Giải mã Đông y Tư duy độc đáo

"Dị bệnh đồng trị": Một phương thuốc chữa nhiều loại bệnh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/02/2014 09:10 CH

Chữa đau đầu, khỏi loạn cương dương:

    Bệnh nhân T, nam giới, 45 tuổi, bị đau đầu dai dẳng đã 4-5 năm. Đến bệnh viện khám, được bác sĩ cho chụp CT để kiểm tra, phát hiện thấy có khối u mạch máu não (encephalic angioma). Bác sĩ khuyên ông điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Vì sợ mổ xẻ, ông T đã tìm đến một phòng chẩn trị Đông y có uy tín để điều trị theo phương pháp truyền thống.

    Sau khi tiến hành tứ chẩn (vọng - nhìn, quan sát; văn - nghe, ngửi; vấn - hỏi; thiết - bắt mạch), thầy thuốc cho ông uống "Bổ dương hoàn ngũ thang", một loại thuốc có tính năng hoạt huyết hóa ứ. Khoảng gần nửa tháng sau, bệnh đau đầu của ông T đã bắt đầu giảm. Tiếp tục uống thuốc thêm 2 tháng nữa, bệnh đau đầu gần như khỏi hẳn; kiểm tra lại bằng CT thấy khối u đã thu nhỏ lại rất nhiều. Đặc biệt, bệnh nhân còn phấn khởi báo cho thầy thuốc biết, sau khi uống thuốc không những hết đau đầu, mà chứng bệnh dương nuy (liệt dương, rối loạn cương dương, Erectile dysfunction - ED) mà ông bị đã hơn 3 năm cũng khỏi.

    Nghe thấy vậy, thầy thuốc giải thích, "u mạch máu" là tên bệnh trong Tây y, trong Đông y thực ra không có thứ bệnh nào tên như vậy. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chẩn đoán theo phương pháp tứ chẩn của Đông y, tôi xác định thấy ông có những biểu hiện của chứng (chứng hậu) "Khí hư huyết ứ" và kê đơn cho ông sử dụng phương thuốc "Bổ dương hoàn ngũ thang". Nhờ cơ chế "bổ khí hóa ứ" của thuốc, mà chỉ dùng một phương thuốc có thể chữa được cả đau đầu và cả dương nuy.

Dị bệnh đồng trị:

    "Dị bệnh đồng trị" còn gọi là "đa bệnh nhất phương", nghĩa là "nhiều bệnh mà chỉ một phương thuốc"."Dị bệnh đồng trị", hiểu theo nghĩa đen nghĩa là "bệnh khác nhau mà chữa giống nhau".

    Đó là một nguyên tắc chữa bệnh của Đông y, áp dụng trong trường hợp: Với các bệnh khác nhau, chỉ cần chúng có chung cùng một "chứng" (chứng hậu), thì có thể áp dụng cùng một phương pháp, một phương thuốc để chữa.

    Trở lại trường hợp người bệnh bị u não nói trên. Bệnh nhân bị đau đầu kịch liệt, vị trí đau cố định, kèm theo những biểu hiện như sắc diện nhợt nhạt, người mệt mỏi, đuối sức, chân tay tê bì, tiểu đêm nhiều lần, miệng khô, môi tái, chất lưỡi tái nhợt, mạch tế sáp (nhỏ rít), ... Đó là những biểu hiện của chứng hậu "Khí hư huyết ứ".

