Trong mục trên, chúng ta đã thấy trước khi hòa bình lập lại ở Việt Nam vào năm 1954, thuốc men dùng trong vùng tạm chiếm hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. Thuốc tây hoàn toàn nhập của các nước phương Tây; thuốc Đông y thì chủ yếu cũng là thuốc nhập của Trung Quốc. Việc khai thác cây thuốc ở vùng tự do chỉ mới bắt đầu và đóng khung trong việc khai thác một số vị để chế một số thuốc cấp thiết trong kháng chiến. Tổ chức khai thác thuốc Nam để xuất khẩu chỉ mới được xây dựng. Chúng ta chưa có thời gian để tìm hiểu nước ta có những tài nguyên phong phú như thế nào về mặt thuốc men thảo mộc và động vật.
Muốn khai thác và sử dụng hợp lý những cây thuốc và vị thuốc trong nước, trước hết chúng ta cần nắm vững ở trong nước ta có những cây thuốc và vị thuốc nào? Có nhiều hay ít? Việc sử dụng những cây thuốc và vị thuốc ở trong nhân dân như thế nào? Tại các nước nước khác trên thế giới, những vị đó có được sử dụng không? Đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học chưa? Nghiên cứu tới đâu? Nếu đã nghiên cứu rồi, thì nên vận dụng những kết quả nghiên cứu đó vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay như thế nào? Nếu chưa được nghiên cứu thì ta nên làm gì để có thể trong một thời gian ngắn nhất sử dụng được nguồn tài nguyên phong phú đó trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân ta mà vẫn bảo đảm cơ sở khoa học cần thiết.
Muốn trả lời được những câu hỏi trên, nhất thiết chúng ta phải tiến hành điều tra, thống kê các vị thuốc thực có ở Việt Nam. Đây là một nhu cầu trước mắt, đồng thời là một yêu cầu để chuẩn bị tốt cho công việc phát triển công tác khai thác và nghiên cứu cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam sau này. Công tác này đòi hỏi nhiều cán bộ, tổ chức tốn kém, mất nhiều thời gian mới hy vọng đem lại kết quả, nhưng chúng ta đang ở thời kỳ phục hồi kinh tế, có rất nhiều việc cấp thiết phải làm, không thể dành cho công tác này nhiều người, nhiều tiền được.
Thời kỳ mới hòa bình, còn có một số người cho rằng chúng ta không cần phải làm việc điều tra này là vì trước đây Pháp cũng đã làm rồi, và đã xuất bản một số tài liệu về cây thuốc ở Đông Dương, ta có thể tìm mà sử dụng.
Chúng ta phải nhận rằng, hồi thuộc Pháp, có một số tác giả người Pháp đã có những có gắng để tìm hiểu những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam và đã biên soạn thành tài liệu để lại.
Trong những tài liệu viết một cách tương đối có hệ thống, chúng tôi thấy có hai bộ:
1. Bộ thức nhất mang tên "Dược liệu học và dược điển Trung Việt" (Matière médicale et pharmacopée sinoannamite) của hai tác giả E. M. Perrot và Paul Hurrier xuất bản tại Pari năm 1907. Trong bộ sách này các tác giả chia thành hai phần lớn, phần thứ nhất có một số nhận xét chung về nền y học Á Đông, việc hành nghề y ở Việt Nam và Trung Quốc; phần thứ hai kê danh mục những vị thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật dùng trong y học Trung Quốc và Việt Nam. Tài liệu có tính chất toàn diện; đáng tiếc là các tác giả chỉ dựa vào những mẫu dược liệu do Trung Quốc và Việt Nam gửi sang Pháp trong các dịp triển lãm hội chợ, chứ chưa có tác giả nào có dịp đặt chân lên Việt Nam hay Trung Quốc. Vả lại, bộ sách xuất bản đã lâu nên so với sự tiến bộ của khoa học hiện đại nay thì có nhiều thiếu sót, cần phải được sửa lại và bổ sung thêm. Nội dung giới thiệu từng vị thuốc còn quá sơ lược so với sự đòi hỏi của chúng ta hiện nay.
