Hỏi:
Tôi nghe nói, cây rút rế (vẫn dùng để bện rế lót nồi) có tác dụng chữa phong thấp khớp xương đau nhức. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, rút rế có tác dụng chữa đau khớp hay không? Ngoài ra cây còn có những tác dụng chữa bệnh gì khác?
Nguyên Đình Bào, Yên Khánh, Ninh Bình
Đáp:
Cây rút rế
Trong các sách thuốc cây rút rế thường được gọi là cây "rung rúc". Cây còn có những tên khác như "cứt chuột", "đồng bìa", "lão thử nhĩ", "cẩu cước thích", "đề vân thảo", "thiết bao kim", "ô long căn", "câu nhi trà", ... tên khoa học là Berchemia lineata (L.) DC., thuộc họ Táo.
Rút rế là loại cây bụi leo, cành rất mảnh, hình trụ, lúc non màu xám nhạt, sau màu hồng nâu, nhẵn, trơn, cứng rắn. Lá đơn, mọc cách, hình bầu dục, tròn ở hai đầu, gân nổi rõ rệt, mép nguyên, mặt trên màu lục, mặt dưới màu xám. Hoa màu trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hình cầu dài, màu tím đen, có 2 ô, 3 hạt thuôn. Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bờ bụi, ven đường. Dân gian thường lấy toàn cây về, rút thành rế để đỡ nồi cho đỡ vỡ, đỡ nóng, nên có tên là cây "rút rế".
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đỗ Tất Lợi, để chữa phong tê thấp, xương khớp đau, nhức, mỏi, có thể sử dụng cây rút rế như sau: Rễ rút rế thái mỏng, sao vàng 200g, rượu trắng (30-40 độ) 1 lít; ngâm trong 15 ngày trở lên; ngày uống 20-30ml.
Tất cả các bộ phận của rút rế, đều có thể sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y:
- Lá và cành non (Đông y gọi là "lão thử nhĩ") có vị hơi đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng chữa mụn nhọt sưng đau, viêm tinh hoàn, trĩ lở loét, bỏng. Dùng 15-30g sắc uống trong ngày, hoặc giã đắp lên chỗ da bị bệnh.
- Rễ (Đông y gọi là "thiết bao kim") có vị đắng, tính bình. Có tác dụng thông ứ huyết, trừ phong thấp, tiêu thũng độc. Dùng chữa ho lâu ngày, thổ huyết, đòn ngã tổn thương, phong thấp đau nhức, ...
Một số bài thuốc có sử dụng rung rúc (rút rế):
(1) Chữa đinh nhọt: Cành lá non rung rúc 30g; giã nát với chút muối, đắp lên đinh nhọt. Đồng thời dùng cúc hoa trắng 15g, cam thảo 5g, sắc nước uống.
(2) Chữa viêm tinh hoàn: Cành lá non rung rúc 15-30g, trứng vịt 1 quả; sắc với nửa rượu nửa nước; ăn trứng, uống nước thuốc. Hoặc dùng rễ rung rúc 30-60g, sắc lấy nước đặc, pha thêm chút rượu trắng, chia thành 3-4 lần uống trong ngày.
(3) Chữa trĩ ngoại: Cành lá non rung rúc tươi 30g, rửa sạch, thái ngắn; đuôi lợn 1 cái, thêm nước, hầm chín ăn.
(4) Mắt sinh màng mộng: Cành lá non rung rúc tươi 30g, trứng gà 1 quả; thêm nước, nấu chín ăn.
(5) Chữa bỏng: Cành lá non rung rúc tươi giã nát, trộn dầu thực vật bôi vào chỗ da bị bỏng.
(6) Chữ ho lâu ngày do yếu phổi (phế lao cửu khái): Rễ rung rúc 30g, xuyên phá thạch 10g, cam thảo 9g; sắc uống trong ngày.
(7) Chữa mẩn tịt: Rễ rung rúc 30g, sắc nước uống.
(8) Chữa nhọt độc ở lưng (bối ung): Dùng rễ rung rúc 30g, sắc uống; đồng thời dùng lá tươi giã đắp.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.