Hỏi đáp

Rau sam phòng ngừa tiêu chảy trong mùa hè

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/05/2013 11:50 CH

Hỏi:

Tôi là một độc giả trung thành của Quý báo ngay từ những bài viết đầu tiên. Nay có một vấn đề mong được chuyên mục "Thuốc vườn nhà" tư vấn giúp, đó là: Cứ vào mùa hè, ông xã nhà tôi lại hay bị đau bụng, ỉa chảy. Tôi rất muốn biết, có thể sử dụng cây cỏ quanh nhà để phòng ngừa bệnh này hay không?

Lê Thị Thảo, Hồng Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang

Đáp:

rau sam, cây rau sam

Rau sam

Tiêu chảy là một trong những chứng bệnh thường gặp trong mùa hè. Nguyên nhân thường do thời tiết nóng bức mùa hè khiến chức năng tiêu hóa của cơ thể suy yếu; mặt khác để "giải nhiệt" một số người thường ăn quá nhiều những thức ăn sống lạnh khó tiêu; hoặc ăn phải những thức ăn thiếu vệ sinh, khiến cho cơ thể bị nhiễm khuẩn, dẫn tới viêm ruột, đi lỵ, ... mà gây nên đau bụng, ỉa chảy.

Để phòng ngừa đau bụng ỉa chảy, ngoài việc không nên ăn quá nhiều thức ăn sống lạnh, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, còn có thể sử dụng rau sam - một loại thảo dược mọc hoang dại quanh nhà, có tác dụng phòng ngừa bệnh lỵ và viêm ruột rất tốt.

Theo kinh nghiệm của Đông y: Rau sam có vị chua; tính hàn (lạnh), không độc; vào các kinh Tâm, Can và Đại tràng. Có tác dụng trị huyết lỵ (lỵ ra máu), tiểu tiện đục, tiểu tiện nhỏ giọt khó khăn, trừ giun sán, dùng ngoài trị mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần hóa học của rau sam bao gồm: 1,4% protit; 3% gluxit; 1,3% tro; 85mg% canxi; 5,6mg% P; 1,5mg% sắt; 26mg% vitamin C; 0,32mg% caroten; 0,03mg% vitamin B1; 0,11mg% vitamin B2; 0,7mg% vitamin PP;ngoài ra còn có kali nitrat, kali sunfat và một số loại muối kali khác, ...

Về tác dụng dược lý: Rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi trùng lỵ, vi trùng thương hàn. Dịch chiết rau sam bằng cồn etylic có tác dụng rõ rệt trên trực khuẩn coli, trực trùng lỵ và trực trùng thương hàn. Đối với một số vi trùng gây bệnh ngoài da, nước rau sam cũng có tác dụng ức chế nhất định.

Những năm gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện thấy trong rau sam có nhiều acid béo chưa bão hòa. Những acid đó có khả năng ức chế sự hình thành cholesterol và triglycerin trong huyết thanh máu, làm giảm độ dính của máu và ngăn chặn ngưng tập tiểu cầu, một trong những nguyên nhân tạo thành huyết khối gây ngẽn tắc mạch máu, do đó rau sam có thể sử dụng để phòng trị bệnh lý tim mạch.

Như vậy, kinh nghiêm của Đông y cũng như kết quả nghiên cứu hiện đại đều cho thấy: Có thể sử dụng rau sam để phòng ngừa và chữa trị nhiều loại bệnh tật, trong đó có cả bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa trong mùa nắng nóng.

Cụ thể, để phòng ngừa đau bụng, ỉa chảy, hàng ngày có thể sử dụng rau sam 100-200g, làm rau ăn hoặc nấu cháo ăn.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng rau sam để chữa trị một số bệnh thường gặp khác, theo những phương pháp sau:

    (1) Lỵ trực trùng, viêm ruột, đau bụng, ỉa chảy: Dùng rau  sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 50g; sắc nước uống trong ngày. Nếu đi ngoài ra máu thêm cỏ nhọ nồi 20g, rau má 20g; cùng sắc uống.

    (2) Trừ giun kim: Rau sam tươi 50g; rửa sạch, thêm ít muối giã nát, vắt lấy nước, thêm ít đường vào cho dễ uống; uống liên tục 3-5 ngày.

    (3) Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ: Giã nát rau sam vắt lấy nước, hòa với lòng trắng trứng gà, hấp chín; ăn trong vài ngày, mỗi ngày dùng 100g rau sam tươi.

    (4) Hỗ trợ điều trị lao phổi: Rau sam 400g (chần nước sôi), tỏi 20g bóc vỏ giã nát, thêm muối và dầu vừng trộn thành món rau sống; dùng làm thức ăn hàng ngày. Có tác dụng đối với bệnh ho và lao phổi. Cũng có thể dùng rau sam khô 50g (hoặc 150g tươi), gạo tẻ 200g; nấu cháo ăn hàng ngày.

    (5) Hỗ trợ điều trị ung thư thực quản, dạ dày: Rau sam và hồng táo - mỗi thứ 30g; cho vào nồi đun sôi kỹ, thêm bột gạo hoặc bột ngô, bột mì vào khuấy đều cho khỏi vón cục, đun sôi lại là được, chờ cho bớt nóng, thêm chút mật ong vào trộn đều; ngày ăn 2 lần. Dùng trong thời kỳ bệnh mới phát, giai đoạn hồi phục và phòng ngừa ung thư tái phát.

    (6) Chữa trẻ em chốc đầu: Giã nát rau sam tươi, thêm nước, sắc đặc bôi lên chỗ da bị bệnh. Hoặc đốt thành than, hòa với mỡ lợn, bôi lên chỗ da bị bệnh.

    (7) Chữa  mụn nhọt: Rau sam tươi; giã nhỏ đắp lên mụn nhọt.

    (8) Chữa chân lở loét: Lấy rau sam tươi trộn với giấm; giã nát đắp lên những chỗ bị bệnh.

    (9) Chữa dái ra máu: Lấy rau sam và ngó sen - mỗi thứ 60g; ép lấy nước cốt rồi hòa với nước cơm; chia 2 lần uống trong ngày. Hoặc rau sam, cây mã đề - mỗi thứ 100g; sắc nước uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]