Hỏi:
Cháu thứ hai nhà tôi sau khi sinh con được 2 tháng thì lông mi dưới mắt trái chọc vào mắt. Tôi đã đưa cháu đến hai bệnh viện, các bác sĩ đều nói là quặm mi dưới bảo về phải mát xa mắt. Nhưng đến nay đã 9 tháng, mát xa mãi không khỏi. Vậy tôi xin hỏi "Thuốc vườn nhà" liệu có cách nào chữa khỏi được không?
Lê Quốc Hương, Tam Dương, Vĩnh Phúc
Đáp:
Theo y học hiện đại, lông quặm thường do di chứng của bệnh mắt hột gây nên. Bệnh mắt hột kéo dài lâu ngày, chân lông mi bị tổn hại, biến dạng, khiến lông mi nghiêng vào phía bên trong mắt. Nếu chân lông mi tổn thương ít, lông mi chỉ hơi bị xiên vào bên trong, đó là "lông xiên". Nếu tổn thương nặng, sụn mi bị biến dạng - quăn lại như vỏ đậu - khiến cho cả hàng lông mi quặt vào bên trong, trở thành "lông quặm". Trong Tây y, trường hợp nhẹ thường xử lý bằng cách đốt điện; còn bệnh nặng thường phải chữa trị bằng phẫu thuật.
Theo Đông y: Cơ thể con người là một thể thống nhất, mắt là nơi tụ hội của các kinh mạch, nên bệnh ở mắt có liên quan mật thiết với bệnh lý ở các tạng phủ và kinh mạch. Nói cách khác, "sức khỏe của đôi mắt" liên quan mật thiết với trạng thái sức khỏe toàn thân.
Theo thuyết tạng tượng của Đông y: Mi mắt có liên quan mật thiết với tỳ vị (hệ tiêu hóa); nguyên nhân dẫn đến lông xiên hăy lông quặm chủ yếu là do phong nhiệt làm tổn thương tỳ vị, hoặc một số bệnh ở mi mắt (như chắp, lẹo, viêm mi mắt, ...) không được chữa trị kịp thời; bệnh kéo dài lâu ngày, kinh mạch ở mi mắt bị co thắt, biến dạng, khiến lông mi lệch đi, chọc vào mắt, thành lông xiên hoặc là lông quặm.
Để chữa trị tận gốc, nên đưa cháu đến một cơ sở Đông y có uy tín để được các thầy thuốc chẩn đoán một cách toàn diện, xem tạng phủ hoặc bộ phận nào trong cơ thể bị suy yếu, để kịp thời điều chỉnh, chữa trị.
Trước mắt, có thể áp dụng thử 2 phương thuốc tương đối đơn giản, được ghi lại trong sách "Phúc tề toàn trân" và "Y phương loại tụ", cụ thể như sau:
(1) Bài 1: Dùng "mộc miết tử" (hạt trái gấc dùng để nấu xôi) 1 cái, bỏ vỏ, nghiền mịn, dùng lụa bọc bột thuốc nhét vào lỗ mũi; lông quặm ở mắt trái thì nhét lỗ mũi phải, lông quặm ở mắt phải nhét vào lỗ mũi trái. Nhân hạt gấc có tác dụng tiêu tán nhiệt độc ở huyết phận, làm giảm sự co thắt kinh mạch ở mi mắt, khiến lông mi khỏi xiên vào trong mắt.
(2) Bài 2: Xuyên sơn giáp (vẩy tê tê) sao vàng, xà thoái (xác rắn), địa long (giun đất) - 3 thứ dùng liều lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn; ngậm một ngụm nước trong miệng, hít bột thuốc vào lỗ mũi, lông quặm ở mắt trái thì hít bột thuốc và lỗ mũi phải; lông quặm ở mắt phải thì hít vào lỗ mũi bên trái. Bài này ngoài tác dụng như Bài 1, còn có tác dụng thanh trừ nhiệt độc ở tỳ vị.
Ngoài ra, hàng ngày, trước khi nằm ngủ, nên lấy bông hoặc khăn sạch nhúng nước ấm, chườm hai mi mắt một lúc, cũng có tác dụng tốt, giúp khí huyết lưu thông, lông mi phát triển được bình thường.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.