Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách chữa bệnh sởi bằng thuốc Nam

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/08/2012 12:34 SA

Hỏi:

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho cách chữa bệnh sởi bằng thuốc Nam. Vì tôi nghe nói, bệnh sởi do vi rút gây nên, Tây y tuy có thuốc tiêm phòng, nhưng khi bệnh phát thì chưa có thuốc đặc trị.

N.V.Đ, Nam Định

Đáp:

củ tóc tiên, củ mạch môn

Ở nước ta, từ khi triển khai việc tiêm phòng mở rộng, số trẻ bị mắc và chết do sởi đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ trẻ nhỏ, không có miễn dịch bảo vệ sau khi tiêm phòng. Ngoài ra, còn có một số trẻ bị bỏ sót tiêm chủng vacxin phòng sởi. Do đó hàng năm, nhất là vào các mùa đông, xuân, vẫn có một số trẻ nhỏ bị bệnh sởi. Đối với các cháu thuộc diện này, có thể sử dụng thuốc Nam để chữa trị.

Khởi đầu, bệnh sởi có những triệu chứng giống như cảm mạo, sau đó có thể sốt cao hoặc sốt lúc cao lúc thấp, trên da xuất hiện những nốt đỏ hơi nổi cao, sờ tay vào thấy vướng, nhìn giống như hạt vừng. Thông thường, bệnh kéo dài khoảng 10 ngày thì khỏi.

Nhưng nếu cơ thể trẻ nhỏ vốn đã suy yếu, lại bị nhiễm trùng nặng, và không được chữa trị theo đúng phương pháp, khiến "tà độc" bị hãm lại ở bên trong (sởi không mọc được ra ngoài), thì dễ gây nên những biến chứng phức tạp, như ỉa chảy, viêm phổi nặng, cam tẩu mã, viêm tai giữa, loét mắt gây mù, hôn mê, co giật, thậm chí tử vong.

Phép chữa bệnh sởi trong Đông y được tiến hành theo từng giai đoạn như sau:

    1. Thời kỳ khởi phát (sởi chưa mọc):

        Thông thường, 3-4 ngày trước khi sởi mọc, trẻ bắt đầu phát sốt, có những triệu chứng giống như của các bệnh cảm sốt nhiễm trùng, như hắt hơi, ho, sổ mũi, mắt đỏ, nước mắc chảy đầm đìa, sợ ánh sáng, người mệt mỏi, ngủ nhiều hoặc buồn bã trằn trọc không yên, sốt cao dần; rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng, nhìn kỹ thấy niêm mạc miệng ở phía trong má có một số nốt chẩn màu trắng (Tây y gọi đó là "đốm Koplik").

        Để chữa trị, cần dùng những vị thuốc cay, mát, có tác dụng kích thích cho sởi mọc ra. Tùy theo điều kiện, có thể sử dụng một trong số các bài thuốc sau:

            (1) Lá diếp cá (giấp cá) 15-20g, rau giệu 15-20g, đậu cọc rào 10-15g, cam thảo đất 10-15g (có được các vị thuốc tươi là tốt nhất); tất cả các vị thuốc rửa sạch, nấu với 300-400ml nước, sắc lấy 150-200ml; chia ra cách khoảng 3 giờ lại cho uống 1 lần, tùy tuổi lớn nhỏ mà thêm bớt liều lượng.

            (2) Lá nọc sởi (còn gọi là lá ban, cỏ cóc), nấu với 300-400ml nước, sắc lấy 150-200ml; chia ra 3-4 lần uống trong ngày.

            (3) Củ mã thầy 40g, củ cà rốt 40g, hạt mùi 4g; nấu nước uống trong ngày.

    2. Thời kỳ sởi mọc:

        Kéo dài khoảng 3-4 ngày. Bệnh nhi sốt cao hơn, buồn phiền khát nước, ho nhiều, người mệt mỏi, các nốt sởi xuất hiện dần từ đầu mặt, thân mình, chân tay, lòng bàn chân bàn tay; mọc càng ngày càng dầy, từ màu đỏ tươi dần dần thành đỏ thẫm; đại tiện nhão, rêu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch đập nhanh.

        Để chữa trị cần sử dụng loại thuốc thanh nhiệt giải độc. Có thể sử dụng một trong số các bài thuốc sau:

            (1) Lá tre 20g, sài đất 16g, củ sắn dây 12g, mạch môn 12g, kim ngân hoa 16g, cam thảo đất 12g; sắc với 600ml nước, đun cạn còn 300ml; chia ra cách 3 giờ uống 1 lẫn, mỗi lần 30-40ml.

