B. Sau Cánh Mạng Tháng Tám
Cách Mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì bọn thực dân Pháp, núp sau quân đội đế quốc Anh-Mỹ vào giải giáp quân đội Nhật ở Đông Dương đã quay trở lại hòng xâm chiếm đất nước ta một lần nữa.
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, theo tiếng gọi của Đảng, của Hồ Chủ Tịch, toàn dân ta từ Bắc chí Nam đứng lên kháng chiến cứu nước. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm chiến đấu anh dũng.
Trong thời gian kháng chiến, nước ta chia làm hai vùng cài răng lược với nhau: Vùng địch tạm chiếm thường bao gồm một số các thành phố đường giao thông quan trọng ở đồng bằng; vùng tự do bao gồm hầu hết miền rừng núi và nông thôn.
Tại vùng tạm chiếm, tình hình khai thác thuốc trở lại như hồi trước Cánh Mạng. Thuốc tây lại nhập của Pháp và nhập thêm của Anh-Mỹ, thuốc Bắc lại nhập của Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) và Nam Triều Tiên. Tây y tiếp tục tìm cách bóp nghẹt Đông y.
Các nhà Đông y ở vùng tạm chiếm cũng lại tìm cách chống lại. Họ họp nhau lại thành lập Hội Y Dược (Đông y) và hoạt động đầu tiên của hội (28-03-1954) là làm một lá đơn gửi lên chính quyền bù nhìn lúc đó yêu cầu bọn chúng hủy bỏ đạo luật "Decoux" năm 1943.
Nhưng rồi chiếng thắng Điện Biên Phủ và tiếp đó là hội nghị Genève đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta, một nửa đất nước được hoàn toàn giải phóng. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nền Y học dân tộc của ta được xây dựng trên phương hướng "kết hợp Đông y và Tây y" và phương châm "tự lực cánh sinh" do Đảng và Hồ Chủ Tịch đề ra ngay từ đầu kháng chiến. Vai trò của Đông y ngày càng được nâng cao, việc khai thác thuốc Nam được mở rộng trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong vùng tự do của thời kỳ kháng chiến.
Trong vùng tự do, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, theo đề nghị của chúng tôi "Viện khảo cứu và chế tạo dược phẩm" đã được thành lập trực thuộc Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tổng tư lệnh để vừa nghiên cứu vừa đào tạo cán bộ vừa sản xuất thuốc bằng những nguyên liệu trong nước. Nhiều vị thuốc trước đây chỉ được dùng trong nhân dân như búp ổi, lá cà độc dược, thường sơn, trần bì, dầu khuynh diệp, .v.v. đã được nghiên cứu để chế thành những dạng thuốc tiện dùng, công hiệu, thay thế cho những vị thuốc trước đây phải nhập của nước ngoài. Có nhiều vị thuốc như mã tiền trước đây người ta cho rằng không có ở núi rừng miền Bắc nước ta, đã được phát hiện và khai thác để chế thuốc dùng trong quân đội và ngoài nhân dân.
Tại vùng giải phong miền Nam, việc khai thác những kinh nghiệm nhân dân được tiến hành dưới hình thức tập hợp các thầy thuốc Đông y, thu thập những bài thuốc kinh nghiệm, rồi phổ biến rộng rãi để nhân dân có thể tự giải quyết lấy bằng những vị thuốc hái quanh nhà, tự điều trị trong khi chờ đợi thầy thuốc.
Ngay trong kháng chiến việc trồng một số cây thuốc trên quy mô tương đối lớn đã được đặt ra để đảm bảo nguồn nguyên liệu đều đặn và chất lượng tốt.
Nói tóm lại, nhờ phương châm tự lực cánh sinh, tận dụng nguyên liệu trong nước cho nên từ Bắc chí Nam, trong những lúc kháng chiến gay go nhất, những thuốc thông thường và các thuốc chữa một số bệnh khó khăn đã được giải quyết bằng những cây thuốc mọc trong nước.
Sau chiến dịch biên giới (1950) việc buôn bán với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa có khả năng được khai thông. Các nước bạn bắt đầu mua một số thuốc Nam ở ta. Để đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu thuốc Nam, nhập thuốc Bắc, trong Sở mậu dịch Trung ương thuộc Bộ Công thương đã có bộ phận theo dõi, tổ chức mua, khai thác sa nhân, hồi quế, thảo quả, .v.v.
