Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bồ kết chữa bí đại tiện và nhiều chứng bệnh khác

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/08/2012 02:56 SA

Hỏi:

Cháu rất thích sử dụng và tìm hiểu về những vị thuốc Nam. Góc vườn nhà cháu có cây bồ kết, cháu rất thích gội đầu bằng quả bồ kết nấu với những thứ lá thơm, có thể vì vậy nên tóc cháu mọc rất dầy và mượt. Gần đây cháu nghe người ta nói, ngoài việc dùng để đun nước gội đầu, còn có thể chữa bí đại tiện? Mong "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không?

Lê Thị Mai, Hưng Hà, Thái Bình

Đáp:

bồ kết, tạo giáp, quả bồ kết, tạo giáp tử, hạt bồ kết, tạo giác thích, gai bồ kết

Bồ kết là một vị thuốc Nam rẻ tiền nhiều công dụng. Đối với người Việt ta, bồ kết là một thứ vô cùng thân thuộc. Từ thời xa xưa, dân ta đã trồng bồ kết để lấy quả dùng trong sinh hoạt. Những năm về trước, cứ tới mùa thu những chùm bồ kết xanh lại được bán ở khắp mọi nơi. Giá bình dân, ai cũng mua được. Hầu như nhà nào cũng mua về, phơi khô hay gác trên gác bếp, để sử dụng dần dần trong suốt cả năm. Khi các loại nước gội đầu chưa tràn ngập như ngày nay, các bà các cô ở ta thường chỉ dùng bồ kết ngâm nước hoặc nấu nước gội đầu. Đó là thứ "Mỹ phẩm thiên nhiên" tuyệt vời, vì gội bằng bồ kết tóc sạch hết gầu và trơn mượt. Nếu thêm vào nắm cỏ mần trầu, thì tác dụng dưỡng tóc sẽ còn tốt hơn. Theo các cụ nói, bồ kết còn có một tính năng đặc biệt, là dùng giặt đồ lụa hay len dạ nhuộm màu, quần áo sẽ không bị phai màu và không hoen ố.

Bồ kết là một cây to cao chừng 6-8m, trên thân có những chùm gai cứng phân nhánh, dài tới 10-15cm. Lá kép lông chim, với 6-8 đôi lá chét, hình trứng dài, cuống chung. Hoa màu trắng, mọc thành chùm. Quả giáp, hơi cong hình lưỡi liềm hoặc thẳng; quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên; trên mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10-12 hạt, màu vàng nâu nhạt; quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt.

Cây bồ kết cho ta những 3 vị thuốc chính: Tạo giáp - là quả bồ kết đã chín, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô. Tạo giáp tử - là hạt lấy ở quả bồ kết già, đã phơi hay sấy khô. Tạo giác thích - là gai hái ở thân cây bồ kết, đem về phơi hay sấy khô hoặc thái mỏng rồi phơi hay sấy khô. Ngoài ra, lá bồ kết (tạo giáp diệp) và vỏ rễ bồ kết (tạo giáp căn bì) cũng có thể sử dụng làm thuốc.

Vào tháng 10-11, quả chín, hái về phơi hay sấy khô; khi mới hái quả có màu xanh hay hơi vàng, phơi và để lâu có màu đen bóng. Gai bồ kết có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các tháng 9 đến tháng 3 năm sau; hái về phơi khô hoặc nhân lúc gai còn đang tươi, thái mỏng rồi mới phơi hay sấy khô.

Nhân tiện nói thêm đôi điều về "Tạo giáp" (皂荚) và "Trư nha tạo" (猪牙皂): Bình thường trong quả bồ kết thường có khoảng chục hạt. Nhưng trong trường hợp cây bị tổn thương, bị côn trùng, sâu bọ làm hại, hoặc cây đã già, ... trên cây thường xuất hiện một số quả đặc biệt, trong quả tuy vẫn có buồng hạt (tử phòng) nhưng bên trong lại không có hạt và đã bị mất khả năng sinh sản. Loại quả này nhỏ hơn quả thường, hình dạng đặc biệt, giống như răng lợn; gọi là "trư nha tạo" hay "trư nha tạo giáp" - nghĩa là quả bồ kết hình răng con lợn. Về mặt sinh học, "trư nha tạo" thực ra là thứ quả bồ kết đã bị dị dạng. Thời xưa, khi chưa phát hiện ra hiện tượng nói trên, người ta cho rằng "tạo giáp" (trái bồ kết bình thường) và "trư nha tạo", là những thứ nguồn gốc khác nhau. Đặc biệt, y gia thời xưa còn cho rằng, "trư nha tạo" - "bồ kết răng lợn" có tác dụng tốt hơn bồ kết bình thường. Trong phần lớn sách thuốc thời trước, vị thuốc từ quả bồ kết thường gọi tên là "trư nha tạo", rất ít khi gọi là "tạo giáp" giống như ngày nay. Mãi tới những năm gần đây, kết quả nghiên cứu về hóa học, dược lý và lâm sàng cho thấy, quả bồ kết bình thường và quả bồ kết dị dạng (trư nha tạo) có tác dụng tương tự như nhau. Và trong các sách Đông dược ngày nay, mới xác định lại: Vị thuốc "tạo giáp" được khai thác từ quả bồ kết trưởng thành đã bỏ hạt hoặc từ quả bồ kết bị dị dạng, không hạt - trư nha tạo.

