Giải mã Đông y

"Biện chứng luận trị": Phương thức cá thể hóa trị liệu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/02/2014 08:47 CH

Đông y và Tây y là những "Hệ thống y học" khác nhau. Do đó, phương pháp tiếp cận và chữa trị bệnh tật trong Đông y và Tây y cũng rất khác nhau.

Tây y là khoa học mang tính quần thể, còn Đông y là một khoa học cá thể hóa. Nhận thức của Tây y về bệnh tật, chủ yếu căn cứ vào kết quả nghiên cứu trên một số lượng lớn (quần thể) bệnh nhân; kết quả nghiên cứu thu được là "đại lượng quân bình" về mặt thống kê, đại diện cho toàn bộ quần thể, các nhân tố cá biệt, đặc thù đều bị loại bỏ. Do đó, tất cả các bệnh nhân mắc cùng một bệnh, nói chung đều được chữa trị bằng cùng một phương pháp, dùng cùng loại thuốc.

Đông y chữa bệnh theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị". Đó là nguyên tắc cơ bản, trong chẩn đoán và điều trị bệnh tật, đồng thời cũng là đặc điểm cơ bản, độc đáo nhất của Đông y học. Trong "Biện chứng luận trị", quá trình nhận thức và chữa trị bệnh tật được cá thể hóa, tùy theo bệnh tình, độ tuổi, giới tính, đặc điểm thể chất, ... của từng người, mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Do đó, những bệnh nhân mắc cùng một bệnh, thường được chữa trị bằng một số phương pháp, bài thuốc khác nhau.

Trước hết hãy xét 2 ví dụ điển hình (2 y án cổ):

    (1) Trong bộ chính sử "Tam quốc chí" có chép lại một câu chuyện nhỏ: Một lần Hoa Đà được mời đến quan phủ, để chữa bệnh cho 2 viên quan, tên là Nghê Tầm và Lý Diên. Cả 2 có vẻ như đều mắc cùng một bệnh, đều bị phát sốt và đau đầu. Nhưng sau khi khám bệnh, Hoa Đà đã cho 2 người sử dụng những phương pháp trị liệu, phương thuốc khác nhau. Đối với bệnh nhân Nghê Tầm, Hoa Đà đã kê cho loại thuốc "tả hạ" (thuốc thông đại tiện mạnh - thuốc tẩy), còn Lý Diên thì cho dùng loại thuốc "phát hãn" (làm ra mồ hôi để giải cảm). Và lạ lùng là, chỉ 2 ngày sau, cả 2 người đều đã khỏi bệnh. Có người thắc mắc "Vì sao 2 người cùng bị mắc 1 bệnh, lại dùng những phép chữa, bài thuốc khác nhau như vậy?". Hoa Đà giải thích "Bệnh của 2 người tuy bề ngoài không sai khác nhiều, nhưng xét kỹ thì 1 người "thực chứng ở bên trong", còn một người "thực chứng ở bên ngoài", trị liệu tất nhiên phải khác nhau". Mọi người nghe xong, đều thán phục y thuật của Hoa Đà.

    (2) Một câu chuyện khác: Có hôm, một bệnh nhân bị đau mắt đỏ tìm đến danh y Diệp Thiên Sĩ xin được chữa trị. Sau khi xem mạch, hỏi han về bệnh tình, thấy người bệnh mặt mày ủ rũ và tinh thần u uất, Diệp Thiên Sĩ nói với bệnh nhân "Bệnh đau mắt của anh không khó chữa, chỉ cần uống vài ba thang thuốc là sẽ khỏi. Nhưng điều đáng lo ngại nhất lại là, trong vòng 7 ngày tới, sẽ có cái nhọt độc mọc lên ở chân, nếu không cẩn thận, có thể nguy hiểm đến tính mạng.”. Bệnh nhân nghe thấy vậy vô cùng sợ hãi, xin thầy thuốc cố gắng tìm mọi cách để cứu chữa giúp. Diệp Thiên Sĩ dặn người bệnh về nhà phải xoa bóp 2 gan bàn chân, thật nhiều, liên tục suốt 7 ngày. Người bệnh đã làm theo đúng như lời dặn. Qua 7 ngày, chứng bệnh đau mắt đã khỏi và ở chân không thấy có nhọt độc mọc lên. Bệnh nhân trở lại phòng khám để cảm ơn và hỏi thêm về bệnh. Diệp Thiên Sĩ bèn cười và nói "Thật ra, ở chân mọc nhọt độc là giả. Khi đó thấy anh mặt mày ủ rũ, tôi đoán bệnh tình liên quan mật thiết tới tâm trạng. Nếu không giải trừ được "tâm bệnh", thì bệnh mắt cũng không thể khỏi. Bảo anh về nhà xoa bóp gan bàn chân, chủ yếu là chuyển di sự chú ý, để chữa "tâm bệnh"." ... Bệnh nhân nghe thấy thế, như bừng tỉnh từ trong giấc mộng, trong lòng vô cùng cảm phục, luôn miệng cảm ơn.