Tháng 9 năm 1953, do tình hình xuất thuốc Nam, nhập thuốc Bắc phát triển. Sở mậu dịch Trung ương chính thức thành lập một bộ phận xuất khẩu thuốc Nam, nhập khẩu thuốc Bắc để chỉ đạo việc khai thác và thu mua thuốc Nam ở các tỉnh. Nhưng dù sao trong thời gian nay, công cuộc kháng chiến vẫn là trọng tâm thu hút hoạt động của mỗi người chúng ta cho nên công việc khai thác thuốc Nam tiến bộ rất chậm và chỉ tập trung vào một số ít vị.
Sau khi hòa bình được lập lại, vào cuối năm 1954, trong Bộ Thương nghiệp đã thành lập Tổng Công ty lâm thổ sản với nhiệm vụ khai thác, thu mua các sản phẩm của rừng núi, đồng ruộng trong đó có thuốc Nam để dùng trong nước và xuất khẩu. Một phòng nghiệp vụ trực thuộc Tổng Công ty có nhiệm vụ theo dõi chung tất cả các lâm thổ sản, từ tre, gỗ, nứa, lá đến thuốc Nam.
Đầu năm 1956, vấn để khai thác các vị thuốc đã phát triển đòi hỏi một sự chỉ đạo nghiệp vụ chặt chẽ hơn, nên thành lập phòng Dược liệu thuộc Tổng Công ty để giúp cho sự chỉ đạo được sát hơn.
Hoạt động xuất thuốc Nam, nhập thuốc Bắc ngày một phát triển, thêm vào đó lại có nhiệm vụ tổ chức lại các hiệu thuốc Nam thuốc Bắc tư nhân, cho nên tháng 10 năm 1957 Bộ Thương nghiệp đã thành lập Công ty thuốc Nam thuốc Bắc Trung ương với nhiệm vụ thu mua thuốc Nam nhập thuốc Bắc để phân phối tiêu dùng trong nước.
Cùng với sự thành lập Công ty thuốc Nam thuốc Bắc Trung ương, các tỉnh cũng tổ chức các Công ty thuốc Nam thuốc Bắc địa phương để quản lý, phân phối thuốc Nam, thuốc Bắc trong từng tỉnh và thu mua thuốc Nam trao về cho Trung ương phân phối. Ở một số tỉnh chưa có Công ty thuốc Nam thuốc Bắc thì Ty Lâm nghiệp đảm nhiện việc thu mua thuốc Nam.
Bên cạnh Công ty thuốc Nam thuốc Bắc Trung ương trực thuộc Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương lại thành lập Tổng Công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản, có nhiệm vụ thu mua lâm thổ sản trong nước, trong đó có thuốc Nam để xuất. Tổng Công ty này có chi nhánh ở một số tỉnh.
Từ khi thành lập Công ty thuốc Nam thuốc Bắc trung ương và Tổng Công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản, công tác khai thác thuốc Nam đã được đẩy mạnh thêm một bước, một số vị thuốc mới được phát hiện.
Nhưng việc khai thác còn do những cán bộ chưa được đào tạo một cách chính quy phụ trách nên còn nhiều thiếu sót, chất lượng thuốc Nam thu mua chưa được đảm bảo, ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tăng nguồn xuất khẩu. Các cán bộ trong ngành y tế không có nhiệm vụ theo dõi nên còn ít quan tâm chú ý; chúng tôi đã giúp Công ty thuốc Nam thuốc Bắc đào tạo một số cán bộ dược liệu qua hai lớp học.
Cuối năm 1960, theo đề nghị của chúng tôi, được trên duyệt, Công ty thuốc Nam thước Bắc Trung ương đã được chuyển sang Bộ y tế quản lý. Được trao nhiệm vụ nghiên cứu, các cán bộ chuyên môn về cây thuốc tăng dần, đã góp phần đẩy mạnh công tác khai thác cây thuốc tiến lên một bước. Tuy nhiên, tổ chức khai thác cây thuốc còn chưa được hoàn bị và phải tiếp tục kiện toàn hơn nữa.
Nhưng đó không phải là việc chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Trong phạm vi mục này, chúng tôi chỉ muốn phác họa một số nét về tình hình khai thác cây thuốc và vị thuốc Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám và trong những năm đầu khi hòa bình mới được lập lại, để chúng ta có thể hình dung được một phần nào sự khó khăn trong công tác điều tra, sưu tầm cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.