Hỏi:
Tôi muốn được biết thêm về cách chế biến và sử dụng sản phẩm
từ củ nghệ, mà dân ta thường dùng để kho cá, nướng ăn khi đau dạ dày,
... Vì từ vài năm nay đang có "phong trào" sản xuất tinh bột nghệ và
dùng nó để bồi dưỡng sức khỏe, phòng chống nhiều bệnh, như ung thư, tăng
huyết áp, tăng cholesterol, dưỡng da, bổ máu, ... Người ta sản xuất
tinh bột nghệ như làm tinh bột sắn dây. Tôi không rõ cách chế biến như
vậy có làm mất tính chất chữa bệnh của nó không? Xin cảm ơn.
Thái Thị Mai, Nguyễn Đức Cảnh, TP. Vinh
Đáp:
Nghệ là loại gia vị rất quen thuộc, thông dụng và cũng là một vị thuốc rất quý, vì có thể sử dụng để phòng trị rất nhiều loại bệnh.
• Tác dụng của củ nghệ:
Theo Đông y truyền thống: Củ nghệ có vị cay, đắng, tính ấm; vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thông kinh chỉ thống. Dùng chữa các chứng đau ở tim, ngực, sườn, bụng, ... do khí trệ huyết ứ. Chữa phong thấp đau nhức, đặc biệt có hiệu quả với chứng đau vai và cánh tay. Còn dùng chữa phụ nữ bế kinh, đòn ngã sưng đau, mụn nhọt lở loét ngoài da, ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần của củ nghệ bao gồm:
1. Những chất màu vàng, gọi chung là curcumin: Đó là tinh thể màu nâu đỏ, ánh tím, không tan trong nước, tan trong rượu, ête, clorofoc, dung dịch có huỳnh quang màu xanh lục. Curcumin thực chất là một hỗn hợp, bao gồm "curcumin chính thức", còn gọi là curcumin I (chiếm 60%); "Curcumin II" hay monodesmetoxy-curcumin (chiếm 24%) và "curcumin III" hay didesmetoxy-curcumin (chiếm 14%).
2. Tinh dầu: Chiếm 4-6%, màu vàng nhạt, thơm; đã xác định thấy trong tinh dầu nghệ có tới 51 loại chất khác nhau.
3. Ngoài ra còn tinh bột, canxi oxalat, chất béo, ...
Về mặt dược lý, đã phát hiện củ nghệ có một số tác dụng chủ yếu như sau:
- Bảo vệ gan.
- Lợi mật: Kích thíc sự co bóp của túi mật, tăng tiết dịch mật, làm giảm hàm lượng thành phần chất rắn trong dịch mật, khiến thành phần mật trở lại bình thường.
- Giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn; tinh dầu nghệ có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại nấm và vi khuẩn; các dẫn xuất của chất curcumin trong nghệ cũng có tác dụng kháng khuẩn rất mạnh.
- Hạ huyết áp.
- Hạ mỡ máu.
- Ức chế sự ngưng tập tiểu cầu.
- Chống ô-xy hóa.
- Chống ung thư.
- Gây co thắt tử cung và kháng sinh dục ở mức độ nhất định.
- Kết quả nghiên cứu gần đây còn cho thấy: Các chất curcumin, demethoxycurcumin, bisdemethoxycurcumin trong củ nghệ vàng có tác dụng kháng virus HIV. Đối với AIDS cấp tính và mạn tính, do nhiễm HIV, đều có tác dụng điều trị nhất định.
• Một số cách sử dụng củ nghệ để chữa bệnh:
(1) Lên cơn suyễn, đờm kéo lên tắc nghẽn, khó thở: Củ nghệ 40-50g, giã nát, hòa với đồng tiện (nước tiểu trẻ em khỏe mạnh), vắt lấy nước uống.
(2) Chữa thổ huyết, máu cam: Củ nghệ tán mịn, ngày uống 4-6g, chiêu bằng nước đun sôi.
(3) Bệnh mạch vành tim, đau thắt ngực: Dùng củ nghệ (sao qua) 30g, đương quy (thái lát, sấy khô) 30g, mộc hương 15g, ô dược (sao qua) 15g; tất cả tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 4g; nếu có điều kiện dùng ngô thù du sắc lấy nước để chiêu thuốc, thì tác dụng càng tốt.
(4) Viêm dạ dày, viêm đường mật: Nghệ vàng 6g, hoàng liên 3g, nhục quế 2g, diên hồ sách 5g, uất kim 5g, nhân trần 6g; sắc nước uống trong ngày.
(5) Đau vai gáy và cánh tay: Dùng củ nghệ 10g, cành dâu tằm (tang chi) 10g, cốt khí củ 8g, bạch truật 10g, cam thảo 4g; sắc nước uống trong ngày.
(6) Phòng trị các chứng bệnh sau khi đẻ: Dùng 1 củ nghệ nướng chín, nhai, nuốt dần; hoặc giã nát hòa với rượu hay đồng tiện uống (nước tiểu trẻ em khỏe mạnh).
(7) Phụ nữ sau khi đẻ máu xấu xông lên tim: Nghệ đốt tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên màu), tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4-6g, chiêu thuốc bằng nước giấm pha loãng.
• Nghệ tự nhiên hay tinh nghệ tốt hơn?
Trước kia, khi dùng củ nghệ để chữa bệnh, người ta thường dùng tươi hoặc khô. Củ nghệ đào về, rửa sạch đất cát, thái lát, phơi hoặc sấy khô, trong Đông y gọi là "khương hoàng". Những điều nói về tác dụng của củ nghệ ở trên, đều nói về nghệ tươi hoặc vị thuốc khương hoàng.
Từ vài năm gần đây, bắt đầu xuất hiện thêm một dạng chế phẩm từ củ nghệ, đó là tinh bột nghệ, còn gọi là tinh nghệ, hoặc một số tên khác. Thành phần của tinh nghệ, về cơ bản vẫn giống củ nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến - giống như chế biến bột sắn dây (giã, lọc, phơi), rõ ràng một số chất đã bị mất đi. Phần lớn lượng tinh dầu đã bay hơi trong quá trình phơi, lọc, nên tinh nghệ chỉ còn ít mùi thơm và hăng của củ nghệ tươi. Một số loại chất màu cũng bị hao tổn trong quá trình tinh chế, nên tinh nghệ thường nhạt màu hơn, so với nghệ tươi hay khương hoàng. Ngoài ra, còn những chất gì khác đã bị mất đi, rất khó xác định.
Không ít người cho rằng, tinh nghệ là "tinh chất của nghệ" - chứa đựng tất cả các hoạt chất của củ nghệ. Hiện tại vẫn chưa có những nghiên cứu so sánh, giữa tác dụng của nghệ tự nhiên và nghệ tinh chế. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế của Đông y từ xưa cho thấy, khi sử dụng củ sắn dây để chữa bệnh, trong phần lớn các trường hợp không thể dùng bột sắn dây để thay thế vị thuốc cát căn (củ sắn dây thái lát, phơi hoặc sấy khô) hoặc củ sắn dây tươi. Theo chúng tôi nghĩ, đối với nghệ tự nhiên và tinh nghệ cũng vậy. Nghệ là thứ cây rất dễ trồng, củ nghệ cũng được bán ở khắp nơi với giá rất bình dân, do đó khi cần sử dụng để chữa bệnh, tốt nhất là sử dụng nghệ ở dạng tự nhiên, trường hợp bất đắc dĩ mới dùng tinh nghệ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.