Hỏi:
Tôi có cháu nhỏ, lên 6 tuổi, mũi rất hay bị chảy máu cam. Đã đi bệnh
viện, uống thuốc theo đơn bác sĩ, mà không khỏi. Gần đây tôi nghe nói,
cỏ nhọ nồi chữa chảy máu rất hay, kể cả chảy máu mũi. Tôi không biết có
đúng hay không? Cách sử dụng cụ thể như thế nào? Mong được "Thuốc vườn
nhà" tư vấn cho biết.
Nguyễn Thị Vân Anh, Đại Từ, Thái Nguyên
Đáp:
Cỏ nhọ nồi còn gọi là "cỏ mực", "hạn liên thảo", "mặc hạn liên", "kim
lăng thảo", "lễ tràng", "mặc trấp thảo", "thủy phương tiên thảo", ...
tên khoa học là Eclipta prostrata L. [ E. alba (L.) Hassk].
Cỏ
mực là loài cây nhỏ, thân có lông; lá mọc đối, hình xoan dài, có lông
hai mặt; hoa trắng nhỏ; đặc điểm nổi bật của cây này là khi vò nát có
màu đen như mực, cho nên mới có tên gọi là "cỏ mực".
Cỏ mực là
một vị thuốc quý mọc hoang ở khắp nơi. Trong thành phố nhà diện tích
nhỏ, cũng nên trồng vài khóm cỏ mực trong chậu hoa hay trong hộp xốp, để
sử dụng làm thuốc chữa bệnh thông thường.
Theo Đông y:
Cỏ mực có vị ngọt, chua; tính mát; vào các kinh Can và Thận. Có tác
dụng tư âm (bổ âm), bổ Thận; làm mịn da, đen tóc, chắc răng; lương huyết
(mát máu), chỉ huyết (cầm máu). Sách "Tân Tu Bản Thảo" viết:
"... vết thương đang chảy máu, đắp cỏ mực vào máu sẽ lập tức cầm lại;
lấy nước cốt bôi lên lông mày và tóc thì sẽ mọc tốt hơn". Còn sách "Thiên Kim Nguyệt Lệnh" viết: “Lấy nước cốt cỏ mực, trộn với nước gừng và mật, uống vào sẽ làm cho râu tóc đang bạc hóa đen".
Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện thấy cỏ mực có những tác dụng dược lý như sau:
1. Cầm máu:
Chất tanin trong cỏ mực có tác dụng làm tăng tốc độ đông máu. Trong một
thí nghiệm, người ta cắt đứt động mạch đùi ở chó, sau đó dùng bột cỏ
mực tán mịn đắp lên chỗ đứt, ấn nhẹ vào, có tác dụng cầm máu tốt.
2. Diệt khuẩn, tiêu viêm:
Cỏ mực có tác dụng diệt một số tụ cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu
(bacillus diphtheria), trực khuẩn viêm ruột (bacillus enteritidis) và có
tác dụng nhất định đối với amip.
3. Tăng cường miễn dịch, ức chế ung thư:
Kích hoạt hệ miễn dịch, đặc biệt là đối với tế bào limphô T
(T-lymphocytes); có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư,
đặc biệt là đối với ung thư dạ dày.
• Chữa chảy máu mũi:
- Cỏ mực có thể sử dụng để chữa chảy máu mũi (đổ máu cam) theo cách rất
đơn giản như sau: Hái 1 nắm cỏ mực tươi, rửa sạch, vẩy cho khô (như khi
rửa rau sống), giã vắt lấy nước cốt, cho uống.
- Kinh nghiệm thực tế cho thấy, uống xong 2-3 lần đã thấy kiến hiệu. Sau khi khỏi, có thể uống thêm 2-3 lần nữa để củng cố.
- Đối với trẻ tạng hàn (hay đau bụng, ỉa chảy, sợ lạnh): Sau khi vắt
lấy nước cốt, nên cho vào chén hấp cách thủy, cho uống khi còn ấm.
- Cũng có thể dùng cỏ mực 25g (thêm ngó sen 20g càng tốt), sắc lấy
nước; chia 2 lần uống vào sáng và chiều, liên tục trong 7-10 ngày.
• Cỏ mực còn có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh khác, xin giới thiệu một số cách sử dụng tương đối đơn giản:
(1) Chữa sỏi thận, tiểu tiện ra máu:
Dùng cỏ mực 15g, cỏ mã đề (xa tiền thảo) 15g, đường trắng lượng thích
hợp; cỏ mực và mã đề sắc lấy nước, khi uống rót nước thuốc ra bát, sau
đó cho thêm đường vào cho đủ ngọt; mỗi ngày 1 thang, chia ra nhiều lần
uống thay trà trong ngày; liên tục trong 20 ngày.
(2) Chữa đao thương chảy máu: Lấy cỏ mực đem giã nát đắp lên chỗ bị thương; cũng có thể đem cỏ mực phơi khô, tán mịn, rắc lên vết thương.
(3) Hỗ trợ trong điều trị chứng giảm tiểu cầu máu:
Cỏ mực 10g, nhân sâm 5g (nếu không có thay bằng đảng sâm 12g), gạo tẻ
50g, đường trắng vừa đủ; nhân sâm thái thành lát mỏng, hấp chín; cỏ mực
rửa sạch, sắc lấy nước để nấu cháo; sau khi cháo chín, cho sâm vào, thêm
chút đường cho đủ ngọt; dùng mỗi ngày 1 lần, ăn thay bữa điểm tâm buổi
sáng; liên tục trong 5 ngày.
(4) Phòng và chữa viêm da khi làm ruộng nước:
Lấy cỏ mực tươi 1 nắm (khoảng 50g), rửa sạch, vò nát rồi xát lên chân
và tay cho đến khi màu da chuyển sang tím đen nhạt; chờ một lát cho da
khô, rồi có thể xuống ruộng nước làm việc. Chất tanin và một số hoạt
chất khác trong cỏ mực có tác dụng làm săn da và phòng viêm nhiễm ngoài
da rất tốt.
(5) Phụ nữ ngứa âm đạo: Lấy cỏ mực tươi khoảng 100g, sắc nước để rửa ngoài âm đạo; có thể thêm chút câu đằng vào sắc cùng càng tốt.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.