"Biện bệnh" và "biện chứng":
Lý luận của Đông y và Tây y khác nhau rất xa, do đó phương pháp trị liệu và sử dụng thuốc trên lâm sàng, cũng rất khác nhau. Đông y dùng thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị", nghĩa là lấy "chứng" ("chứng hậu", "thể bệnh") làm căn cứ. Trong khi đó Tây y dùng thuốc theo nguyên tắc "Biện bệnh luận trị", nghĩa lấy "bệnh" làm căn cứ.
Tây y cho rằng, "bệnh" là do một tác nhân gây bệnh nào đó, bao gồm các nhân tố vật lý, hóa học, sinh học, ... tác động lên vị trí đặc định của cơ thể, mà dẫn tới những biến đổi bệnh lý đặc thù. Bệnh là một quá trình diễn biến phức tạp, với những hình thức biểu hiện, quy luật phát sinh, phát triển và chuyển quy nhất định.
Lấy việc dùng thuốc chữa bệnh cúm làm ví dụ: Tây y quan niệm, cúm là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, do vi rút gây nên. Biểu hiện điển hình của bệnh là, khởi bệnh cấp, phát sốt, đau đầu, mệt mỏi, toàn thân đau nhức; có thể kèm theo viêm phổi. Tùy theo bệnh tình cụ thể, bệnh cúm còn chia ra các thể, như cúm đơn thuần, thể viêm phổi, thể trúng độc, ...
Phương pháp chữa cúm trong Tây y tập trung vào việc chữa triệu chứng: Sốt cao thì dùng thuốc hạ sốt, trấn tĩnh; nếu bị nhiễm khuẩn, có thể dùng kháng sinh; ... Nói chung, chỉ cần chẩn đoán là "bệnh cúm", bất kể là ai, dù trong mùa nào, đều được chữa trị theo phác đồ cố định. Không chỉ đối với riêng bệnh cúm, chữa trị các bệnh khác cũng làm như vậy.
Trong Đông y: Bệnh cúm nằm trong phạm vi của các chứng "cảm mạo", "thương phong", ... quy loại vào "Biểu chứng" trong "Bát cương". Khi tiến hành "Biện chứng luận trị", lại thường chia ra "Biểu hàn" và "Biểu nhiệt". Và khi dùng thuốc, còn cần tính đến đặc điểm thể chất của người bệnh, yếu tố thời tiết trong từng mùa, ... để tiến hành phân tích một cách toàn diện.
Thí dụ, trường hợp cảm lạnh nhẹ, chỉ dần dùng vài lát gừng tươi sắc với đường uống ("Khương đường thang"); trường hợp cảm lạnh nặng, cần dùng "Ma hoàng thang"; mùa Hè nhiễm lạnh mà bị cảm, cần dùng "Hoắc hương chính khí tán"; mùa Hè bị cảm do nắng nóng (nhiệt), cần dùng "Tang cúc ẩm", ... Như vậy, cùng là một bệnh cảm cúm, nhưng mỗi trường hợp cần dùng một loại thuốc tương ứng, không thể lẫn lộn. Đông y gọi đó là "Đồng bệnh dị trị" - nghĩa là cùng một bệnh mà chữa khác nhau.
"Đồng bệnh dị trị" là gì?
Trước hết hãy xét một ví dụ thực tế, từng xảy ra trong quá trình hành nghề của một thầy thuốc Đông y.
Lương y H vừa đi làm về, thì thấy hai vợ chồng ông T cùng đến. Nghe giọng hai người khác thường ngày, lại húng hắng ho, đoán là đến để bốc thuốc. Quả nhiên, cả hai vợ chồng đều đang bị ho do cảm mạo. Ông T nói, vợ ông bị cúm, sau đó truyền mầm bệnh sang ông. Ông T ho nhiều, khạc ra đờm đặc quánh, màu vàng hơi xanh; nước mũi cũng có màu xanh. Lương y H cho ông T uống phương thuốc "Thanh phế tán", chủ yếu dùng các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt trừ phong. Còn bà T ho khạc đờm loãng, chảy nước mũi trong; cho dùng phương thuốc "Tiểu thanh long thang", chủ yếu là các vị thuốc tính nhiệt, có tác dụng phát tán hàn tà.