            (2) Vỏ rễ dâu tằm (tang bạch bì) 10g, huyền sâm 10g, kim ngân 10g, hoàng đằng 5g, cát căn 15g, địa cốt bì 10g, sa tiền tử 5g, thăng ma 5g, mạch môn 10g, bạc hà 5g, đăng tâm thảo 5g, cam thảo 8g; sắc và uống giống như bài (1).

    3. Thời kỳ sởi bay:

        Nếu không có biến chứng, sau khi sởi mọc khoảng 3 ngày các nốt chẩn bắt đầu lặn, 4-5 ngày sau thì bong vẩy nhỏ như khảm, để lại những vệt xam xám trên da, khoảng 2 tuần sau thì tiêu mất; sốt và ho giảm dần, tiếng nói hơi khàn, tinh thần tỉnh táo hơn.

        Để chữa trị, cần dùng những vị thuốc bổ mát, để bồi dưỡng âm huyết. Có thể dùng:

            (1) Lá dâu non 20g, mạch môn 12g, hoàng tinh 12g, hạt sen 12g, củ mài 12g, đậu đỏ 12g, sa sâm 12g, cam thảo 8g; sắc với 300ml nước, đun cạn còn 150ml; chia ra 3 lần uống trong ngày.

            (2) Nếu sởi bay rồi mà vẫn sốt cơn, gò má đỏ, ho ít đờm, ra mồ hôi trộm, cần dùng: Sài hồ 10g, xạ can 5g, mạch môn 10g, đăng tâm thảo 5g, tang bạch bì 10g, sinh địa 10g, địa cốt bì 5g, chi tử 5g, trúc diệp 10g, kim ngân 10g, cam thảo 6g; sắc uống.

            (3) Nếu sau khi sởi bay có biến chứng lỵ, dùng: Rau má 20g, lá mơ 16g, rau sam 20g, cỏ phượng vĩ 12g, cỏ nhọ nồi 12g, vỏ núc nác 12g, cam thảo 8g; sắc với 400ml nước, đun cạn còn 150ml; chia 2-3 lần uống trong ngày.

            (4) Nếu sau khi sởi bay ho vẫn kéo dài, dùng: Vỏ rễ dâu 20g, mạch môn 12g, bách bộ 12g, lá chanh 6g, lá táo 8g, cam thảo 8g; sắc với 400ml nước, đung cạn còn 150ml; chia 2-3 lần uống trong ngày.

    4. Lưu ý phân biệt:

        - Bệnh sởi trong Đông y gọi là "Ma chẩn" ("ma" = hạt vừng, "chẩn" = nốt sẩn, nốt mẩn); do nốt sởi có hình dạng như hạt vừng, nên người xưa đặt cho bệnh cái tên như vậy. Hiện tại, trong một số tài liệu phổ biến về Đông y, một số người hay lẫn lộn bệnh sởi với bệnh "Phong chẩn". Bệnh "Phong chẩn" (còn gọi là "Phong sa") có những biểu hiện gần giống như bệnh sởi. Khởi đầu, "Phong chẩn" cũng có những chứng trạng giống như cảm mạo (sốt nhẹ, ho, sổ mũi, ...), nhưng chỉ trong vòng 1 ngày (chứ không kéo dài 3-4 ngày như trong bệnh sởi) là bắt đầu phát ban, trên người xuất hiện những nốt sẩn đỏ, cỡ bằng hạt cát (bắt đầu từ đầu mặt), rồi lan khắp cơ thể; ngoài ra, trong bệnh "Phong chẩn" còn có hiện tượng sưng đau hạch bạch huyết ở cổ và gáy.

        - Theo y học hiện đại, "Bệnh sởi" (rubeola, morbilli) và bệnh "Phong chẩn" (rubella, German measles), đều là những bệnh nhiễm vi-rút, nhưng do 2 loại vi-rút khác nhau gây nên. Thời trước, tại các nước phương Tây, bệnh "Phong chẩn" được gọi là "Bệnh sởi Đức" (German measles), còn hiện tại y học phương Tây gọi là "Bệnh rubella".

        - "Phong chẩn" là một bệnh nhẹ hơn, ít gây biến chứng. Để chữa trị, Đông y sử dụng những loại thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Vì vậy, cũng có thể sử dụng những bài thuốc dùng để chữa sởi trong giai đoạn 2 (Thời kỳ sởi mọc) để chữa bệnh "Phong chẩn".

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]