>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 1)
>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 2)
>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 3)
... Đông y - Khoa y học độc đáo
Suốt từ nửa đầu Thế kỷ thứ 20 tới nay, Đông y bị chỉ trích chủ yếu xoay quanh vấn đề "Tính khoa học". Khoa học là gì? Suy cho cùng tới nay triết học vẫn chưa thể luận định. Thậm chí một số học giả còn tuyên bố: "Khoa học không phải là tất tả; Khoa học không phải là thứ thần dược vạn năng; Khoa không phải là chân lý, ...".
Lỗ Tấn từng chỉ trích Đông y kịch liệt, nhưng thời gian dạy học ở Đại học sư phạm Triết Giang đã cùng một học giả Trương Tông Tường thường xuyên sưu tập những bài thuốc kinh nghiệm dân gian. Sau khi sàng lọc đã soạn ra cuốn sách "Nghiệm phương thực lục", trong đó có rất nhiều bài thuốc mà bản thân Lỗ Tấn đã dùng thử thấy rất hữu hiệu. Sau này, đối với những người hoài nghi tính chất khoa học của Đông y, Lỗ Tấn thường nói: "Sử dụng có hiệu quả, đó là khoa học" - (Hành chi hữu hiệu, tức thị khoa học).
Nhưng để luận bàn về tính khoa học của Đông y, chúng ta chỉ có sử dụng định nghĩa thông dụng về khoa học hiện nay. Chẳng hạn, "Từ điển tiếng Việt" (Nhà xuất bản KHXH, năm 1988) viết: "Khoa học là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài, cũng như hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.". Như vậy, một thứ được gọi là khoa học phải có 3 tính chất: (1) Là "Hệ thống tri thức" chứ không chỉ là những kiến thức tản mạn, vụn vặt. (2) Phản ánh đúng những quy luật khách quan. (3) Giúp cải tạo thế giới.
Với định nghĩa đó, ta thử kiểm tra Đông y có phải là khoa học hay không? Trước hết, lý luận Đông y (Y lý) bao gồm những kiến thức từ hoạt động sinh lý của cơ thể (Học thuyết tạng phủ và kinh lạc), nguyên nhân gây bệnh (Bệnh nhân học), cơ chế phát sinh và chuyển biến của bệnh (Bệnh cơ học), cho tới các phương pháp chẩn đoán (Tứ chẩn), phân loại bệnh tật (Bát cương), phép tắc chữa bệnh (Bát pháp) và cách sử dụng thuốc cụ thể đối với từng loại bệnh (Phương dược học). Như vậy, Y lý Đông y là một "Hệ thống tri thức" nhất quán, hoàn chỉnh từ lý thuyết cho tới thực hành, chứ không phải chỉ có những kiến thức, kinh nghiệm vụn vặt.
Thứ hai, xưa nay thầy thuốc Đông y giỏi đều là những người rất giỏi Y lý. Điều này chứng tỏ, Y lý phản ánh đúng quy luật khách quan. Có phản ánh đúng quy luật, thì áp dụng mới có hiệu quả. Thầy thuốc Đông y chữa bệnh theo sự chỉ đạo Y lý, chứ không phải chữa bệnh theo kiểu mò mẫn, hú họa. Chỉ có điều, lý luận Đông y được diễn tả bằng ngôn ngữ triết học cổ đại. Với người thời nay, đó là thứ ngôn ngữ hết sức xa lạ nên rất khó hiểu. Nhưng điều đó không ảnh hưởng tới nội hàm khoa học. Thực tế cho thấy, càng ngày càng có nhiều nội dung trong Y lý Đông y được khoa học hiện đại chứng minh, khẳng định.
Thí dụ, lý luận về "lục dâm" (6 tác nhân gây bệnh từ bên ngoài – phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) đã được các nghiên cứu trong "Y học khí tượng" hiện đại chứng thực. Hay như kết quả thực nghiệm từ nhiều năm trước cho thấy, những vị thuốc mà Đông y gọi là có tác dụng "thanh nhiệt giải độc" như kim ngân, xuyên tâm liên, bồ công anh, ... kháng khuẩn rất tốt, hiện được gọi là những "kháng sinh thiên nhiên". Kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho biết thêm, thuốc "thanh nhiệt giải độc" của Đông y còn có tác dụng chống dị ứng, điều hòa miễn dịch, ức chế các phản ứng tự miễn có hại, ...
