Hỏi:
Tôi tuy đã hơn 60 nhưng là độc giả thường xuyên "Thuốc vườn nhà". Nay kính mong Quý báo cung cấp giúp cho những thông tin về tác dụng của cây đinh lăng, vì tôi nghe nói đây là loại cây thuộc họ Sâm. Xin thành thật cảm ơn.
Nguyễn Văn Chín, Phan Thiết, Bình Thuận
Đáp:
Vấn đề bác nêu rất thiết thực. Vì hiện tại không ít người thích đi tìm "thần dược" theo những lời mách bảo hoặc tin đồn chưa được kiểm chứng, trong khi đó lại bỏ quên không tận dụng những cây thuốc quý sẵn có ngay trong vườn nhà và đã được khoa học kiểm chứng.
Đinh lăng còn gọi là "cây gỏi cá", "nam dương sâm", "phúc lộc thụ", "phú quý thụ", ... tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms (Panax fruticosum L, Nothopanax fruticosum (L.) Miq., Tieghemopanax fruticosus (L.) R. Vig., thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), cùng với Nhân sâm.
Ngoài công dụng dùng làm rau sống, ăn gỏi cá, đinh lăng còn là một vị thuốc quý.
Theo Đông y: Rễ đinh lăng có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng bổ mát, thông huyết mạch, tiêu sưng, chống viêm, giảm đau. Lá có vị bùi, đắng, thơm, hơi mát, có tác dụng giải độc thức ăn, chống tanh hôi gây dị ứng, tiêu trừ mẩn ngứa. Dân gian thường dùng để chữa ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng, ... Tại ấn Độ, đinh lăng được dùng chữa sốt, làm săn da. Một số công trình nghiên cứu hiện đại còn phát hiện thấy đinh lăng có tác dụng bổ.
Từ những năm 60 thế kỷ trước, các nhà khoa học nước ta và Liên Xô trước đây, đã tiến hành nghiên cứu đinh lăng và phát hiện thấy:
- Về thành phần hóa học: Trong đinh lăng đã tìm thấy các alcoloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1, các axit amin (trong đó có lyzin), xystein và methionin, là những axit amin thiết yếu, không thể thay thế được.
- Về tác dụng dược lý, sơ bộ phát hiện đinh lăng có một số tác dụng sau:
1. Tăng lực, tăng sức dẻo dai, tăng sức đề kháng của cơ thể: Nước sắc rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể, tương tự như nhân sâm. Thí nghiệm trên chuột, thấy đinh lăng làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu cao tần và thấy có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột, mạnh hơn so với một số thuốc khác, như ngũ gia bì Eleutherococcus của Liên Xô cũ, đương qui, ba kích. Tác dụng này có thể là do tính chất bổ toàn diện, nhưng còn có thể do cơ chế điều hòa nhiệt của đinh lăng. Thực nghiệm trên người cho thấy, viên bột rễ đinh lăng làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như luyện tập.
2. Đối với hô hấp, tim mạch: Với liều 0,5ml dung dịch cao đinh lăng 100-200% trên 1kg thể trọng, có tác dụng tăng cường hô hấp cả về biên độ và tần số; huyết áp nhất thời hạ xuống.
3. Đối với tiết niệu: Đinh lăng có tác dụng tăng tiết niệu, gấp trên 5 lần so với bình thường, với liều uống 2ml dung dịch đinh lăng 100% cho 100g thể trọng (thí nghiệm trên chuột bạch).
4. Đối với tử cung: Trên tử cung tại chỗ, với liều 1ml dung dịch cao đinh lăng 100% cho 1kg thể trọng, làm tăng co bóp tử cung nhẹ.
- Liều độc: Đinh lăng ít độc hơn nhân sâm và ngũ gia bì.
Một số cách sử dụng trong gia đình:
(1) Chữa bệnh mỏi mệt, ngại hoạt động: Đinh lăng (rễ) phơi khô, thái mỏng 2-5g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.
(2) Lợi sữa: Dùng lá đinh lăng 50-60g nấu cháo ăn. Hoặc dùng rễ đinh lăng, sao vàng, sắc uống thay trà. Có tác dụng giúp sản phụ ăn ngon miệng và có nhiều sữa cho con bú.
(3) Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ cây đinh lăng 30-40g, thêm 500ml nước, sắc còn 250ml; uống nóng, liên tục 2-3 ngày, vú sẽ hết nhức và sữa ra bình thường.
(4) Chữa vết thương: Giã nát lá đinh lăng đắp lên chỗ bị bệnh.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.