>> Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 1): Bổ Thổ sinh Kim - Bổ Tỳ ích Phế
>> Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 2): Kim Thủy tương sinh - Phế Thận đồng trị
1. Mất ngủ nghiêm trọng & Tâm thận bất giao:
Giấc ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời. Đó là một một tỷ lệ rất lớn, chứng tỏ giấc ngủ có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Từ xưa, Đông y đã nhận thức được vai trò quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe và bệnh tật, cho nên đã sớm chú ý đến những vấn đề liên quan đến giấc ngủ, đồng thời tìm ra nhiều biện pháp, phương thuốc chữa trị hữu hiệu các chứng bệnh liên quan đến rối loạn giấc ngủ.
Mất ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất. Trong Đông y gọi là "Thất miên", còn gọi là "Bất mị", "Bất đắc ngọa", ...
Thất miên (mất ngủ) thường biểu hiện bởi 3 hình thức: Thứ nhất là khó ngủ, ban đêm khi đi ngủ cứ trằn trọc không sao ngủ được. Thứ hai là ngủ không ổn định, giấc ngủ không sâu, ngủ mê nhiều và hay tỉnh giấc, đã tỉnh giấc rất khó ngủ lại. Thứ ba là tỉnh dậy quá sớm, ngủ chưa đủ giấc đã tỉnh dậy.
Quan niệm của Tây y và Đông y về chứng bệnh mất ngủ không hoàn toàn giống nhau. Tây y nói chung thường coi mất ngủ là biểu hiện của bệnh lý thần kinh suy nhược. Còn Đông y thì cho rằng, mất ngủ không chỉ đơn thuần là tín hiệu về tình trạng hư tổn, vì giấc ngủ là một quá trình chỉnh thể, gắn liền với hoạt động sinh lý của toàn bộ cơ thể, mọi rối loạn hay mất cân bằng (bao gồm cả sự suy yếu của thần kinh) đều có thể dẫn tới mất ngủ.
Thất miên (mất ngủ) có rất nhiều hình trạng và có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Nhưng nói chung đều liên quan đến chức năng của các tạng Tâm, Thận, Can, Tỳ và tình trạng "Âm huyết bất túc" (âm huyết không đầy đủ), trong đó chủ yếu là hai tạng Tâm, Thận.
Đông y cho rằng: Tâm là chủ tể của sinh mạng và "tàng thần", nghĩa là chủ quản toàn bộ hoạt động tư duy, ý thức, tinh thần và tình cảm của con người. Trong điều kiện bình thường, khí huyết của tạng tâm thịnh vượng thì tinh thần sáng suốt, tư duy nhậy bén, tình cảm ổn định, ... Khi tâm bị tổn thương, thì thần chí khác thường và thường xuất hiện các chứng bệnh như mất ngủ, hay quên, hôn mê, co giật, ...
Bệnh mất ngủ có thể phát sinh từ tạng tâm và cũng có thể liên quan đến các tạng khác. Trường hợp bệnh phát sinh từ bản thân tạng tâm, thường là do "Tâm hỏa quá thịnh", "Tâm huyết bất túc" gây nên. Chứng trạng biểu hiện chủ yếu là đêm ngủ không yên, buồn phiền hồi hộp, đại tiện bí kết, miệng lưỡi lở loét. Phương pháp chữa trị là "Tả tâm hỏa và bổ tâm huyết", tác động trực tiếp vào bản thân tạng tâm. Bài thuốc thường sử dụng là "Thiên vương bổ tâm đan".
Mất ngủ có thể phát sinh do các tạng khác liên lụy đến tâm. Đặc biệt, chứng mất ngủ nghiêm trọng thường là liên quan đến tạng thận và tình trạng bệnh lý mà Đông y gọi là "Tâm thận bất giao".
