Giải mã Đông y

Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 4): Ích Hỏa bổ Thổ - Chữa ngũ canh tiết tả, đàm ẩm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/08/2013 10:36 CH

>> Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 1): Bổ Thổ sinh Kim - Bổ Tỳ ích Phế

>> Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 2): Kim Thủy tương sinh - Phế Thận đồng trị

>> Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 3): Tả Hỏa bổ Thủy - Chữa mất ngủ nghiêm trọng

ngũ hành tương sinh, ngũ hành tương khắc

1. Đau bụng ỉa chảy lúc tảng sáng:

    Chứng đau bụng ỉa chảy lúc sáng sớm, Đông y gọi là "ngũ canh tiết tả", "kê minh tiết" hoặc là "thận tiết".

    Biểu hiện chủ yếu của chứng bệnh là: Hàng ngày cứ tang tảng sáng là đau bụng, sôi bụng và ỉa chảy. Đại tiện xong là bụng hết đau, lại như bình thường.

    Vì sao chứng bệnh có tên "ngũ canh tiết tả"? "Ngũ canh" là canh năm, tức lúc trời tang tảng sáng, theo cách chia thời gian trong một ngày đêm ở phương Đông thời xưa, "tiết tả" nghĩa là ỉa chảy. Như vậy, "ngũ canh tiết tả" là tình trạng ỉa chảy vào lúc canh năm. Tảng sáng mỗi ngày, cũng là lúc gà thức giấc và cất tiếng gáy, nên sôi bụng ỉa chảy vào lúc này còn có tên là "kê minh tiết" ("kê" = gà; "minh" = kêu, gáy; "tiết" = tiết tả).

    Hai cách gọi tên nói trên là căn cứ thời gian phát bệnh, còn "thận tiết" là gọi tên theo nguyên nhân bệnh. Người xưa cho rằng, trong một ngày đêm, canh năm là thời gian "Âm hàn" đang tương đối thịnh, mà "Dương khí" trong cơ thể bắt đầu thức tỉnh, vẫn còn yếu ớt, do đó những người bị mắc chứng "Tỳ Thận Dương hư", thường sôi bụng ỉa chảy vào thời điểm này. Gọi là "thận tiết" vì nguyên gây bệnh chủ yếu là do tạng Thận hư tổn, không đủ sức ôn dưỡng Tỳ Vị, mà sinh ra ỉa chảy vào lúc tảng sáng.

    Trong cơ thể người, tạng "Thận" chủ "Dương khí" toàn thân, là nguồn động lực của các hoạt động sinh mệnh (hoạt động sinh lý), có tác dụng "ôn dưỡng" (nuôi dưỡng và sưởi ấm) ngũ tạng lục phủ. Tạng "Tỳ" chủ "vận hóa" thủy cốc và thủy thấp. Vận hóa thủy cốc là tiêu hóa đồ ăn uống, vận chuyển và phân bố các chất dinh dưỡng. Đồ ăn thức uống vào phủ "Vị" (dạ dày), Vị cùng Tỳ tiến hành tiêu hóa, sau khi hấp thụ các chất tinh vi từ thủy cốc (chất dinh dưỡng), sẽ được Tỳ đưa đi khắp cơ thể, để nuôi dưỡng các tổ chức, khí quan toàn thân. Còn vận hóa thủy thấp là xúc tiến chuyển vận và bài tiết thủy dịch, để duy trì thăng bằng sự trao đổi thủy dịch toàn thân.

    "Thận dương" tức "Mệnh môn Hỏa", còn gọi là "Nguyên dương", do đó chứng "Thận dương hư", còn gọi là "Mệnh môn Hỏa hư", hoặc "Chân nguyên hạ hư". Dương khí không đầy đủ, là thể hiện của tình trạng "Mệnh môn Hỏa suy". Chứng trạng biểu hiện chủ yếu là sợ lạnh, cột sống lạnh, tinh thần uể oải, lưng gối đau mỏi, hoạt tinh, dương nuy (liệt dương), tiểu đêm nhiều lần, tảng sáng đau bụng ỉa chảy hoặc phù thũng, mạch trầm trì.

