Hỏi:
Tôi năm nay 45 tuổi, làm công tác văn phòng. Cuối năm ngoái tôi bị mắc bệnh Gút, đã được khám và điều trị khỏi bệnh bằng Y học hiện đại, nhưng tôi rất lo bệnh tái phát. Tôi nghe nói có thể sử dụng một số loại thức ăn và thuốc Nam để dự phòng, ngăn chặn bệnh tái phát. Tôi không rõ có đúng hay không? Nếu đúng như vậy thì đó là những thứ gì, sử dụng cụ thể ra sao? Rất mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn giúp.
Nguyễn Văn L. Hải Phòng
Đáp:
Cà tím
Bệnh Viêm khớp dạng Gút (Guoty Arthiritis) trong Y học hiện đại tương đương với chứng "Thống phong" trong Đông y.
Bệnh này có liên quan mật thiết đến thành phần dinh dưỡng của các loại thức ăn sử dụng hàng ngày. Vì vậy, đối với người bị mắc bệnh Gút, trong ăn uống cần có những kiêng kỵ nhất định.
Mặt khác, cũng có thể phối hợp một số loại thức ăn với nhau, hoặc với một số vị thuốc để tạo ra những "Món ăn - bài thuốc" để dự phòng hoặc trị liệu bệnh.
Để dự phòng bệnh tái phát có thể sử dụng một số "Món ăn - Bài thuốc" sau:
(1) Cháo phòng phong ý dĩ: Dùng phòng phong 10g, ý dĩ 10g; 2 thứ nấu thành cháo ăn ngày 1 lần, liên tục trong 1 tuần.
(2) Cháo xích tiểu đậu: Xích tiểu đậu (đậu đỏ hạt nhỏ) 30g, gạo tẻ 15g, đường vừa đủ; nấu đậu đỏ trước, khi đậu chín thì cho gạo vào nấu thành cháo, thêm chút đường vào cho vừa miệng.
(3) Cháo đào nhân: Đào nhân (nhân hạt đào) 15g, gạo tẻ 160g; trước hết đập hạt đào, lấy nhân bên trong, giã nhuyễn, thêm nước vào nghiền đều, chắt lấy nước cốt (bỏ bã), cho gạo vào nấu thành một thứ cháo loãng.
(4) Cà tím trộn dầu: Cà tím (cà dái dê) 250g, rửa sạch, luộc chín, thái thành miếng nhỏ, trộn với dầu vừng, thêm mắm muối và gia vị vào cho vừa miệng; cách 1 ngày ăn 1 lần.
(5) Măng tre xào: Măng tre 250g, xào với khoảng 30g dầu thực vật, thêm mắm muối và gia vị vào cho vừa miệng; mỗi ngày ăn 1 lần.
(6) Cháo rau cần: Rau cần để nguyên cả rễ 100g (rửa sạch, thái nhỏ), gạo tẻ 30-40g; nấu thành cháo, thêm mắm muối vào cho vừa miệng; mỗi ngày ăn 1 lần trong giai đoạn bệnh đang phát. Có tác dụng thanh nhiệt, bình can, khư phong, lợi thấp. Có thể sử dụng để chữa bệnh Gút giai đoạn đầu và phòng ngừa bệnh tái phát.
Ngoài việc sử dụng các "Món ăn - Bài thuốc" trên, còn cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều purine. Căn cứ vào hàm lượng purine, một số nhà dinh dưỡng đã xếp loại thức ăn theo các "cấp" như sau:
Cấp 1: Rất nhiều purine (150-1000mg purine trong 100g thức ăn). Ví dụ: Tim, tụy, trứng cá trích, nước thịt cô đặc, thịt ức, cá xác-đin, ...
Cấp 2: Nhiều purine (75-150mg purine trong 100g): Gan, thận, thịt ngỗng, gà rừng, bồ câu, đùi dê, thịt bê, thịt nai, thịt lợn ướp muối, ...
Cấp 3: Hàm lượng purine trung bình (nhiều nhất 75mg purine trong 100g): Óc, lưỡi, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt thỏ, tôm, lạc, các loại đỗ.
Cấp 4: Hàm lượng purine thấp, rất ít hoặc không có purine: Trứng, sữa, gạo, bột mì, nước mắm cá, đường, trà, cà phê, nước quả, sô-cô-la, các loại rau quả (trừ đỗ).
Hiện tại vẫn chưa có những tư liệu thật đầy đủ về hàm lượng purine trong thức ăn đã chế biến. Bảng xếp loại trên chỉ có tính tham khảo - vì đó là hàm lượng purine trong thức ăn chưa chế biến.
Cũng cần lưu ý là: Những bệnh nhân bị Gút, trước đây thường bị cấm sử dụng các món chế biến từ các loại đỗ. Tuy nhiên các kết quả phân tích thành phần thức ăn gần đây cho thấy, điều cấm đoán trên không có cơ sở vì đỗ không phải là loại thức ăn có hàm lượng purine cao.
Những người bị bệnh Gút cần tránh ăn các thức ăn cấp 1 và cấp 2 ở trên. Chỉ nên sử dụng các thức ăn cấp 3 và cấp 4. Các món nội tạng như tim, gan, thận, ... mỗi tuần chỉ nên dùng 2 lần, mỗi lần không quá 80g; để bổ sung chất đạm có thể dùng thêm sữa và thịt một số loài gia cầm. Để tăng cường thải trừ acid uric, hàng ngày cần uống nhiều nước, bảo đảm lượng nước tiểu bài tiết hàng ngày từ 2 lít trở lên.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.