"Biện chứng luận trị" là gì?

    Hai câu chuyện trên, là những ví dụ rất điển hình, phản ánh những phương pháp chữa bệnh, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y học.

    "Biện chứng luận trị" là 1 quá trình bao gồm 2 giai đoạn, có quan hệ tương hỗ với nhau, đó là "Biện chứng" và "Luận trị".

   (1) Giai đoạn "Biện chứng":

        - "Biện chứng" có nghĩa là "biện biệt" để xác định được "chứng". "Biện" có nghĩa là phân tích, biện biệt, nhận thức. "Chứng" không đơn thuần là triệu chứng cụ thể, mà là trạng thái tổng quát về bệnh tình, có khả năng biểu thị khái quát về nguyên nhân gây bệnh, vị trí bệnh, tính chất của bệnh, cũng như tương quan lực lượng giữa các tác nhân gây bệnh và khả năng chống bệnh (sức đề kháng) của cơ thể. Chính vì thế nên "chứng" thường gọi là "chứng hậu", "hậu" có nghĩa là tình hình tổng quát.

        - Để thu thập các thông tin phục vụ cho "Biện chứng", Đông y thường dùng 4 phương pháp, đó là Vọng - Văn - Vấn - Thiết; thường gọi là "Tứ chẩn". "Vọng" (nhìn) là dùng mắt quan sát những biến đổi về tình chí, khí sắc, dáng vẻ, động tác, cũng như rêu lưỡi, ...; "Văn" (nghe) là dùng tai để nghe âm thanh và mũi để ngửi khí vị; "Vấn" (hỏi) là hỏi bệnh nhân về cảm giác chủ quan, tình hình phát bệnh, đặc điểm gia tộc, ...; "Thiết" là bắt mạch, sờ nắn, ...

        - Các thông tin thu được qua "Tứ chẩn" mới chỉ là bước thứ nhất của việc "Biện chứng", vì đó mới chỉ là những triệu chứng biểu hiện bên ngoài, phiến diện, chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của bệnh. Để xác định nguyên nhân gây bệnh, cần tiến hành "Biện chứng cầu nhân", nghĩa là phân tích, biện biệt các chứng trạng, để tìm ra nguyên nhân gây bệnh (cầu nhân). Thời xưa, do chưa có kính hiển vi, cùng các phương tiện xét nghiệm như ngày nay, việc "cầu nhân" chủ yếu căn cứ sự phân tích, so sánh các chứng trạng biểu hiện cụ thể. Thí dụ, từ các chứng trạng như phát sốt, sợ lạnh, không khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch trì hoãn, ... có thể xác định nguyên nhân gây bệnh là do lạnh (hàn tà); ngược lại, nếu ở người bệnh xuất hiện các triệu chứng như, phát sốt, phiền táo, khát nước, thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ, mạch sác, ... có thể xác định nguyên nhân gây nên bệnh là nhiệt (nhiệt tà).

    (2) Giai đoạn “Luận trị":

        - "Luận trị" còn gọi là "thi trị", là dựa trên cơ sở của "biện chứng" để xác định "nguyên tắc trị liệu". "Biện chứng" là tiền đề và căn cứ của "luận trị".