Bốc thuốc xong, lương y H dặn hai vợ chồng ông T về nhà sắc thuốc uống, nghỉ ngơi. Ai ngờ, hôm sau vừa đi làm về, đã thấy hai vợ chồng ông T chờ sẵn ở cửa, nói rằng uống thuốc vào ho càng nặng thêm. Điều đó khiến cho lương y H cảm thấy hơi khó hiểu. Đúng là chứng ho sau cảm mạo thường rất dai dẳng, tương đối khó chữa, nhưng không thể thất bại hoàn toàn như vậy. Một người không đỡ còn có lý, đằng này cả hai người bệnh đều nặng thêm lên. Hỏi thêm về chế độ sinh hoạt, ăn uống, ... cũng không thể tìm ra manh mối, điều đó khiến lương y H thấy rất đau đầu. Suy nghĩ kỹ lưỡng thêm một lát, lương y bảo hai vợ chồng ông T dẫn về nhà. Vừa vào nhà, lương y đi ngay vào bếp. Ấm sắc thuốc vẫn ở trên bàn, bã thuốc vẫn còn nguyên trong ấm. Lương y hỏi đó là thuốc của ai. Người chồng nói: "Tôi sắc cho vợ trước, bã thuốc đã đổ đi. Còn ở đây là thuốc của tôi". Nghe thấy vậy, lương y H thở dài và bảo rằng, họ đã uống lẫn thuốc của nhau. Sau khi kiểm tra những thang thuốc còn lại, thầy H cẩn thận ghi tên từng người lên từng gói thuốc và dặn họ theo đó mà uống.
Vài hôm sau, vợ chồng ông T đều khỏi bệnh, đến cảm ơn và thổ lộ, do nghĩ mấy thang thuốc đều là thuốc ho, chẳng khác gì nhau, nên đã không chẩn thận, khiến bệnh nặng thêm. Lương y H liền giải thích, bệnh của họ tuy đều là ho do cảm mạo, cùng do một tác nhân gây nên, do vi rút cúm từ vợ truyền sang chồng, nhưng vì thể chất và sức chống bệnh của hai người không giống nhau, sau khi nhiễm bệnh phản ứng của cơ thể cũng không giống nhau, phải sử dụng những phép chữa, phương thuốc khác nhau.
Nói khái quát, "Đồng bệnh dị trị" chỉ, cùng là một bệnh, nhưng do thời gian hoặc địa điểm phát bệnh khác nhau, đặc biệt là do sự khác biệt về thể chất giữa các cá thể, mà xuất hiện các "chứng" ("chứng hậu") khác nhau, do đó cần áp dụng những phép chữa, sử dụng những biện pháp, phương thuốc, khác nhau.
Thể chất quyết định "chứng" ("chứng hậu"). Cùng bị cảm nhiễm một loại "bệnh tà" (tác nhân) hoặc một loại bệnh, nhưng do sự khác biệt về thể chất giữa các cá thể, mà hình thành các "chứng hậu" âm dương, hàn nhiệt, hư thực khác nhau. Người thể chất thuộc loại "Dương nhiệt", khi mắc bệnh thường có những biểu hiện thuộc các chứng "thực", chứng "nhiệt". Người thể chất thuộc loại "Hư hàn", khi mắc bệnh hay xuất hiện các chứng "hư", chứng "hàn". Ví dụ như trường hợp ho do cảm mạo nói trên. Do sự khác biệt về thể chất, ở người chồng đã xuất hiện các chứng trạng thuộc loại chứng "Dương nhiệt", nên đã được thầy thuốc cho sử dụng các vị thuốc mát, có tác dụng thanh nhiệt trừ phong; còn ở người vợ lại xuất hiện các chứng trạng thuộc loại "Âm hàn", nên đã được cho sử dụng các loại thuốc nóng, ấm, có tác dụng phát tán hàn tà.
Nguyên tắc "Đồng bệnh dị trị" cho ta thấy, trên lâm sàng sử dụng Đông dược không thể chỉ căn cứ vào tên bệnh. Càng không thể sử dụng một loại thuốc đặc hiệu nào đó để chữa trị một bệnh nhất định. Do sự sai khác về thể chất giữa các cá thể, nên một vị thuốc hay phương thuốc, có thể tác dụng tốt đối với người nào đó, nhưng không có tác dụng đối với người khác, thậm chí gây hại.
Xét từ giác độ của Y học hiện đại "Đồng bệnh dị trị" - cùng một bệnh mà chữa khác nhau, là một chuyện có vẻ phi lý, thậm chí có người còn cho rằng làm như vậy là phản khoa học, không thể chấp nhận. Thế nhưng, "Đồng bệnh dị trị" lại là một nguyên tắc chữa bệnh (trị tắc) đã được Đông y học học áp dụng từ hàng ngàn năm về trước và giá trị thực tiễn của nó đã được chứng thực trên lâm sàng.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên Tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.