2. Bộ sách thứ hai mang tên "Danh mục những sản phẩm ở Đông Dương" - Phần cây thuốc (Catalogue des produits de l’ Indochine-Produits médicinaux) do hai tác giả Ch. Crévost và A. Pételot biên soạn thành hai tập, tập I in năm 1928, tập II năm 1935. Bộ sách này chỉ đóng khung trong việc thống kê những vị thuốc nguồn gốc thảo mộc dùng trong Y học nhân dân ở ba nước Việt, Lào và Cămphuchia. Tập II in xong được ít lâu, tác giả đang chuẩn bị tập III thì một trong hai tác giả bị chết và cuộc chiến trong thế giới lần thứ hai nổ tra nên không in được. Đến năm 1952, A. Pételot có sửa chữa lại, bổ sung thêm, đặt cho bộ sách một cái tên mới là "Những cây thuốc của Cămphuchia, Lào và Việt Nam" (Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam) và cho in thành 4 tập, tập I (1952), tập II (1953), tập III (1954), tập IV cũng in năm 1954 dành riêng cho các loại mục lục và bảng tra cứu.
Trong bộ sách này tác giả thống kê chừng 1482 vị thuốc thảo mộc ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Cămphuchia, so với bộ cũ của hai tác giả chỉ có chừng 1340 vị.
Chúng ta phải nhận rằng tuy chưa hoàn toàn nhưng bộ sách được biên soạn rất công phu và giúp ích nhiều cho những người muốn nghiên cứu về cây thuốc của cả ba nước Việt Nam, Lào, Cămphuchia.
Nhưng vì những lý do sau đây chúng ta chưa thấy đầy đủ:
Trong bộ sách thiếu hẳn những vị thuốc nguồn gốc động vật và khoáng vật được dùng phổ biến trong y học nhân dân. Ngoài ra chúng ta không phải chỉ cần một danh mục đơn thuần để tra cứu, mà còn cần biết, cần được nhìn tận mắt xem những vị thuốc đó thực tế mọc ở đâu? Hình dạng nó như thế nào? Sử dụng và khai thác ra sao?
Đó là chưa nói đến chuyện có nhiều vị thuốc và cây thuốc quan trọng mà không thấy nói tới trong bộ sách, và chưa nói tới việc tên Việt Nam ghi chép không đúng cũng gây khó khăn cho phát hiện, nhiều vị lại chưa được khai thác tại những địa điểm ghi trong tài liệu cho nên rất khó tìm lại.
Chỉ kể một vài ví dụ: Trong bộ sách của A. Pételot không thấy nói đến những cây ba gạc Rauwolfia, một vị thuốc chữa cao huyết áp có giá trị trên thế giới hiện nay. Trong bộ Thực vật chí Đông Dương của H. Lecomte có nói đến một số cây Rauwolfia và nói là ở miền Bắc chưa ai biết cây đó như thế nào? Mọc ở đâu? Nhiều nước có hỏi mua của ta, chúng tôi đã chú ý tìm nhiều năm ròng nhưng không thấy. Mãi tới tháng 8 năm 1959, chúng tôi mới phát hiện được một số cây đầu tiên ở Sapa (Lào Cai) thuộc loài Rauwolfia verticillata; sau đó phát hiện thêm được ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và những địa điểm không thấy nói ở trong các tài liệu cũ.
Trong các tài liệu cũ không thấy nói đến vị mã tiền (Strychosnux-vomica) hay một loài mã tiền nào khác được khai thác ở miền Bắc. Trong kháng chiến, vị mã tiền tiêu thụ ở miền Bắc đều mua từ miền Nam ra, vì người ta cho rằng ở miền Bắc không có. Nhưng tình cờ ngay trong kháng chiến (1948) trong khi chúng tôi đi tìm một cây khác thì lại được nhân dân giới thiệu có cây mã tiền ở những tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Phú Thọ. Ngay từ hồi đó mã tiền đã được chúng tôi khai thác để chế strycnin và hiện nay được khai thác để xuất khẩu.