    Khí và Huyết có quan hệ mật thiết với nhau. Trong cơ thể người, dương khí có vai trò như chiếc động cơ trong một cỗ máy. Bình thường, nhờ có sự thúc đẩy của khí, mà huyết dịch có thể lưu thông, tuần hoàn thông sướng trong hệ thống huyết mạch. Nếu như dương khí bị suy yếu, không đủ sức đẩy huyết lưu thông, tốc độ chảy của huyết bị chậm lại, thường sinh ra tình trạng ứ huyết. Huyết ứ đọng có thể gây nên bệnh ở rất nhiều vị trí  khác nhau. Gây bệnh ở đầu, như đau đầu, tắc mạch máo não, hình thành khối u, ... Có thể gây bệnh ở tứ chi, như chân tay tê bì, vận động khó khăn, bại liệt, ... Và cũng có thể gây bệnh cơ quan sinh sản, như u xơ tử cung ơ nữ giới, rối loạn cương dương ở nam giới, ... do tuần hoàn huyết bị cản trở, lượng máu bơm vào bộ phận sinh dục không đầy đủ, ... Sau khi sử dụng "Bổ dương hoàn ngũ thang", khí huyết đã lưu thông, thì các bệnh do huyết ứ gây nên đều được khắc phục.

    Một ví dụ khác rất điển hình. Từ xưa các thầy thuốc Đông y đã sớm phát hiện thấy, ở những bệnh nhân chức năng tiêu hóa bị suy giảm, bị đi lỵ lâu ngày, sa dạ dày, thoát giang (lòi rom, sa trực tràng), đái dưỡng chấp, phụ nữ sa tử cung, kinh nguyệt quá nhiều, ... thường có chung một cơ chế bệnh (bệnh cơ), mà Đông y gọi là "Trung khí hạ hãm", với những biểu hiện chủ yếu như người mệt mỏi, đuối sức, thở nông, ngại nói, tiếng nói yếu, váng đầu, hoa mắt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡng trắng, mạch tế nhược (nhỏ yếu), ... Những bệnh nhân có chung những triệu chứng như vậy, tuy bị mắc các bệnh khác nhau, nhưng có chung một cơ chế bệnh, với những biểu hiện của chứng hậu "Trung khí hạ hãm", đều được chữa trị bằng phương pháp "Thăng đề trung khí", sử dụng cùng phương thuốc "Bổ trung ích khí thang" và kết quả đều mỹ mãn cả.

    Những ví dụ kể trên không phải cá biệt. Trên thực tế, có rất nhiều người bệnh tìm đến với Đông y để điều trị một chứng bệnh nào đó, sau thời gian điều trị thường khỏi luôn cả một số bệnh khác. Đó là vì "dị bệnh" (bệnh khác nhau) có thể "đồng trị".

    "Dị bệnh đồng trị" là một nguyên tắc trị liệu độc đáo của Đông y và giá trị của nó đã được khẳng định. Thực tế lâm sàng cho thấy, bệnh tuy khác nhau, nhưng nếu có chung một cùng một chứng hậu, thì đều có thể áp dụng chung cùng một phép chữa.

    Đông y chữa bệnh theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị". Tương tự như nguyên tắc "Đồng bệnh dị trị" mà chúng ta đã đề cập trong kỳ trước, "Dị bệnh đồng trị" cũng là nguyên tắc chữa bệnh hình thành trên cơ sở "Biện chứng luận trị". "Biện chứng luận trị" coi trọng "chứng". Cùng là một bệnh, nếu xuất hiện các chứng khác nhau, Đông y sẽ chữa trị theo những cách khác nhau ("Đồng bệnh dị trị"). Ngược lại, tuy bệnh khác nhau, nhưng có những biểu hiện thuộc cùng một chứng, Đông y sẽ chữa trị theo cùng một cách ("Dị bệnh đồng trị").

    "Chứng" (chứng hậu) trong Đông y, không phải là những triệu chứng riêng biệt, mà là bức tranh toàn cảnh về bệnh tình, bao gồm nguyên nhân bệnh, vị trí bệnh, tính chất bệnh, cũng như tương quan lực lượng giữa các tác nhân gây bệnh và khả năng chống bệnh (sức đề kháng) của cơ thể. Chính vì thế, chỉ cần chữa khỏi "chứng", thì sức khỏe toàn thân sẽ cải thiện, cân bằng Âm Dương trong cơ thể sẽ được khôi phục và bệnh tật sẽ bị đẩy lui.

Hai phương thuốc có nhiều công dụng:

    (1) Bổ dương hoàn ngũ thang:

        - Thành phần: Sinh hoàng kỳ 120g, quy vĩ 9g, xích thược 9g, xuyên khung 9g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, địa long 9g.