Thứ ba, tác dụng chữa bệnh (cải tạo thế giới) của Đông y, từ hàng ngàn năm nay đã được khẳng định trên thực tế. Đông y còn có thể chữa khỏi được một số loại bệnh mà Tây y không thể chữa khỏi. Điều này chẳng cần phải đưa ra dẫn chứng, vì có lẽ mỗi người trong chúng ta đều đã từng thể nghiệm hoặc từng chứng kiến.
Trong cuốn sách "Đông y học và triết học Bergson", Takushakyuke (học giả nổi tiếng người Nhật Bản) đã viết: "Trường hợp những bệnh mà Y học phương Tây khó có thể chữa trị, Đông y có thể chữa khỏi là sự thật, ... Mà vấn đề không chỉ như vậy. Thời gian mà Y học phương Tây thực sự trở thành một khoa học, tính tới nay mới được khoảng 300-400 năm. Trong khi đó Đông y đã tồn tại hơn 2000 năm, mà cũng sẽ tiếp tục tồn tại... Nếu như Đông y chỉ là thứ lý thuyết trống rỗng hoặc là thứ mê tín dị đoan chữa bệnh không hiệu quả, nhất quyết sẽ không thể trải qua suốt 20 thế kỷ và tồn tại tới tận ngày nay. Hơn nữa sự bất mãn với y học phương Tây không chỉ tồn tại ở phương Đông, mà còn xuất hiện ngay cả ở phương Tây."
Đối với vấn đề, các kết quả nghiên cứu lâm sàng của Tây y có thể lặp lại và như thế mới là khoa học, trong khi đó một số kết quả của Đông y không thể lặp lại nên không thể coi là khoa học. Tiến sĩ Hogashosan người Nhật Bản đã lý giải một cách rất có lý như sau: "Nói rằng kết quả của Đông y không thể lặp lại là thiếu tính khoa học, ..., không lặp lại mới chính là một điều đáng quý của Đông y, tính khoa học của Đông y chính ở chỗ đó.".
Đối với nhận xét trên, xin giải thích thêm: Tây y là một ngành khoa học mang tính quần thể, còn Đông y là ngành khoa học cá thể hóa. Nhận thức của Tây y về bệnh tật chủ yếu căn cứ vào kết quả nghiên cứu trên một số lượng lớn bệnh nhân. Kết quả thu được là "đại lượng quân bình" có tính thống kê, đại diện cho toàn bộ quần thể, các nhân tố đặc thù và ngẫu nhiên đều bị loại bỏ. Do đó tất cả những người bị mắc cùng một bệnh, nói chung đều được chữa trị bằng cùng một loại thuốc. Trong khi đó Đông y lại chữa bệnh theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở từng người mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Do đó, một trăm người mắc cùng một bệnh (theo nghĩa Tây y), có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau. Y học quần thể có ưu điểm là dễ chuẩn hóa, nhưng khó tính đến những dị biệt của mỗi cá nhân. Còn Y học cá thể hóa có khả năng thích ứng với bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh.
Khi nhận định về tính khoa học của Đông y, Giáo sư Boacter ở Đại học Munich (Đức) đã so sánh Tây y và Đông y về mặt phương pháp luận và đưa ra nhận xét: "Tây y chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích theo quan hệ nhân quả. Phương pháp nhận thức của Đông y là quy nạp và tổng hợp. Lý luận tạng tượng của Đông y được xây dựng trên cơ sở quy nạp và tổng hợp một số lượng lớn những biến đổi sinh lý và bệnh lý, mà các thầy thuốc đã phát hiện được ở người bệnh qua hàng ngàn năm. Hệ thống Tạng tượng của Đông y là một mô hình phức tạp, bao gồm nhiều chức năng liên quan, tác động qua lại với nhau, vận động theo những quy luật có tính tuần hoàn. Chỉ dựa vào giải phẫu học, không thể xây dựng nổi một hệ thống như vậy. Đông y là một loại khoa học y học có nội dung phong phú, trần thuật mạch lạc và hữu hiệu nhất. Đó là một loại y học độc nhất vô nhị."
Lương y THÁI HƯ
(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.