Những loài Strophanthus được giới thiệu trong các tài liệu cũ là cây thuốc bán, và cây vòi voi và nói là có mọc nhiều nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, nhưng suốt từ những năm 1956, 1957 đến 1960 mặc dầu chúng tôi đã tìm mọi cách phát hiện (tự đi tìm, vẽ hình cây để giới thiệu, nhờ mọi người cùng tìm, điều tra những vị thuốc dùng tẩm tên độc trong tài liệu đã ghi) đều không thấy. Phải chờ đến cuối năm 1960, một đồng chí ở Bộ môn thực vật của Trường đại học Tổng hợp mới tìm thấy ở vùng Chi nê (Ninh Bình) do đi vào đúng thời kỳ cây đang ra hoa, nên dễ nhận, sau đó chúng ta đã phát hiện thấy ở nhiều nơi khác như Hòa Bình, Hà Tây, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là những địa điểm không thấy ghi trong các tài liệu cũ.
Cây thuốc giun Mallotus philippinensis cũng được ghi trong tài liệu cũ là có khắp mọi nơi, nhưng mặc dầu hết sức tìm kiếm chúng tôi cũng không thấy. Cây mẫu trồng ở trường đã 18 năm không có hoa không có quả. Mãi đến tháng 4 năm 1962 chúng tôi mới thấy cây đó mọc ở khắp nơi như nói trong tài liệu. Chúng tôi có thể có rất nhiều thí dụ khác nữa.
Trong tài liệu cũ để lại thường chỉ chú ý đến danh mục, ít chú ý giới thiệu những công trình nghiên cứu về hóa học và dược lý, để giúp cho việc lựa chọn sử dụng hay nghiên cứu sau này. Cách điều chế vị thuốc trong nhân dân cũng không thấy đề cập tới, mà trong thực tế chúng ta thấy cách bào chế trong Đông y nhiều khi thay đổi hoàn toàn tác dụng của vị thuốc.
Ví dụ, vị thảo quyết minh nếu để sống chỉ có tác dụng tẩy và nhuận tràng, nhưng nếu sao như nhiều người vẫn làm thì hoàn toàn không có tác dụng tẩy nữa mà chỉ thấy có mùi thơm như cà phê. Cùng là rễ của một cây nhưng để nguyên phơi khô thì là vị ô đầu rất độc, nhưng nếu chế nhiều lần theo những phương pháp đặc biệt trong nhân dân thì lại được vị phụ tử gần như không độc.
Ta có thể kể nhiều ví dụ khác nữa để thấy rằng không thể bỏ qua được việc giới thiệu những cách dùng đặc biệt của vị thuốc trong nhân dân, không thể đem những quan niệm của Tây y đơn thuần mà hiểu những vị thuốc Đông y, và trong tài liệu điều tra không thể điều tra cách bào chế vị thuốc trong nhân dân. Những tài liệu cũ còn ít chú ý giới thiệu rõ hơn nhưng lầm lẫn do cách dùng một tên để chỉ nhiều vị thuốc nguồn gốc khác hẳn nhau hay dùng nhiều tên rất khác nhau để chỉ cùng một vị thuốc.
Ví dụ: tên cam thảo được dùng để chỉ 3-4 cây nguồn gốc thực vật khác hẳn nhau; tên "nhân sâm" hay tên "sâm" thường dùng để chỉ ít nhất hơn 10 cây khác nhau, nếu không chú ý thì dễ dùng nhầm, và do đó có thể đánh giá không đúng tác dụng của vị thuốc.
Ngoài những tài liệu giới thiệu theo Tây y hay khoa học hiện đại kể trên, còn có nhiều tài liệu giới thiệu vị thuốc và cây thuốc theo tính chất Đông y hoặc bằng tiếng Việt hoặc bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Nhưng trong những tài liệu này, hoàn toàn không có tên khoa học để giúp cho ta tìm tài liệu nghiên cứu mới; tính chất tác dụng lại giới thiệu trên cơ sở lý luận cổ, Âm Dương, Hàn nhiệt, nên nhiều người không hiểu, cách bào chế lại tùy tiện, gây nên một tình trạng hỗn loạn làm nản lòng người muốn tìm hiểu nền Y học cổ truyền.
Những lý do trên đã bắt buộc chúng tôi phải tiến hành một công tác điều tra thống kê mới về cây thuốc và vị thuốc Việt Nam để làm cơ sở cho mọi công tác khai thác và sử dụng nguồn dược liệu phong phú của nước ta theo khoa học hiện đại. Trong bộ sách, chúng tôi chỉ đề cập đến những vị thuốc chúng tôi đã có dịp kiểm tra.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.