Hỏi:
Da cháu khô, từ cuối mùa thu, qua mùa đông, tới tận đầu xuân, da lại
càng khô, căng tức, ngứa ngáy rất khó chịu. Và da chỗ sát móng tay và
gót chân cũng hay bị nứt. Cháu đã uống vitamin theo đơn bác sĩ, cũng thử
bôi một số loại kem dưỡng da, mỹ phẩm, ... nhưng vẫn không khỏi. Đề
nghị "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" giới thiệu giúp, có những thảo dược nào có
thể sử dụng để chữa da khô nứt hay không?
Nguyễn Thị Ngọc Giao, Từ Sơn, Bắc Ninh
Đáp:
Mùa đông da nứt nẻ, căng, ngứa, ... là tình trạng rất hay gặp ở những
người da khô, nhất là nữ giới, vì da phụ nữ mỏng hơn da nam giới. Vết
nứt hay xuất hiện ở chân, tay, các nếp gấp, kẽ ngón, nhất là gót chân,
là vị trí thường bị đè nặng, có lớp sừng dày hơn, lại không có nang lông
cũng như tuyến bã. Da ở bàn tay cũng có thể bị nứt, nhưng ít gặp hơn
chân.
Bình thường, vào những ngày nóng, thì hiện tượng nứt da
chân ít gặp, đến những ngày trời lạnh, thì nứt chân gia tăng rõ ràng.
Thời tiết càng lạnh, tình trạng nứt da càng trầm trọng, dẫn tới rỉ máu,
đau nhức, ngứa ngáy hết sức khó chịu.
Hiện tượng nứt da trong Đông y gọi là "quân liệt sang", "nhục liệt", "bì phu can liệt", ...
Theo đông y:
"Quân liệt sang" chủ yếu do "khí huyết bất vinh" (khí huyết không đầy
đủ), lại bị "phong lãnh hàn tà" (gió lạnh và hàn tà) xâm phạm, khiến
huyết mạch trở trệ, bì phu thất dưỡng (da không được nuôi dưỡng đầy đủ),
trở nên khô quá mức và sinh vết nứt. Để chữa trị, cần tiến hành đồng
thời uống trong và bôi ngoài.
• Thuốc uống trong:
(1) Dưỡng huyết nhuận phu ẩm:
- Thành phần:
Quy thân 15g, thục địa 30g, hà thủ ô chế 15g, bạch thược 10g, thiên môn
đông 10g, mạch môn đông 10g, hồng hoa 6g, đào nhân 10g, thuyền y 6g.
- Cách dùng:
Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 15 ngày (1 liệu trình), nghỉ 5
ngày, lại tiếp tục liệu trình khác; uống liên tục 7-8 liệu trình.
- Tác dụng:
Tư âm nhuận táo, dưỡng huyết trừ phong. Thích hợp với trường hợp bệnh
kéo dài lâu ngày, do không được chữa trị triệt để kịp thời. Thích hợp
với trường hợp da bị nứt tương đối sâu, rỉ máu, đau kịch liệt, chất lưỡi
nhợt, mạch tế (nhỏ yếu).
(2) Quy quế nhuận phu thang:
- Thành phần: Đương quy 10g, hà thủ ô 15g, quế chi 10g, bạch thược 10g, đại táo 10 trái, chích cam thảo 4g, thục địa 15g.
- Cách dùng:
Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 15 ngày (1 liệu trình), nghỉ 5
ngày, lại tiếp tục liệu trình khác; từ thu qua đông, uống liên tục 3-4
liệu trình.
- Tác dụng: Dưỡng huyết
nhuận phu, trừ phong tán hàn. Thường sử dụng để phòng ngừa da khô trong
các mùa thu, mùa đông và cũng có tác dụng điều trị đối với trường hợp da
khô, ngứa và nứt nẻ tương đối nhẹ.
• Thuốc bôi ngoài:
(1) Bài thuốc 1:
Dùng vỏ quít 30g, hành hoa 15g; sắc lấy nước đặc, nhân lúc thuốc đang
nóng, dùng khăn tẩm nước thuốc, đắp lên chỗ da nứt nẻ; ngày đắp 1-2 lần.
(2) Bài thuốc 2: Dùng bạch cập (mua ở tiệm thuốc Đông Nam dược), tán thành bột mịn 15g, trộn với 60g dầu vừng (dầu mè, loại dùng để ăn); cho vào lọ rộng miệng để dùng dần, ngày bôi 1-2 lần lên chỗ da bị khô hoặc nứt nẻ; buổi tối trước khi đi ngủ, nếu ngâm chân trong nước ấm khoảng 10-15 phút, lau khô, sau đó bôi thuốc lên, tác dụng càng tốt.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.