A. Trước Cách Mạng Tháng Tám
Ở nước ta có 2 ngành Y Dược học, đều được coi là hợp pháp:
1. Ngành Y Dược học khoa học, thường gọi là Tây y hay ngành thuốc Tây.
2. Ngành Y học cổ truyền, thường gọi là Đông y hay thuốc Ta.
Đối với tổ chức ngành Y Dược học khoa học (Tây y) ta thường thấy nói đến nhiều hơn. Ngành này lại chia thành 2 nghề Y và Dược riêng biệt. Một người chỉ có thể làm 1 trong 2 nghề đó, dù rằng tốt nghiệp cả hai.
Số thầy thuốc và dược sĩ không nhiều lắm, thường tập trung tại cac thành phố hay tỉnh lớn. Tại các tỉnh nhỏ thường chỉ có y sĩ và dược sĩ Đông Dương (Y sĩ và dược sĩ Đông Dương: học 2-3 năm chuyên môn sau khi tốt nghiệp trung học cấp 2). Nhiều tỉnh không có cả dược sĩ Đông Dương, mà chỉ có đại lý tân dược - là những người có trình độ tiểu học, học chuyên môn trong vòng 3 tháng rồi thi sát hạch. Họ chỉ được bán một số thuốc nhất định không có chất độc.
Những người bán thuốc ở các hiệu thuốc tây đều từ Pháp vào. Các thầy thuốc và các dược sĩ thường không biết và cũng không chú ý đến tài nguyên, cây thuốc trong nước; họ cho rằng thuốc Nam không khoa học và không tốt bằng thuốc tây.
Điều đó cũng dễ hiểu, nếu chúng ta biết họ đã được đào tạo như thế nào? Trong quá trình học tập, họ chỉ được học về thuốc tây. Trong môn học về cây thuốc, họ cũng chỉ được học về những cây thuốc của Pháp dùng, mà những cây này toàn mọc ở Pháp hay ở các nước châu Âu, một ít mọc ở châu Phi, châu Mỹ hay châu Á. Tên cây thuốc chỉ được học bằng tiếng Pháp và La-tinh, nên cũng không biết trong nhân dân người ta gọi cây thuốc đó như thế nào, nếu cây đó có mọc ở Việt Nam. Những người giảng dạy về cây thuốc lại là người Pháp, nhiều khi chỉ mới sang Việt Nam có ít ngày cho nên không biết ở nước ta có những cây gì, hay nếu có biết thì cũng chỉ đọc qua sách vở cho nên không đưa vào giảng dạy.
Những mẫu cây thuốc và vị thuốc dùng trong giảng dạy có ở trường đại học, đều nhập của Pháp, dán nhãn hiệu các hãng thuốc Pháp và mang tên Pháp. Rất nhiều cây thuốc mọc ở Việt Nam, như thuốc phiện, chè, râu ngô, lựu, mã tiền, ngải cứu, .v.v. họ cũng không mua ở Việt Nam vì họ cho là chưa tốt, chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Do đó có tình trạng những vị thuốc đó xuất sang Pháp để rồi trở lại Việt Nam dưới hình thức đóng gói với tên mới.
Trong phòng thí nhiệm dược liệu của Trường đại học Y Dược Hà Nội do Pháp tổ chức hồi chúng còn tạm chiếm Hà Nội, tất cả các vị thuốc dùng để giảng dạy hay nghiên cứu, dù chỉ ở trong nước hay ngoài nước, đều chỉ có tên La-tinh hay tên Pháp; nếu có người hỏi tại sao không ghi thêm tên Việt Nam thì nhân viên trong phòng thí nghiệm sẽ trả lời vì tên Việt Nam không chính xác nên không ghi.
Sau khi tốt nghiệp và hành nghề, người dược sĩ cũng như người thầy thuốc chỉ quen với những vị thuốc nhập cảng.
Ngay cả những vị thuốc thảo mộc cũng nhập dưới hình thức thuốc cao, thuốc rược hay thuốc bột; các vị thuốc hầu như không bao giờ thấy dưới dạng nguyên liệu, làm cho người ta có cảm tưởng rằng môn học về cây thuốc không còn hứng thú gì nữa. Do đó có một số anh em dược sĩ đã phát biểu rằng môn dược liệu là một môn học "khô khan", "khó khăn", ít người thích giảng và ít người thích học.
