>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 1)
>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 2)
... Sự kiện tháng 10/2006
Giờ hãy trở về với sự kiện hai tờ báo ở nước ta đã đưa tin hồi tháng 10/2006. Trước hết, Trương Công Diệu đã phát động cuộc chiến chống Đông y trong tình hình khác hẳn những năm đầu thế kỷ trước. Hiện tại, Việt Nam, Trung Quốc đều chủ trương xây dựng nền y học mới trên cơ sở kết hợp Đông y và Tây y, Đông y đã phục hưng và đang phát triển mạnh. Nhật Bản đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu thuốc Đông y đứng đầu thế giới. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, xu hướng "Trở về với thiên nhiên" trong y học phương Tây càng tạo thêm điều kiện thuận lợi.
"Cuộc chiến" đòi phế bỏ Đông y do Trương Công Diệu phát động, ban đầu chỉ như phát súng trường bắn vào trường thành. Trương Công Diệu là giáo sư triết học công tác ở Sở nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật và Xã hội, Đại học Trung Nam, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. 20 năm trước, khi học xong trung học thì gặp phải Cách mạng văn hóa. Thời gian lao động ở nông thôn Trương Công Diệu tình cờ tìm thấy 2 cuốn sách về thuốc Đông y là "Dược tính ca quát 400 vị" và "Thang đầu ca" trong số sách bị tịch thu ở nhà người bạn. Trương Công Diệu đã say mê đọc, sau đó thử chữa bệnh cho người quen và đã chữa khỏi bệnh cho một số người. Nhưng Trương Công Diệu không biết chẩn mạch và châm cứu, vì 2 cuốn sách nói trên chỉ là những bài vè giúp người ta ghi nhớ tính chất của một số vị thuốc, thang thuốc thường dùng. Kiến thức Đông y của Trương Công Diệu có lẽ chỉ dừng lại ở đó.
Trương Công Diệu bắt đầu chống Đông y trong thời gian biên soạn giáo trình về triết học khoa học kỹ thuật. Tháng 4/2006, tiểu luận "Chia tay Đông y dược" - (Cáo biệt trung y trung dược), sau khi phải chuyển từ tòa soạn này sang tòa soạn khác cuối cùng được đăng trên tạp chí "Y học và triết học". Cũng thời gian đó, Trương Công Diệu đã tung bài báo lên mạng hy vọng sẽ trở thành văn kiện có tính lịch sử. Khi đó một số người đã đọc có lẽ chỉ vì Trương Công Diệu là người Trường sa tỉnh Hồ Nam - một cái nôi của Đông y học, lại là nơi đã khai quật được những bộ y thư thuộc loại sớm nhất và là quê hương của Thánh y Trương Trọng Cảnh.
Trương Công Diệu lập luận theo công thức: "Tây y = Y học khoa học; Theo những quy phạm của Tây y, lý luận Đông y hoàn toàn không phù hợp. Do đó, Đông y = Khoa học giả tạo (ngụy khoa học); Cần phải đánh đổ". Trương Công Diệu muốn "chia tay" Đông y vì 3 lý do: Đông y là khoa học, khoa học phải tiến bộ, nhưng từ 2000 năm nay Đông y không tiến bộ. Từ trước tới nay những nỗ lực nhằm "khoa học hóa" Đông y đều thất bại. Thuốc Đông y thực chất không có tác dụng, là "thuốc vờ" chỉ là hiệu ứng tâm lý. Dẫn chứng Trương Công Diệu đưa ra để minh họa khiến người hiểu biết chút ít về Đông y cũng phải phì cười. Ví dụ: "Kết quả nghiên cứu ở phương Tây cho thấy, nhân sâm hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh, chỉ là loại thực phẩm bình thường!"
