sử dụng thêm một số loại trà thuốc như sau:

    (1) Nếu có kèm theo một số chứng trạng, mà Đông y gọi là "Tâm nhiệt", như mất ngủ hoặc ngủ hay thức giấc, ngủ mê nhiều, người bồn chồn, trống ngực, ngực bụng cồn cào, mặt đỏ, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo, đầu lưỡi đỏ thẫm, miệng lưỡi lở loét, ... thì hàng ngày dùng lá tre 10g, chi tử (dành dành) 8g, cam thảo 3g; sắc nước uống thay trà trong ngày, để tăng cường tác dụng thanh tâm, tả hỏa.

    (2) Nếu có kèm theo một số chứng trạng, mà Đông y gọi là "Phế âm hư tổn", như họng khô miệng háo, hai gò má ửng đỏ, sốt cơn về chiều, cảm giác nóng ở lòng bàn chân, bàn tay hoặc giữa ngực, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, ... thì hàng ngày dùng rễ sậy 10g, cam thảo 3g; sắc nước uống thay trà trong ngày, để tăng cường tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt ở Phế.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]