"Tâm thận bất giao" còn gọi là "Thủy hỏa thất tế", là tình trạng bệnh lý, biểu hiện bởi một số chứng trạng chủ yếu, như mất ngủ, ngủ mê nhiều. Kèm theo đạo hãn (mồ hôi trộm), váng đầu, hoa mắt, ù tai, tâm quý (hồi hộp, trống ngực), chính xung (sợ sệt, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn), lưng gối đau mỏi, kiện vong (hay quên); lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, cảm giác sốt nóng về buổi chiều, miệng khô họng háo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không rêu, mạch tế sác (nhỏ nhanh).
Theo thuyết Ngũ hành, tạng Tâm thuộc hành Hỏa, tạng Thận thuộc hành Thủy. Trong điều kiện bình thường, thì "Tâm Hỏa" hạ giáng, "Thận Thủy" thượng thăng. Hỏa giáng xuống, Thủy thăng lên, thì Âm Dương giao hòa, thần trí an định và đêm ngủ ngon giấc. Trạng thái Hỏa giáng xuống, Thủy thăng lên, được người xưa gọi là "Tâm thận tương giao", "Thủy Hỏa tương giao" hay "Thủy hỏa ký tế".
Khi cơ chế thăng giáng nói trên bị trục trặc, thì Âm Dương trong cơ thể bị mất cân bằng, dẫn tới mất ngủ và nhiều chứng bệnh khác. Chứng "Tâm thận bất giao" thường do suy nghĩ quá căng thẳng, làm việc trí não quá mệt nhọc, tình chí u uất, ... khiến cho "Tâm Âm" (phần âm huyết ở tạng tâm) bị hao tổn, "Tâm Hỏa" thiên thịnh, không giáng xuống giao thông với thận, gây nên. Hoặc là do ốm đau lâu ngày, sinh hoạt tình dục không tiết chế, khiến cho "Thận Âm" bị hư tổn, không thể thăng lên giao hòa với "Tâm Hỏa"; "Tâm Hỏa" ở trên càng thiên thịnh, nhiễu động tâm thần, gây nên mất ngủ và nhiều chứng bệnh khác.
2. Tả Hỏa bổ Thủy & Phương thuốc thường dùng:
"Tâm thận bất giao" là một rối loạn trong mối quan hệ tương tác giữa tạng Tâm và tạng Thận. Thực chất cũng là mối quan hệ giữa Âm và Dương, vì "Thủy Hỏa vi Âm Dương chi trưng triệu", tức Hỏa là dấu hiệu, đại biểu của Dương, Thủy là đại biểu của Âm. "Tâm thận bất giao" là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới một số chứng bệnh, như mất ngủ, tim loạn nhịp, hay quên, ...
Để chữa trị chứng "Tâm thận bất giao", Đông y sử dụng phép "Tả Hỏa bổ Thủy". Nghĩa là thanh tả Hỏa nhiệt ở tạng Tâm và tư bổ Thận Thủy ở phía dưới. Theo quy luật quy loại Ngũ hành, Hỏa thuộc phương Nam, Thủy ở phương Bắc, nên y gia thời xưa còn gọi "Tả Hỏa bổ Thủy" là "Tả Nam bổ Bắc".
"Tâm thận bất giao" là trạng thái bệnh lý, có thể hiện
diện trong nhiều chứng bệnh khác nhau, như "tâm quý chính xung" (trống
ngực, bồn chồn, sợ sệt, tim loạn nhịp), "kiện vong" (hay quên), "di
tinh", "mộng tinh", ... Thực tế lâm sàng cho thấy, đối với các loại bệnh
khác nhau, nhưng cùng có những chứng trạng thuộc loại hình "Tâm thận bất giao", đều có thể sử dụng phép "Tả Hỏa bổ Thủy" để chữa trị đạt kết quả tốt. Người xưa gọi đó là "Dị bệnh đồng trị" - nghĩa là bệnh khác nhau nhưng phép chữa lại giống như nhau.
Dưới đây là 2 phương thuốc "Tả Hỏa bổ Thủy" tiêu biểu, thường sử dụng chữa mất ngủ nghiêm trọng và một số chứng bệnh liên quan:
(1) Giao thái hoàn:
- Thành phần: Hoàng liên 4 phần, nhục quế 1 phần.
