Hỏi:
Tôi bị viêm đại tràng mạn tính, đã đi khám ở bệnh viện và dùng nhiều loại thuốc khác nhau, cả thuốc tân dược và Đông dược, nhưng bệnh chỉ thuyên giảm một chút, rồi lại tái phát. Hàng năm cứ tới cuối mùa Hè đầu mùa Thu, là bệnh lại phát nặng, rất hay bị đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn. Gần đây có người bạn mách, dùng hạt sa nhân tán bột uống hàng ngày, sẽ chữa khỏi bệnh. Tôi không biết có đúng hay không? Mong được "Thuốc vườn nhà" trả lời cho biết, đồng thời cũng cho biết những tác dụng chữa bệnh của hạt sa nhân.
Lê Thanh Tâm, Hà Nội
Đáp:
Sa nhân là vị thuốc có tác dụng chữa trị nhiều chứng bệnh hệ thống tiêu hóa. Nhưng viêm đại tràng mạn tính có rất nhiều dạng, ngoài hiện tượng bệnh thường phát nặng vào cuối Hè đầu Thu, trong thư bạn không nói gì về những triệu chứng khác kèm theo, nên chúng tôi rất khó trả lời dứt khoát, sa nhân có chữa khỏi được bệnh của bạn hay không. Vì vậy, chỉ có thể nói về những tác dụng chính của sa nhân, để bạn tham khảo.
Sa nhân là cây mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh miền núi, ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Về mặt thực vật, sa nhân là một loại cỏ, có thể cao tới 2-3m, nhìn qua gần giống cây riềng, nhưng thân rễ không phát triển thành củ như riềng. Lá xanh thẫm, mặt nhẵn bóng, dài 15-35cm, rộng 4-7cm. Hoa màu trắng đốm tía, mọc thành chùm ở gốc: Từ rễ nảy ra một mầm, ngọn mang hoa gần sát mặt đất; mỗi gốc có từ 3-6 chùm hoa, mỗi chùm 4-6 hoa. Mùa hoa tháng 4-5. Quả là một nang, hình trứng, 3 ngăn, đậu vào tháng 5, chín vào tháng 7-8 (thán 6-7 âm lịch); quả to nhất bằng đầu ngón tay cái, trung bình bằng đầu ngón tay giữa, dài 1,5-2cm, đường kính 1-1,5cm. Mặt ngoài vỏ quả có gai rất đều, bóp mạnh sẽ vỡ thành 3 mảnh, trong quả có nhiều hạt dính lại với nhau. Vì hạt trông giống như hạt sỏi, do đó có tên "sa nhân" ("sa" là cát, sỏi; "nhân" là hạt).
Sa nhân được Đông y sử dụng làm thuốc từ thời xa xưa. Vị thuốc "sa nhân" là quả gần chín, phơi hay sấy khô, của cây sa nhân Amomum xanthioides thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Trên thực tế, người ta còn phân loại chi tiết hơn nữa: "Xác sa" là quả còn cả lớp vỏ; "sa nhân" là khối hạt còn lại sau khi đã bóc lớp vỏ ngoài, và "sa nhân xác" là vỏ quả (không có nhân).
Ngoài ra, Đông y còn dùng quả của một số loài sa nhân khác, với cùng tác dụng, như "Dương xuân sa nhân" (Amomum villosum Lour), "Hải Nam sa nhân" (Amomum longiligulare T. L. Wu), ...
Sa nhân không phải là vị thuốc quý hiếm, không quá đắt tiền. Nhưng muốn dùng sa nhân để chữa bệnh, trước hết bạn cần biết cách đánh giá chất lượng của vị thuốc.
Thông thường, sa nhân được thu hoạch vào khoảng tháng 8 dương lịch, hay có thể sớm hơn một ít. Thời gian thu hoạch rất ngắn, hái sớm hay muộn quá, đều ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc. Khi vỏ ngoài đã vàng thẫm, kẽ gai đã thưa, bóc ra thấy róc vỏ, bóp quả thấy còn cứng, lúc bóc ra thì hạt hơi có màu vàng, ở giữa mỗi hạt có chấm đen hay màu hung hung, nhấm thấy chua và có chất cay nồng, là sa nhân đúng tuổi (loại này người ta gọi là sa nhân hạt cau, chất lượng tốt nhất). Nếu hái quá muộn, chỉ cần để quá 5-7 ngày, quả bóc ra đã mềm, nhấm thấy ngọt, chất cay đã hết, đó là sa nhân đường, kém giá trị hơn vì ít tinh dầu, khó bảo quản, dễ bị ẩm mốc, phơi đi phơi lại hạt rời vụn ra, có màu đen giống như cứt gián. Nhưng nếu hái sớm quá, quả còn non, bóc ra hạt vẫn còn non trắng hay hơi vàng, nhấm thấy cay nhưng không chua, gọi là sa nhân non cũng kém giá trị.
Tùy theo thời kỳ thu hái và phơi sấy, thường người ta phân ra làm nhiều loại:
1. Sa nhân hạt cau là loại tốt nhất, hạt to mẩy, khi hạt khô không bị nhăn nheo. Màu nâu sẫm, cứng, nhấm cay nhiều, nồng.
2. Sa nhân non là loại 2, hạt không mẩy, có vết nhăn nheo, màu vàng răng ngựa, nhấm ít cay.
3. Sa nhân vụn là loại 3, gồm những quả sa nhân đường, non vỡ ra hoặc do không được phơi sấy đúng phép, còn gọi là sa nhân cứt gián, kém cay.
