Hỏi:
Gần đây tôi đi du lịch ở Kon Tum. Có lần vào nhà hàng ăn đặc sản thấy
trên bàn có món "hồng sâm luộc". Theo như giới thiệu, đó là một loại sâm
mọc hoang ở địa phương, có tác dụng tăng lực, bổ dưỡng rất tốt. Nay tôi
viết thư này, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết thêm về
tác dụng của loại sâm này.
Lê Toàn Thắng, Hà Nội
Đáp:
Quan sát mẫu thuốc bạn gửi đến, có thể xác định đó là vị thuốc trong Đông y gọi là "đảng sâm".
Cây đảng sâm là một loài dây leo, củ dùng làm thuốc bổ, nên dân gian thường gọi đó là "sâm dây". Tại Kon Tum, dân địa phương thường gọi là "hồng đảng sâm". Cây còn có nhiều tên khác, như "cây đùi gà", "mằn rày cáy" (dân tộc Tày), "co nha dòi" (Thái), "cang ho" (H’Mông), ...
Trong Đông y, vị thuốc đảng sâm được khai thác từ nhiều loài khác nhau - cùng thuộc chi Codonopsis, thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae).
Tại
Việt Nam, thường gặp loài có tên khoa học là Codonopsis javanica
(Blume) Hook. f. Loài này phân bố ở độ cao 900-2200m, có ở hầu hết tại
các tỉnh miền núi; tập trung nhất ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, ... ở
phía Nam, có ở núi Ngọc Linh (thường gọi là hồng đảng sâm ) và vùng Đà
Lạt. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tương đối
tập trung ở các vùng nương rẫy cũ, ven rừng, nhất là loại hình rừng núi
đá vôi sau khi đã bị khai phá để lấy đất canh tác.
Đảng
sâm (Codonopsis javanica) là một loại cây thảo sống lâu năm. Mọc bò hay
leo bằng thân quấn; phân nhánh nhiều, phía dưới hơi có lông, phía ngọn
nhẵn. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Lá mọc đối, ít khi mọc so le; gốc lá
hình tim; đầu lá nhọn, phiến lá mỏng hình trứng rộng, dài 3-8cm, rộng
2-4cm; mép nguyên lượn sóng hoặc hơi khía răng cưa; mặt trên màu lục
nhạt; mặt dưới màu trắng xám, nhẵn hoặc có lông rải rác. Hoa mọc riêng ở
kẽ lá. Có cuống dài 2-6cm. Đài có 5 phiến hẹp; tràng hình chuông, màu
trắng hoặc hơi vàng, có vân tím ở họng; chia 5 thùy, nhị 5, chỉ nhị hơi
dẹt; bao phấn dính gốc; bầu hình cầu có 5 ô. Quả nang hình cầu, có 5
cạnh mờ, đầu bẹt, phía trên có một núm nhỏ hình nón, đường kính 1-2cm,
có đài tồn tại; khi chín màu tím hoặc tím đỏ; hạt nhiều, màu vàng nhạt,
bóng. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1-1,7cm. Đầu rễ phình to,
trên có nhiều vết sẹo lồi của thân cũ, phía dưới thường phân nhánh; mặt
ngoài màu vàng nhạt, khi khô màu vàng xám.
Củ đào về rửa sạch
đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ con; phơi nắng hay sấy nhẹ đến khô. Hoặc
phơi sấy cho hơi khô, lăn cho mềm; sau đó lại tiếp tục phơi hoặc sấy đến
khi khô hẳn.
Theo Đông y: Đảng sâm có vị
ngọt hơi đắng, tính ấm; vào 2 kinh Tỳ và Phế. Có tác dụng làm mạnh tỳ
vị, bổ phế khí, trừ đàm chỉ khái (cầm ho). Thường sử dụng để làm thuốc
bổ, chữa ho do yếu phổi (phế hư khái thấu), tiêu chảy do chức năng tiêu
hóa suy nhược (tỳ hư tiết tả), sản phụ thiếu sữa, trẻ nhỏ cam tích, đái
dầm, ...
Ngoài sử dụng rễ làm thuốc, củ, ngọn và lá non cũng có thể sử dụng làm rau, chế các món ăn; quả cũng ăn được.
Một số đơn thuốc có sử dụng đảng sâm:
(1) Chữa cơ thể suy yếu, người mệt mỏi (khí hư phạp lực): Dùng đảng sâm 15-30g, sơn dược (củ mài), đại táo (táo tàu) - mỗi thứu 9-15g; sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa ho do yếu phổi (Phế hư khái thấu): Dùng đảng sâm tươi 30g, bách bộ 9g; sắc nước uống trong ngày.
(3) Chữa sản phụ thiếu sữa:
Dùng đảng sâm, đương quy - mỗi thứ 10-15g; hầm với thịt gà ăn. Hoặc
dùng đảng sâm, trái vẩy ốc (tức “quả xộp”, “trâu cổ”, Ficus pumila L.) -
mỗi vị 30g; sắc uống.
(4) Chữa khí hư: Dùng đảng sâm, rễ bùng bục - mỗi thứ 15g, hải phiêu tiêu (mai cá mực) 24g, rễ rau dền gai 30g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
(5) Chữa trẻ nhỏ đái dầm: Dùng đảng sâm 20-30g, thịt lợn nạc 50-100g; hầm chín ăn (uống nước canh, ăn thịt).
(6) Chữa trẻ nhỏ cam tích: Dùng đảng sâm 15g, tiên mao 15g, thịt lợn nạc 50-70g; cùng hầm chín, chia ra ăn trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.