Theo Đông y:

    - Quả bồ kết (tạo giáp, trư nha tạo): Có vị cay, mặn; tính ôn hơi có độc (có sách nói là "độc"); vào các kinh Thủ thái âm Phế, Túc thiếu âm Thận và Thủ dương minh Đại trường. Có năng lực thông khiều, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi; dùng chủ yếu chữa trung phong cấm khẩu phong tê, tiêu đồ ăn, đờm xuyễn thũng, sáng mắt, ích tinh. Liều dùng: Hằng ngày 0,5-1g dưới dạng thuốc bột, hay đốt ra than mà dùng, hoặc thuốc sắc.

    - Hạt bồ kết  (tạo giáp tử): Có vị cay, tính ôn, không độc. Có tác dụng thông đại tiện bí kết, chữa mụn nhọt. Dùng với liều 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

    - Gai bồ kết (tạo thích, tạo giác thích): Có vị cay, tính ôn, không độc. Dùng chữa ác sang, tiêu ung độc, làm xuống sữa. Liều dùng: 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

Dùng quả bồ kết để chữa bí đại tiện (táo bón) là một kinh nghiệm đã được lưu truyền từ rất lâu đời trong dân gian. Những năm 60 thế kỷ trước, kinh nghiệm này đã được kiểm chứng tại một số bệnh viện ở miền Bắc nước ta và đã được ghi lại trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.

Cách làm khá đơn giản, cụ thể như sau: Lấy khoảng nửa quả bồ kết, nướng thật vàng (nhưng không cháy quá), bỏ hột đi rồi tán thành bột mịn; lấy canulơ (hoặc quản bút bi, bút máy), rửa sạch, lau khô, nhúng vào dầu vừng, dầu lạc hay bôi vadơlin lên, tiếp đó chấm vào bột bồ kết, sau đó đưa vào trong hậu môn, sâu độ 3-4cm; làm như vậy 3-4 lần cho bột bám vào thành hậu môn, khoảng 5 phút là đi ngoài được. Có những trường hợp hậu phẫu, không trung tiện được 2-5 ngày, bụng trướng, trung tiện đại tiện đều bí, nôn mửa liên tục, có khi nôn ra máu, mà làm như trên chỉ sau 2 phút trung tiện và đi ngoài được ngay.

Bản thân chúng tôi đã chứng kiến, một số trường hợp do sợ đưa bột bồ kết vào gây nóng rát hậu môn, đã nướng bồ kết lên, sắc nước đặc, sau đó dùng bông thấm nước sắc, bôi vào trong hậu môn, cũng có kết quả tốt, bôi như vậy vài lần là đại tiện thông.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng bồ kết để chữa nhiều chứng bệnh khác nữa. Dưới đầy là một số đơn thuốc có bồ kết, đã được ghi chép trong sách thuốc:

    (1) Ngất, hôn mê, răng cắn chặt: Dùng quả bồ kết có cả hạt, thiêu tồn tính (rang hoặc đốt cho mặt thuốc cháy đen như than, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), nghiền  mịn, lấy một chút thổi vào lỗ mũi thì hắt hơi; lại lấy một ít xát vào chân răng thì sẽ há được miệng và tỉnh lại. Sau đó dùng 2g bột bồ kết nói trên sắc với 8g đương quy và 4g xuyên khung cho bệnh nhân uống (Từ cư sĩ tuyển kỳ phương).

    (2) Trúng phong, kinh giản, đờm xộc lên gây nghẹt thở, miệng sùi đờm rãi: Dùng quả bồ kết có cả hạt thiêu tồn tính và phèn phi - 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán mịn, trộn đều, hòa với nước cho uống mỗi lần 0,5g; ngày uống 3-6g, cho đến khi thổ được ra đờm hoặc đờm hạ xuống được thì thôi (Trồng hái và dùng cây thuốc).

    (3) Chữa ho: Bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo (táo tàu) 4g, cam thảo 2g, sinh khương (gừng sống) 1g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (Cục phương).

    (4) Nghẹt mũi khó thở hoặc viêm xoang: Đốt một quả bồ kết, hứng khói đưa vào mũi xông; sẽ dễ thở và còn có tác dụng chữa trị viêm xoang (Trồng hái và dùng cây thuốc).

    (5) Chữa đi lỵ lâu ngày: Hạt bồ kết sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô; ngày dùng 10-20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc, nên uống buổi sáng sớm khỏi mất ngủ (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (6) Chữa nhức răng, sâu răng: Quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi (Trung dược đại từ điển; Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (7) Chữa phụ nữ sưng vú: Gai bồ kết thiêu tồn tính 40g, bạng phấn (vỏ con trai tán bột) 4g; 2 vị đều tán nhỏ, trộn đều; mỗi lần uống 4g bột này (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (8) Nhọt bọc không vỡ mủ: Dùng gai bồ kết 5-10g, sắc nước uống (Thiên kim phương).

    (9) Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc: Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than bồ kết lên (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (10) Chữa mụn trứng cá bọc, mụn nước lở ngứa (phấn thích nùng bao, bao tiên): Dùng tạo giác thích (gai bồ kết) 30g, thêm giấm gạo 100ml, sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã; bôi vào chỗ da bị mụn; tương truyền có kiến hiệu kỳ lạ (đây là bài thuốc chép trong "Đồ kinh bản thảo" có tên "mễ thố giác thích tiên" - Thực dụng mỹ dung trung dược).

    Lưu ý: Tạo giáp và vị thuốc có độc nên chỉ được sử dụng với liều nhỏ và cần tham vấn ý kiến của thầy thuốc chuyên nghiệp. Người chưa có kinh nghiệm không nên uống trong, chỉ nên dùng ngoài.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]