        - "Luận trị" bao gồm những thủ đoạn, biện pháp cụ thể để giải trừ bệnh tật. "Luận trị" là mục tiêu của "Biện chứng" và cũng là hình thức để kiểm tra xem kết quả "Biện chứng" có xác thực hay không.

Trở lại câu chuyện Hoa Đà chữa bệnh cho 2 viên quan. Mặc dù 2 người đều có chung những triệu chứng bên ngoài giống nhau là phát sốt, đau đầu, nhưng sau khi tiến hành "Tứ chẩn" và phân tích kỹ lưỡng, Hoa Đà nhận thấy, "chứng hậu" ở 2 người không giống như nhau. Một người phát sốt, đau đầu do bị "nội nhiệt", còn người kia phát sốt đau đầu là do "ngoại cảm". Người thứ nhất, nội nhiệt uất kết ở bên trong tràng vị, hóa nhiệt dẫn đến phát sốt và đau đầu, nên cần sử dụng những vị thuốc hàn lương, có tác dụng tả hạ để thông đại tiện. Người thứ hai cảm phải phong hàn mà phát sốt, đau đầu, nên phải sử dụng các vị thuốc tân ôn, để phát hãn, giải trừ phong hàn. Hai người đã được cho sử dụng những phương pháp chữa trị và phương thuốc khác nhau, nhưng đều rất mau chóng khỏi bệnh. Chứng tỏ quá trình "Biện chứng luận trị" rất đúng đắn.

Lại xét câu chuyện chữa bệnh đau mắt đỏ. Tuy thấy người bệnh bị đau mắt, nhưng Diệp Thiên Sĩ không chỉ tập trung chú ý vào triệu chứng "mắt đỏ". Sau khi tiến hành xem xét và phân tích kỹ lưỡng, kết hợp với lý luận về Kinh lạc Tạng phủ, Diệp Thiên Sĩ đã xác định được là, trạng thái u uất và hiện tượng mắt đỏ sưng đau do "can khí bị uất kết", "hóa hỏa" mà dẫn tới triệu chứng như tâm trạng u uất, mắt đỏ sưng đau, ... Ông bảo bệnh nhân về xoa bóp hai lòng bàn chân, nơi có huyệt "dũng tuyền" - một huyệt vị quan trọng, thuộc đường kinh Túc thiếu âm thận, có tác dụng "tư âm giáng hỏa" và "an thần định chí" rất tốt. Nhờ tác đụng điều tiết chức năng của tạng phủ và ổn định thần kinh, thông qua việc kiên trì xoa bóp, mà bệnh đau mắt đỏ không cần chữa trực tiếp, cũng tự nhiên khỏi. Thông qua "Biện chứng" Diệp Thiên Sĩ đã nhận thấy bệnh vị (vị trí bệnh) tuy ở mắt, nhưng nguyên nhân gây bệnh là do "can khí uất kết hóa hỏa", nên đã áp dụng phép "tư âm giáng hỏa"  và "an thần định chí", để chữa trị vào tận gốc bệnh. Nhờ "Biện chứng luận trị" chính xác, Diệp Thiên Sĩ đã bày cho người bệnh một cách chữa thật là đơn giản, không tốn kém, mà rất hữu hiệu.

"Biện chứng luận trị" không phải là "đối chứng trị liệu" - nghĩa là chỉ chữa triệu chứng, như đau đâu chữa đấy, bị nôn thì dùng thuốc chống nôn, ... "Biện chứng luận trị" cũng không phải là phương thức "đối bệnh trị liệu" trong Y học hiện đại - nghĩa là đối với mỗi một loại bệnh, sử dụng những phác đồ, đơn thuốc, vị thuốc cố định để chữa.

"Biện chứng luận trị" là phương thức tiếp cận tổng hợp. Ngoài bệnh tình, còn căn cứ vào tuổi tác, đặc điểm thể chất của bệnh nhân, thói quen sinh hoạt, điều kiện thời tiết khí hậu, ... để lựa chọn ra phương pháp điều trị thích hợp nhất, đối với từng cá thể bệnh nhân.


Lương y THÁI HƯ

(Bài đã đăng trên Tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]