    Theo thuyết tạng tượng của Đông y, chức năng hấp thu, vận hóa thủy cốc của Tỳ Vị phải dựa vào tác dụng sưởi ấm (nguồn năng lượng) của thận. Có thể so sánh quá trình hấp thụ và chuyển hóa thức ăn với việc nấu nướng, Tỳ Vị có vai trò giống như nồi cơm (hoặc thức ăn), còn mệnh môn Hỏa giống như củi lửa ở phía dưới nồi. Thức ăn từ miệng vào dạ dày, muốn tiêu hóa, hấp thụ và vận chuyển đi nuôi cơ thể, cần có đủ năng lượng, cũng như củi lửa phải đầy đủ, thì gạo nước (hoặc thức ăn) trong nồi mới có thể chín. Nếu như mệnh môn Hỏa suy tổn, không đủ sức để ôn dưỡng Tỳ Vị, thì "Tỳ thất kiện vận" - chức năng vận hóa của Tỳ Vị sẽ bị rối loạn, giống như củi lửa ở dưới nồi không đủ, cơm (hoặc thức ăn) trong nồi sẽ không thể chín.

    Đông y gọi tình trạng bệnh lý như vậy là "Tỳ thất kiện vận" do "Tỳ Thận Dương hư". Sôi bụng, đau bụng ỉa chảy lúc sáng sớm là biểu hiện điển hình của tình trạng bệnh lý này. Tỳ Thận Dương hư, còn có những biểu hiện như sợ lạnh, người uể oải, chân tay không ấm, ăn uống giảm sút, tiêu hóa kém, đại tiện lỏng, phù nề, ...

2. Ích Hỏa bổ Thổ - Thêm củi dưới đáy nồi:

    Đối với chứng bệnh đau bụng ỉa chảy lúc sáng sớm, Đông y thường dùng lý luận Ngũ hành để phân tích.

    Theo quy luật "Ngũ hành tương sinh": "Hỏa sinh Thổ", Thận dương (mệnh môn Hỏa) thuộc Hỏa, Tỳ Vị thuộc Thổ, nên Thận dương - Mệnh môn Hỏa có thể sinh - hỗ trợ chức năng vận hóa của Tỳ Vị. Do đó, để kiện toàn chức năng của Tỳ Vị, chữa trị chứng "Tỳ thất kiện vận" do "Tỳ Thận Dương hư", Đông y thường sử dụng phương pháp "Ích Hỏa bổ Thổ". Tương tự như thêm củi vào dưới đáy nồi, để bếp lửa có đủ độ nóng.

    Đối với chứng ỉa chảy lúc sáng sớm, Đông y thường dùng  phép "Ích Hỏa bổ Thổ” để chữa, bài thuốc tiêu biểu thường sử dụng là "Tứ thần hoàn". Phương pháp "Ích Hỏa bổ Thổ" không chỉ sử dụng để chữa trị chứng ngũ canh tiết tả, mà còn có thể sử dụng đối với các chứng bệnh đường ruột khác, với những biểu hiện thuộc hội chứng "Tỳ Thận Dương hư".

    Như trên đã nói, ngoài chức năng "vận hóa thủy cốc", tạng Tỳ còn đảm nhiệm chức năng "vận hóa thủy thấp". Do đó, "Tỳ thất kiện vận" còn có thể dẫn tới các chứng bệnh liên quan thể dịch, mà Đông y gọi là "Đàm ẩm" (còn gọi là "đờm ẩm"), với những biểu hiện chủ yếu như ngực sườn đầy tức, vùng bụng có tiếng óc ách, nôn mửa nước dãi trong, chóng mặt, nhất là khi vừa đứng dậy, trống ngực, hồi hộp, đoản hơi, thân thể gầy mòn, lạnh sống lưng, mạch huyền hoạt hoặc trầm khẩn. Đó cũng là những biểu hiện "Tỳ thất kiện vận" do "Tỳ Thận Dương hư". Chức năng vận hóa thủy thấp của Tỳ bị trục trặc, khiến thủy ẩm tràn ra ở vị tràng mà sinh ra bệnh (tương tự loại thắt hẹp môn vị do tích nước trong dạ dày). Để chữa trị, cũng thường dùng phương pháp "Ích Hỏa bổ Thổ", bài thuốc thường dùng trong trường hợp này là "Linh quế truật cam thang".

