Hỏi đáp

Cỏ mần trầu phòng trị viêm não B

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/08/2012 11:18 CH

Hỏi:

Từ thời chiến tranh, gia đình chúng tôi đã thường dùng cỏ mầu trầu để chữa bệnh thông thường, theo hướng dẫn trong "Toa căn bản". Tác dụng nói chung đều rất tốt. Gần đây, tôi nghe nói, cỏ mần trầu còn có thể phòng ngừa và chữa viêm não B. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng thì cần sử dụng như thế nào?

Nguyễn Xuân Anh, Nga Sơn, Thanh Hóa

Đáp:

cỏ mầu trầu, cỏ mần chầu, cỏ vườn trầu, cỏ dáng, cỏ bắc, ngưu cân thảo, thiên kim thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.)

Cỏ mần trầu là một vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh, lại dễ tìm, dễ kiếm; cây mọc hoang ở khắp nơi - "cỏ mần trầu đi đâu cũng gặp".

Cỏ mầu trầu còn có tên là "cỏ mần chầu", "cỏ vườn trầu", "cỏ dáng", "cỏ bắc", "ngưu cân thảo", "thiên kim thảo", "sam tử thảo", "tất suất thảo", ... tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.); thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

Cỏ mần trầu là loại cỏ sống hằng năm, rễ mọc khỏe, mọc thành cụm. Thân mọc thẳng, cao chừng 10-60cm, bò dài ở đoạn gốc. Lá mọc cách xa nhau, hình dải, mềm nhẵn, nhọn đầu, dài 10-30cm, rộng 3-7mm; bẹ lá có lông, ôm lấy thân cành. Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5-7 bông, mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa, trông giống như những ngón tay; mỗi bông lại mang nhiều hoa nhỏ. Quả thuôn dài, ráp, gần như 3 cạnh, dài 1,5mm, vỏ quả mềm.

Để làm thuốc, người ta nhổ toàn cây, liền cả rễ; bỏ tạp chất, phơi khô, cắt ngắn. Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào cuối hè đầu thu.

Theo Đông y: Cỏ mầu trầu có vị ngọt, tính mát; vào các kinh Can, Phế và Vị. Có  tác dụng thanh nhiệt mát máu, chống bốc nóng, dùng chữa cảm nắng, sốt nóng, máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, đái sẻn, đái đỏ, ngoại thương xuất huyết. Liều dùng từ 9-15g khô hoặc 60-120g tươi sắc uống; hoặc giã lấy nước cốt.

Ở nước ta, từ xưa dân gian thường sử dụng cỏ mần trầu như một vị thuốc mát, để chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa sốt rét, còn có tác dụng làm mát gan.

Trong suốt 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và thời kỳ bao cấp, cỏ mần trầu là một thành phần quan trọng, có tác dụng giải độc, trong "Toa căn bản". "Toa căn bản" là những bài thuốc cơ bản, sử dụng 10 vị thuốc Nam sẵn có ở quanh nhà, để điều hòa cơ thể và chữa trị các bệnh thông thường.

Tác dụng phòng trị viêm não B của cỏ mần trầu, được đề cập trong một số tài liệu của Trung Quốc. Trong "Trung dược đại từ điển" có giới thiệu một số cách sử dụng cỏ mần trầu để phòng trị viêm não B, cụ thể như sau:

    (1) Dự phòng viêm não B: Dùng cỏ mần trầu tươi 50-100g, sắc nước uống thay trà trong ngày (Phúc Kiến trung thảo dược).

    (2) Thông báo lâm sàng:

        - Sử dụng để dự phòng: Mỗi ngày dùng 30g cỏ mần trầu tươi, sắc nước uống, liên tục 3 ngày; nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống 3 ngày nữa. Đã thử nghiệm ứng dụng cho 184.130 lượt người; kết quả chỉ có 2 người bị phát bệnh.

        - Sử dụng để điều trị: Mỗi ngày dùng 30-90g cỏ mần trầu tươi, rửa sạch, sắc lấy 50-100ml, chia ra 3 lần uống trong ngày; liệu trình 7-10 ngày. Đã thử nghiệm dùng cỏ mầu trầu làm chủ vị điều trị 27 ca viêm não B. Trừ 2 ca bị tử vong, còn lại đều đã khỏi bệnh. Trung bình sau khoảng 2-3 ngày, thì thân nhiệt trở lại bình thường. Có một số người sau khi uống thuốc thấy có phản ứng phụ như hơi đau bụng, ỉa chảy, đau đầu, buồn nôn, nôn. Tuy nhiên không thấy có ảnh hưởng xấu đối với huyết dịch và chức năng thận.

Như vậy, trong những giai đoạn có nguy cơ xuất hiện viêm não B, có thể hái cỏ mần trầu, đem về nấu nước uống, để dự phòng và để giải nhiệt.

Để bạn đọc khác cùng tham khảo, xin giới thiệu một số đơn thuốc có dùng cỏ mần trầu:

    (1) Chữa sốt nóng do bị say nắng: Dùng cỏ mần trầu tươi 100g, sắc nước uống trong ngày.

    (2) Chữa huyết áp cao: Ngày dùng 60-100g cỏ khô, hoặc 300-500g cỏ tươi; sắc uống thay nước trà. Nhiều người đã sử dụng có kết quả. Còn có thể sử dụng theo cách: Hái chừng 500g cỏ tươi, giã nát, thêm chừng một bát nước đun sôi để nguội; vắt lấy nước cốt, lọc qua vải; thêm ít đường vào cho ngọt mà uống; ngày có thể uống 2 lần, vào sáng và chiều.

    (3) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục (lâm trọc): Dùng cỏ mần trầu tươi 100g, rễ cỏ tranh tươi 20g; sắc nước uống.

    (4) Chữa kiết lỵ: Dùng cỏ mần trầu tươi 50-100g, sắc nước, thêm đường đổ vào uống ngày 2 lần.

    (5) Chữa sán khí (sa đì): Dùng cỏ mầu trầu, ích mẫu - mỗi thứ 40g; sắc uống (Theo "Bách gia trân tàng" của Hải Thượng Lãn Ông). Hoặc có thể dùng cỏ mần trầu tươi 200g, hạt vải khô 14 hạt; đổ nửa rượu nửa nước vào sắc trong một giờ; uống vào trước bữa ăn, ngày 2 lần.

    (6) Chữa vú sưng đau nóng đỏ: Dùng cỏ mần trầu 50g, bồ công anh 50g; đổ ngập nước, cho một quả trứng gà vào luộc chín; ăn trứng, uống nước thuốc, còn bã thuốc đắp vào chỗ sưng đau.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]