- Cách dùng:
2 thứ nghiền mịn, trộn đều, làm thành viên; ngày dùng 6g, uống trước
lúc nằm ngủ 3 giờ. Hoặc có thể chia thành 2 lần uống, uống vào buổi
chiều và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Tác dụng: Thanh Hỏa bổ Thủy. Giao thông Tâm Thận.
- Ứng dụng:
Chữa mất ngủ, nằm ngủ mà tinh thần vẫn hưng phấn, bồn chồn không yên,
nghĩ ngợi lan man, không ngủ được; ban ngày thì mệt mỏi, tinh thần uể
oải, váng đầu và buồn ngủ.
- Phân tích:
Y thư xưa viết, thất miên (mất ngủ), thường do tâm hỏa thiên thịnh ở
trên. Mà tâm hỏa thiên thịnh, có thể do thận âm khuy tổn, cũng có thể do
thận dương suy nhược dẫn đến. Trường hợp đầu thuộc loại hình "Âm hư dương cang", trường hợp sau thuộc loại hình "Hỏa bất quy nguyên" (Hỏa không trở về gốc); cả 2 trường hợp cùng đều là "Tâm thận bất giao".
Sử dụng đồng thời hoàng liên và nhục quế, có thể khiến tâm thận tương
giao trong khoảnh khắc. Bài thuốc chỉ dùng 2 vị thuốc hoàng liên và nhục
quế; hoàng liên có tác dụng thanh tâm, dùng để tả hỏa thượng cang ở
phía trên. Nhục quế có tác dụng ôn thận, để dẫn hỏa quy nguyên (đưa hỏa
trở về nguồn gốc); 2 thứ kết hợp, có tác dụng làm cho Tâm và Thận tương
giao. Tâm Thận đã tương giao, thì đêm ngủ cũng tự nhiên yên giấc. Phối
ngũ đơn giản, hiệu quả nhanh, nên mới có tên là "Giao thái" (ý nói, Tâm
Thận tương giao thì bình yên, thái bình).
- Gia giảm:
Liều lượng, cũng như tỷ lệ giữa hoàng liên và nhục quế trong phương
thuốc, có thể gia giảm tùy theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, liều lượng
của nhục quế, nhất thiết phải ít hơn liều lượng hoàng liên.
(2) Hoàng liên a giao thang:
- Thành phần: Hoàng liên 4g, a giao 12g, hoàng cầm 9g, kê tử hoàng (lòng đỏ trứng gà) 2 cái, bạch thược 12g.
- Cách dùng:
Các vị thuốc sắc lấy nước, sắc 2 lần, hợp lại với nhau, cho a giao vào
trộn đều, sau đó đập trứng, lấy lòng đỏ cho vào trộn đều, chia ra 2 lần
uống khi thuốc còn ấm.
- Tác dụng: Tư Âm giáng Hỏa. Giao thông Tâm Thận.
- Ứng dụng: Dùng chữa chứng "Âm hư hỏa vượng", "Tâm thận bất giao" gây mất ngủ, bồn chồn, hay quên, ...
- Phân tích: Là bài thuốc Đông y kinh điển, có xuất xứ từ sách "Thương hàn luận"
của Trương Trọng Cảnh. Bài thuốc dùng các vị hoàng liên, hoàng cầm để
thanh tâm giáng Hỏa; dùng kê tử hoàng, bạch thược, a giao để tư bổ thận
thủy và Âm huyết. Quan sát lâm sàng cho thấy, sử dụng bài thuốc này chữa
chứng mất ngủ nghiêm trọng, do "Âm hư hỏa vượng", thường có kết quả rất
tốt.
- Gia giảm: Với trường hợp Âm hư
nghiêm trọng, tân dịch hao thương, họng khô, có thể thêm huyền sâm, mạch
đông, thạch hộc. Trường hợp Hỏa vượng nghiêm trọng, có thể thêm chi tử,
trúc diệp. Trường hợp sau khi đã ngủ hay giật mình tỉnh giấc, có thể
thêm long xỉ, trân chu mẫu. Giấc ngủ không sâu, có thể thêm toan táo
nhân, dạ giao đằng.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.