    Kết quả điều trị bệnh tật trên thực tế suốt nhiều thế kỷ qua cho thấy, phạm vi ứng dụng của nguyên tắc "Ích Hỏa bổ Thổ" không chỉ giới hạn trong một số trường hợp đã nói ở trên. Tuy nhiên từ đó cũng có thể dễ dàng nhận thức được ý nghĩa khoa học và giá trị lâm sàng của nguyên tắc "Ích Hỏa bổ Thổ".

3. Bài thuốc thường dùng:

    (1) Tứ thần hoàn:

        - Thành phần: Bổ cốt chi 120g, ngũ vị tử 60g, nhục đậu khấu 60g, ngô thù du 30g.

        - Cách dùng: Bốn vị thuốc tán thành bột mịn, trộn với nước sắc sinh khương (gừng tươi), làm thuốc viên. Nếu dùng dưới dạng thuốc thang, có thể giảm liều lượng (theo tỷ lệ các vị thuốc), thêm gừng nướng 4-5g, sắc nước uống.

        - Công dụng: Ôn bổ Tỳ Thận, chữa ỉa chảy lúc tảng sáng, ỉa chảy lâu ngày.

        - Phân tích: Đau bụng ỉa chảy lúc sáng sớm, tuy vị trí bệnh ở Tỳ, nhưng gốc bệnh ở Thận, nên khi chữa trị cần tập trung vào Thận. Nên bài thuốc dùng bổ cốt chi, có tác dụng ôn bổ Thận dương, làm chủ dược. Phối hợp với ngô thù du để ôn trung tán hàn. Dùng nhục đậu khấu và ngũ vị tử để sáp tràng cố thoát. Nhờ tác dụng hiệp đồng của các vị thuốc, nên bài thuốc có tác dụng chữa ỉa chảy lâu ngày, nhất là ỉa chảy lúc sáng sớm, hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, đối với trường hợp ỉa chảy không phải do "Tỳ Thận Dương hư", mà do thực tà, như nhiễm khuẩn, viêm loét, ... không được sử dụng bài thuốc này.

    (2) Linh quế truật cam thang:

        - Thành phần: Phục linh 12g, quế chi 9g, bạch truật 6g, cam thảo (nướng) 6g.

        - Cách dùng: Sắc với 1200ml nước, nấu còn 600ml, chắt lấy nước, bỏ bã, chia 3 lần uống trong ngày, uống ấm.

        - Công dụng: Kiện Tỳ thẩm thấp, ôn hóa đàm ẩm.

        - Phân tích: Linh quế truật cam thang là bài thuốc trọng yếu để ôn hóa đàm ẩm ở trung tiêu. Bài thuốc sử dụng chủ dược là phục linh, có tác dụng giúp Tỳ kiện vận, thẩm thấp lợi thủy. Phối hợp với quế chi có tác dụng ôn thông Dương khí, hỗ trợ Tỳ vận hóa thủy thấp. Bạch truật có tác dụng kiện Tỳ táo thấp. Lại dùng cam thảo nướng có tác dụng kiện Tỳ ích khí, giúp khôi phục chức năng kiện vận của Tỳ, đồng thời có tác dụng điều hòa chư dược.

        Bài thuốc có ứng dụng lâm sàng tương đối rộng. Có thể sử dụng chữa trị nhiều chứng bệnh do "Dương khí bất túc", "Tỳ thất kiện vận", "Đàm ẩm nội đình" gây nên, như chóng mặt do rối loạn tiền đình, chóng mặt do tăng huyết áp, chóng mặt do di chứng chấn thương sọ não, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, thủy thũng do suy tim và viêm thận. Tuy nhiên, "Linh quế truật cam thang" là bài thuốc có tính ấm, nên với những trường hợp có nhiệt tà và những người Âm hư, không nên sử dụng. Đối với các chứng chóng mặt, phù thũng do "Can Thận bất túc", cũng như hen suyễn do phong hàn, đàm nhiệt và phế hư gây nên, cũng không thích hợp.


Lương y HUYÊN THẢO

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]