Trương Công Diệu đã chỉ trích Đông y một cách vô căn cứ và rất cay độc. Về vai trò của Đông y, Trương Công Diệu viết: "Đông y luôn luôn tự xưng là "tấm gương nhân thuật". Thế nhưng, thứ "nhân thuật" đó lại chẳng hề có những biểu hiện lòng nhân ái. Chỉ cần đề cập tới vài điều chủ yếu: (1) Chỉ là làm ra vẻ là nhân thuật để lừa người bệnh. (2) Sử dụng những thứ quái lạ (dị vật), những thứ bẩn thỉu, độc hại để làm thuốc gây hại cho người bệnh. (3) Tìm những "kỳ phương" với "kỳ hiệu" để gây khó dễ cho người bệnh và để trốn tránh trách nhiệm trong trường hợp chữa trị không có hiệu quả... Tôi có thể nói một cách hoàn toàn có trách nhiệm là, Đông y là một thứ văn hóa chẳng có vai trò tích cực nào cả, càng không phải là một khoa học, thậm chí còn chưa thể gọi là "Ngụy khoa học". Đó chỉ là một trò lừa bịp có mưu tính của những nho sĩ thi không đậu thời xưa ở Trung Quốc cố ý lợi dụng tâm lý "có bệnh vái tứ phương" của người bệnh.".
Trương Công Diệu được Vương Trừng (một bác sĩ phục hồi chức năng, người Mỹ gốc Hoa ở New York) ủng hộ nhiệt liệt, phong Trương Công Diệu là "Dũng sĩ chống Đông y - (Phản trung y đấu sĩ). Đầu tháng 10/2006, nhân dịp Ủy ban cải cách quốc gia mở cuộc trưng cầu ý kiến về cải cách y tế, hai người đã phát động phong trào lấy chữ ký yêu cầu Chính phủ thủ tiêu Đông y và thay đổi nội dung của điều 21 trong Hiến pháp. Từ đó, dư luận mới bắt đầu chú ý tới Trương Công Diệu. Sau khi đưa ra bản trưng cầu, Trương Công Diệu tỏ ra rất đắc ý: "Trước đây rất nhiều người vẫn coi tôi và Vương Trừng là hai kẻ tâm thần, ngày ngày tung lên mạng những bài phê phán Đông y. Theo 1 điều tra trên mạng, đã có hơn 2 vạn người ủng hộ chúng tôi. Như vậy không phải là chúng tôi mắc bệnh tâm thần".
Nhưng theo điều tra trên mạng của phóng viên "Tam tương đô thị báo": Chỉ có khoảng 140-150 người tỏ ý kiến tán thành. Còn trên đường dây nóng của "Tam tương đô thị báo": Đã có 252 người gọi điện đến, chỉ có 2 người ủng hộ Trương Công Diệu. Khi đó Bộ y tế tuyên bố công khai: "Kiên quyết phản đối - Đó là sự vô tri đối với lịch sử, cũng là sự mạt sát ngu ngốc đối với vai trò quan trọng của Đông y, Đông dược trong đời sống thực tiễn". Còn Cục quản lý dược tuyên bố: "Thủ tiêu Đông y, là sự phủ định bừa bãi đối với khoa học.". Tại quê hương Trương Công Diệu, Viện nghiên cứu Đông y Hồ Nam đã quyết định làm việc với luật sư để khởi kiện Trương Công Diệu về tội phỉ báng. Đại diện của viện phát biểu: "Các cuộc tranh luận về học thuật Đông y rất nhiều. Điều đó rất bình thường. Đông y còn cần phải tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Nhưng nói Đông y là khoa học giả tạo, Đông y là trò lừa bịp, Đông y chữa bệnh là hại người, thì tính chất sự việc đã thay đổi hẳn.".
Hiện tại, nếu bạn lên mạng vào chương trình tìm kiếm gõ hai từ khóa "Trương Công Diệu" và "Phế chỉ trung y" sẽ thấy: Trương Công Diệu đang bị "mắng" và "đuổi đánh" thậm tệ. Gần đây nhất, Trương Công Diệu đã thay đổi chiến lược nói rằng: "Chỉ muốn đưa vấn đề ra để thảo luận về mặt học thuật". Nhưng những lời chỉ trích vô căn cứ, cố ý bôi nhọ Đông y của Trương Công Diệu trước đây đã khiến cho vấn đề vượt ra ngoài phạm vi của một cuộc thảo luận học thuật.
(Xem tiếp kỳ sau)
Lương y THÁI HƯ
(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.