Trong Y dược học cổ truyền (Đông y), tình hình còn phức tạp hơn. Ở đây không có sự phân biệt giữa người thầy thuốc và người chế thuốc. Một ông lang có thể vừa khám bệnh, kê đơn, vừa bào chế thuốc vừa bán thuốc cho bệnh nhân. Người hành nghề Đông y không xuất thân ở một trường nào do chính quyền đứng ra tổ chức cả và cũng không phải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Trong chế độ cũ, người ta quan niệm đây là nghề buôn bán tự do. Do đó nếu trong Đông y có những thầy thuốc chân chính và có tài, nhiều kinh nghiệm thì cũng có những người đầu cơ trục lợi lẫn vào.
Những ông lang chân chính thường là những nhà nho thời xưa đi thi không đỗ, hay thi đỗ nhưng không thích ra làm quan ở chế độ cũ, họ tự nghiên cứu sách thuốc viết bằng chữ nho hay chữ nôm của những thầy thuốc từ thời trước (hoặc là thầy thuốc Trung Quốc, hoặc là thầy thuốc Việt Nam), bắt đầu tự chữa cho mình và một số người quanh mình, dần dần nổi tiếng trở thành ông lang chính thức. Có người chỉ chuyên chữa về một loại bệnh như bệnh phụ nữ, bệnh trẻ em, bó gẫy xương, .v.v.
Những ông lang này tiếp tục đào tạo học trò. Học trò thường là những người được ông lang đã chữa khỏi, có khi là những người cùng làng hay ở những nơi lân cận vì tin phục mà đến học. Người học trò theo thầy trong mọi công việc, khi đi hái thuốc giúp thầy, khi thì chế thuốc, có khi theo thầy đi khám bệnh. Có khi được nghe thầy giảng nhưng rất hiếm; thường nặng về tự học trong công tác. Nếu biết đọc chữ nho, họ có thể mua một số sách thuốc về đọc thêm. Do đó ta thấy những ông lang có lý luận, nhưng có người chỉ biết bài thuốc. Lý luận căn bản của Đông y là lý luận về Âm Dương, Hàn nhiệt, Ngũ hành (đã trình bày ở phần đầu của bộ sách này).
Ngoài một số ông lang được đào tạo như trên, còn có một số chỉ biết 1-2 đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, ta vẫn gọi đó là ông lang gia truyền, chuyên sống bằng việc sản xuất, kinh doanh 1-2 đơn thuốc do cha mẹ để lại hay do học lại của một số người nào đó. Những ông lang nói trên thường chỉ quen dùng thuốc Bắc, nghĩa là nhập của Trung Quốc.
Hàng năm chúng ta nhập của Trung Quốc một số khá lớn thuốc sống dưới hình thức rễ, lá, thân, vỏ, quả, hạt, .v.v. và cả thuốc chế sẵn dưới dạng cao, đơn, hoàn, tán như dầu cù là con hổ, dầu quất thần, tam sà đởm trần bì, .v.v. Theo thống kê thuế quan năm 1935, chúng tôi thấy ghi vào mục thuốc Đông y một số lượng thuốc Bắc nhập tới 19 tấn 400kg thuốc sống (lá, thân, rễ, …) và 33 tấn 500kg cao đơn hoàn tán.
Điều đáng chú ý trước kia ngành Đông y của ta phải nhập cả những vị thuốc mà bản thân Trung Quốc cũng phải nhập của các nước khác. Ví dụ như phan tả diệp, a ngùy, lô hội, một dược, .v.v. Nguyên nhân do các thầy lang của ta chỉ biết tên Trung Quốc vị thuốc và họ cũng chẳng đi sâu tìm hiểu nguồn gốc địa lý của những vị thuốc mà họ sử dụng.
Mặt khác do thiếu sự hiểu biết giữa hai ngành Đông và Tây y, cho nên nhiều khi cả hai ngành đều dùng một vị thuốc, ví dụ như của vị phan tả diệp, thì Đông y nhập của Trung Quốc, còn Tây y dùng dưới tên "Sê-nô" và nhập của Pháp, trong khi cả Trung Quốc và Pháp đều nhập của Ấn Độ hay của Ai Cập để rồi đứng trung gian bán sang Việt Nam. Ta có thể kể rất nhiều ví dụ tương tự.