4. Sa nhân đường là loại 4, sờ tay thấy ẩm hơi dính, nhấm hơi ngọt, mềm, màu đen.
Để chữa bệnh cho mình, bạn nên sử dụng loại sa nhân chất lượng tốt nhất trong số kể trên.
Theo Đông y: Sa nhân là thuốc có vị cay, tính ấm; đi vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, ôn trung chỉ tả, an thai. Chủ trị các chứng Tỳ Vị ứ trệ do thấp trở, Tỳ hàn tiết tả (tiêu chảy do tạng Tỳ bị lạnh), ác trở (nôn nghén) và thai động bất an.
Với bệnh viêm đại tràng mạn tính, có thể sử dụng sa nhân để chữa trị, nếu bệnh thuộc thể loại "hàn thấp khốn Tỳ", theo cách phân loại bệnh chứng của Đông y. "Hàn thấp khốn Tỳ" chỉ tình trạng chức năng tiêu hóa bị rối loạn, do "hàn tà" kết hợp với "thấp tà" gây nên.
Thể bệnh này thường có biểu hiện chính như sau: Vùng thượng vị đầy trướng hoặc đau, kém ăn, miệng nhạt không khát, bụng đau, đại tiện lỏng, đầu và mình mẩy chân tay nặng chĩu; hoặc người và chân tay phù thũng, tiểu tiện ngắn ít; nếu là phụ nữ thì có thể ra nhiều khí hư; lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc trắng trơn; mạch hoãn nhược (chậm yếu) hoặc trầm tế (chìm nhỏ). Thể bệnh này thường hay phát tác vào cuối Hè đầu Thu (tương ứng với tháng 6 Âm lịch), Đông y gọi là mùa "trưởng hạ".
Đối chiếu với bệnh tình của mình, nếu như có khoảng 70-80% chứng trạng kể trên, thì bạn có thể thử sử dụng sa nhân để chữa trị, theo một số phương pháp như sau:
(1) Bột sa nhân: Sa nhân sao qua, tán thành bột mịn; mỗi lần uống từ 2-4g, ngày 3 lần, chiêu thuốc bằng nước sắc 5-7 lát gừng tươi.
(2) Cháo sa nhân: Dùng gạo tẻ 30-50g, sa nhân (sao qua, nghiền mịn) 3-6g; gạo vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho bột sa nhân vào trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc nữa là được. Ăn nóng vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.
Cả hai bài thuốc trên đều có các tác dụng "hành khí hóa thấp", "ôn tỳ chỉ tả" và "an thai chỉ ẩu". Có thể sử dụng để chữa chứng "hàn thấp khốn Tỳ" (hàn tà và thấp tà gây rối loạn tiêu hóa), dẫn tới ngực bụng đầy tức khó chịu, bụng trướng kém ăn; hoặc đau bụng ỉa chảy; còn có thể sử dụng chữa nôn nghén và động thai. Nên sử dụng theo từng liệu trình 10-15 ngày, nghỉ 3-4 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng sa nhân để chữa một số chứng bệnh khác thuộc hệ tiêu hóa:
(1) Lỵ mạn tính đau bụng ỉa chảy (thể hư hàn):
- Dùng sa nhân 6g, mộc hương 4g, đảng sâm 10g, bán hạ 10g, bạch truật 10g, phục linh 10g, trần bì 6g, sinh khương 8g, cam thảo 3g; sắc uống trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, lý khí chỉ thống. Dùng chữa lỵ mạn tính thể "Tỳ vị hư hàn" với những biểu hiện: Ăn ít, bụng trướng, đau liên miên, thích xoa ấm, ghét lạnh, chân lạnh, thở yếu, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt hoặc phù nhẹ, nhạt miệng, không khát; đại tiện loãng lỏng, tiểu tiện ngắn ít; ở phụ nữ có biểu hiện khí hư ra nhiều nhưng chất loãng nhạt màu; chất lưỡi nhợt bệu hoặc có vết răng, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì vô lực (chìm, chậm, yếu).
(2) Viêm dạ dày mạn tính, sa dạ dày (tất cả các thể): Có thể sử dụng theo một trong số 3 phương pháp sau:
- Dạ dày lợn 1 cái, sa nhân 6g; dạ dày rửa sạch, thái chỉ, cùng với sa nhân nấu thành món canh; ăn dạ dày và uống nước canh.
- Dạ dày lợn 1 cái, sa nhân 10g, chỉ xác sao 20g; dạ dày rửa sạch, nhồi 2 vị thuốc vào bên trong, buộc kín, thêm nước, hầm chín, bỏ bã thuốc; ăn dạ dày và uống nước canh.
- Dạ dày bò 250g, sa nhân 5g, chỉ xác 10-12g; dạ dày bò thái miếng, cùng nấu với sa nhân, chỉ xác thành canh ăn; vớt sa nhân và chỉ xác ra, chỉ ăn dạ dày bò và uống nước canh.
(3) Nấc cụt: Dùng sa nhân nhai và nuốt dần, mỗi lần dùng 2g, ngày 3 lần. Theo một thông báo lâm sàng ở Trung Quốc, đã áp dụng phương pháp này điều trị 11 ca mắc chứng nấc cụt. Kết quả theo dõi cho thấy, đại bộ phận bệnh nhâu sau hai lần dùng thuốc đã hết nấc.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.