        - Cách dùng: Sắc lấy nước, chia ra 2-3 lần uống trong ngày.

        - Tác dụng: Bổ khí, hoạt huyết, hóa ứ, sơ thông kinh lạc.

        - Phạm vi ứng dụng: Chuyên dùng chữa các chứng ứ huyết do dương khí hư tổn. Phương thuốc được tổ thành bởi các vị thuốc bổ khí và các vị thuốc hoạt huyết hóa ứ, nhưng gốc bệnh là dương khí hư tổn, do đó hoàng kỳ - vị thuốc bổ khí chủ lực, được sử dụng với liều lớn gấp nhiều lần các loại thuốc hoạt huyết hóa ứ.

        * Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Bổ dương hoàn ngũ có tác dụng hoãn giải tình trạng thiếu máu ở cơ tim, điều chỉnh nhịp tim, cải thiện tuần hoàn máu toàn thân, đặc biệt ở não và tứ chi.

        Nói chung, đối với các chứng bệnh huyết ứ do khí hư, đều có thể sử dụng "Bổ dương hoàn ngũ thang" để chữa.

        Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trị liệu, cần căn cứ bệnh tình cụ thể, mà gia giảm một cách linh hoạt. Ngoài ra "Bổ dương hoàn ngũ thang" là thuốc có tính ôn, sử dụng không thích đáng có thể trợ hỏa, người bị cao huyết áp không nên sử dụng.

    (2) Bổ trung ích khí thang:

        - Thành phần: Hoàng kỳ 24g, nhân sâm 15g, bạch truật 10g, chích cam thảo 6g, trần bì 9g, đương quy 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g.

        - Cách dùng: Sắc nước uống trong ngày. Hiện nay, thuốc này đã được sản xuất dưới dạng thuốc viên ("Bổ trung ích khí hoàn") và bán rộng rãi.

        - Tác dụng: Ích khí thăng dương, điều bổ tỳ vị.

        - Phạm vi ứng dụng: Đây là phương thuốc ích khí thăng dương tiêu biểu. Trong đó hoàng kỳ có tác dụng bổ ích tỳ vị là chủ dược, phối hợp với thăng ma và sài hồ là những vị thuốc có tính thăng tán, để tăng cường tác dụng thăng đề của hoàng kỳ. Lại phối hợp với nhân sâm, bạch truật và cam thảo để tăng cường tác dụng ích khí, kiện tỳ. Bài thuốc dùng trần bì, có tác dụng điều tiết khí cơ, để phòng ngừa thuốc bổ có thể gây nên trệ. Khí và huyết có tác dụng tương hỗ với nhau, nên ngoài các vị thuốc bổ khí, bài thuốc còn sử dụng đương quy để dưỡng huyết. Huyết đầy đủ, thì dương khí sẽ chóng kiện toàn.

        * Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Bài thuốc bổ trung ích khí có tác dụng cải thiện trạng thái toàn thân, tăng cường chức năng miễn dịch, giảm nhẹ tác hại của các tia phóng xạ và tác hại của các thuốc hóa dược đối với cơ thể.

        Bài thuốc có rất nhiều ứng dụng lâm sàng. Nói chung, các bệnh có kèm theo biểu hiện "khí cơ hạ hãm", như sa dạ dày, sa trực tràng, sa tử cung, tiểu tiện són ra liên tục, .... đều có thể sử dụng bài thuốc này để chữa.

        Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trị liệu, cần căn cứ vào bệnh tình cụ thể mà tiến hành gia giảm một cách hợp lý.

        Ngoài ra, bổ trung ích khí là loại thuốc ôn thăng, do đó người mắc chứng hư hỏa thượng viêm, với những biểu hiện như mặt đỏ bừng, miệng đắng, hoa mắt chóng mặt, họng khô, lợm giọng buồn nôn, ... không nên sử dụng.


Lương y THÁI HƯ

(Bài đã đăng trên Tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]