Lại có tình trạng cùng một vị thuốc, nhưng ở tỉnh này thì ta xuất sang Trung Quốc với một tên này, ở tỉnh khác ta lại nhập với tên khá và mang danh thuốc Bắc. Ví dụ Lào Cai xuất củ gấu tàu và hoàng liên, thì Hải Phòng lại nhập cùng những vị đó với tên ô đầu và hoàng liên bắc, .v.v.
Nếu chỉ nhìn ở thành phố hay ở các thị trấn, ta có cảm tưởng Đông y chỉ chuyên dùng thuốc Bắc. Nhưng thực tế ngay ở giữa thủ đô Hà Nội, vẫn có người chuyên dùng thuốc Nam và bán các thức thuốc Nam. Đó là những bà hàng lá thường ngồi ở đầu đường, góc chợ.
Trên gánh hàng của các bà ngoài những vị thuốc Nam tươi hay khô, ta còn thấy bán kèm những vị như bồ kết, mớ hương bài, người ta mua về để nấu nước gội dầu; đến ngày tết thì có thêm nắm lá mùi người ta mua về để nấu nước tắm cho thêm thơm trong mấy ngày đầu Xuân. Chỉ tiếc rằng ít người chú ý tôn trọng kinh nghiệm của các bà. Ngay cả Đông y cũng không kể các bà vào hàng ngũ Đông y, mà các bà cũng chỉ tự coi như những người hàng rau, không hề thấy cần thiết phải đấu tranh, các bà chịu sống vất vưởng qua ngày, với gánh là do tự tay các bà hái lấy ở quanh nhà hay những bãi hoang ở vùng ngoại ô Hà Nội, có khi mua lại những người ở các tỉnh khác đưa về.
Tại miền núi, những nơi xa làng mạc, người ta hầu như không biết đến thuốc Tây hay thuốc Bắc. Khi có bệnh, những ông mo bà mế thường hái những vị thuốc trong rừng về chữa bệnh; mà người ta vẫn gọi là thuốc mán hay thuốc mường. Thực tế đó là thuốc Nam, nhưng không mấy ai tìm cách làm thế nào để người ta giới thiệu những bài thuốc kinh nghiệm quý báu đó được.
Cũng trên miền núi và những vùng nông thôn hẻo lánh, trước đây thường thấy một số người bán thuốc ê, vai gánh hai sọt thuốc nay đây mai đó, họ vừa bán thuốc vừa tìm những nơi nào có nhiều nguyên liệu làm thuốc thì đỗ lại, khai thác cho hết, rồi đem thuốc chế được ra tỉnh bán. Những người này sống một cuộc đời lặng lẽ, không mấy ai chú ý đến.
Dưới thời thuộc Pháp, có một sự cạnh tranh chia rẽ sâu sắc giữa Đông y và Tây y. Tây y được sự ủng hộ và nâng đỡ của chính quyền thực dân phong kiến; còn Đông y bị coi là không khoa học, bị khinh thường nhưng Đông y lại được đa số nhân dân tin dùng. Theo thống kế của chính quyền thực dân để lại, các năm 1930-1935, hơn 90% nhân dân vẫn tin dùng thuốc Đông y cho nên mặc dù bọn thực dân phong kiến tìm mọi cách tiêu diệt nhưng Đông y vẫn tồn tại trong nhân dân.
Tháng 7 năm 1943, bọn thực dân phong kiến Pháp định bóp chết ngành Đông y bằng đạo luật, mệnh danh là "đạo luật Decoux" cấm việc dùng một số thuốc đầu vị vì có chất độc. Đạo luật này đã gây một sự căm phẫn trong giới Đông y và họ đã tìm mọi cách để chống lại.
Nhưng Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ chấm dứt thời kỳ đen tối đó của thực dân phong kiến, đồng thời mở ra một kỳ nguyên mới cho nền Y học dân tộc Việt Nam, trước hết là cho ngành Đông y.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.