Hỏi:
Năm ngoái, sau một tai nạn giao thông cánh tay trái của tôi bị thương, để lại một vết sẹo cỡ bằng ngón tay, lồi cao trên mặt da, ảnh hưởng khá lớn tới thẩm mỹ. Có người nói dùng hạt khổ luyện đắp sẽ hết. Rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết, có thể kiếm hoặc mua hạt khổ luyện ở đâu? Hạt khổ luyện có làm hết vết sẹo được không? Ngoài ra còn có cách nào khác?
Dương Thị Ánh Tuyết, Quảng Trạch, Quảng Bình
Đáp:
"Khổ luyện" là cây xoan, vỏ rễ có thể sử dụng để trừ giun, quả xoan cũng có tên là "khổ luyện tử" (trái khổ luyện). Nhưng xét theo tác dụng chữa vết sẹo, "hạt khổ luyện" mà bạn quan tâm, theo chúng tôi nghĩ là một trong số những tên gọi khác của vị thuốc Đông y có tên chính thức là "nha đảm tử".
Cây nha đảm tử trong dân gian thường gọi là "sầu đâu rừng", còn gọi là "sầu đâu cứt chuột", "xoan đâu rừng", "chù mền", "san đực" (Sầm Sơn), "cứt cò" (Vĩnh Linh), "bạt bỉnh" (Nghệ An); Hạt còn gọi là "hạt khổ sâm", "khổ luyện tử", ... Tên khoa học là Brucea javanica (L.) Merr.
Sầu đâu là loại cây rừng nhỏ, chỉ cao độ 1,6-2,5m là cùng, thân yếu không thành gỗ và không to như cây xoan. Lá xẻ lông chim không đều với 4-6 đôi lá chét. Hoa nhỏ khác gốc, mọc thành chùm xim. Quả hình bầu dục, màu đen. Hạt hình trứng, màu nâu đen.
Cây mọc hoang ở nhiều nơi như Hải Phòng, Đồ Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ... Vị thuốc "nha đảm tử" là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây sầu đâu, có bán ở hầu hết các cửa hàng Đông - Nam dược.
Đông y thường dùng nha đảm tử để chữa bệnh lỵ. Kinh nghiệm dùng nha đảm tử để bào mòn vết sẹo đã lưu truyền trong dân gian từ xưa và cũng được ghi chép lại trong một số sách thuốc của Đông y.
Cách sử dụng nha đảm tử để làm mòn vết sẹo như sau:
- Nha đảm tử khoảng 50g, bóc bỏ vỏ, chỉ lấy nhân bên trong. Nghiền thật nhuyễn, thêm va-dơ-lin (vaseline) trộn đều thành "kem thuốc" 30% (3 phần nha đảm tử trộn với 7 phần va-dơ-lin).
- Rửa sạch vết sẹo, lau khô, bôi một ít kem thuốc lên mặt sẹo, dùng băng hoặc vải sô cố định lại. Tránh để kem tiếp xúc với da lành, vì có thể tạo ra sẹo lõm.
- Cách khoảng từ 3-5 ngày thay thuốc một lần. Sau khi bôi thuốc một thời gian trên vết sẹo sẽ xuất hiện mụn nước nhỏ. Khi mụn nước đóng vảy, bong ra, vết sẹo sẽ mềm lại và bị bào mòn dần.
Tuy nhiên cần lưu ý là: Nha đảm tử là vị thuốc có độc, một số người sử dụng có thể bị dị ứng.
Theo chúng tôi nghĩ, bạn nên làm mòn vết sẹo bằng củ tam thất theo cách sau:
- Tam thất (để sống) tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng, lấy một ít bột tam thất trộn với giấm gạo thành bột nhão đắp lên chỗ vết sẹo (diện tích đắp rộng hơn chỗ tổn thương một chút).
- Mỗi ngày đắp 1 lần, liên tục 7 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục liệu trình khác. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm dùng bột tam thấp điều trị 25 ca sẹo lồi, sau khoảng từ 2-4 liệu trình tất cả đều khỏi bệnh.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.